Xét tuyển ĐH, CĐ: Thứ trưởng yên tâm, nhưng xã hội không yên tâm
Tuyển sinh ĐH, CĐ dựa trên kết quả học tập ở THPT có đảm bảo đầu vào? |
Gần 50% các trường ĐH, CĐ được phép tuyển sinh bằng hình thức này
Thay vì thí sinh phải trải qua 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH, năm học này các em chỉ phải thực hiện một kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển đại học. Song song với quy định này, Bộ GD & ĐT cũng cho phép gần 200 trường ĐH, CĐ - tức gần 50% tổng số trường ĐH, CĐ trong cả nước - có đề án tự chủ tuyển sinh phù hợp với quy chế đã được Bộ xác nhận (so với năm 2014 chỉ có khoảng 60 trường) được phép tuyển sinh dựa trên kết quả học phổ thông.
Theo đó, phần lớn các đề án tự chủ tuyển sinh đều dành một phần chỉ tiêu toàn trường hoặc dành một phần chỉ tiêu của một số ngành để xét theo kết quả học tập ở THPT. Thứ trưởng Bộ GD & ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, điều kiện xét tuyển, thời gian, hồ sơ đăng ký xét tuyển đều được quy định trong các đề án tự chủ tuyển sinh của các trường. Các em phải theo dõi thông tin tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của trường và của Bộ GD-ĐT để đăng ký xét tuyển.
Qua thống kê của Bộ GD & ĐT, những đối tượng này chủ yếu nằm ở những địa phương có mặt bằng học lực chung của học sinh hạn chế. Nếu như ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng số học sinh đăng ký dự thi xét tốt nghiệp chiếm khoảng 10% thì một số địa phương lên tới 40 -45%.
Trong đó, điển hình phải kể đến là tỉnh Đắk Nông, theo số liệu thống kê ban đầu, trong tổng số hơn 6.500 thí sinh đăng ký dự thi có 1.800 thí sinh chỉ có nguyện vọng thi để xét tốt nghiệp THPT, chiếm khoảng 28%. Tại Điện Biên, trong hơn 6.300 thí sinh đăng ký dự thi, số thí sinh chỉ có nguyện vọng thi để xét tốt nghiệp THPT chiếm khoảng 45%.
Không công bằng
Với quy định, những học sinh xét tuyển đại học dựa trên kết quả học tập ở THPT, thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng hoàn toàn yên tâm về chất lượng đầu vào ĐH khi yêu cầu các em phải có điểm bình quân 6 điểm/môn học mới được vào ĐH. Còn CĐ là 5,5điểm/ môn.
Chung quan điểm trên, PGS.TS Lê Hữu Lập - nguyên phó giám đốc Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông cho rằng, với quy định này sẽ vừa mở ra cơ hội cho thí sinh có nhu cầu học đại học nhưng năng lực hạn chế lại vừa bổ sung nguồn lực cho những trường khó tuyển sinh.
Không đồng tình với ý kiến trên, GS.TS Đinh Văn Sơn, hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại cho rằng, vấn đề chúng ta cần lưu tâm ở đây là gốc hồ sơ học bạ của các em có đánh giá thực chất lực học hay không? Nếu trong cả quá trình phấn đấu, đó là điểm số phản ánh đúng năng lực của em thì việc xét tuyển dựa trên kết quả học phổ thông hoàn toàn rất tốt.
GS Sơn cũng lo ngại cho rằng nếu điểm số đó không trung thực thì thực sự không tốt cho bản thân các thí sinh và nhà trường. Điều này tạo ra sự không công bằng giữa các thí sinh với nhau, trong khi đó các trường cũng không tuyển được học sinh theo đúng năng lực.
“Quy định này xem ra không hợp lý. Bởi ai có thể khẳng định được học bạ của các em là khách quan? Chắc chắn trình độ của các em ở miền núi và miền xuôi đã có những sự khác nhau rồi chứ chưa nói ngay cả các trường trong cùng một khu vực nếu trường chạy theo thành tích thì cũng đã đưa ra những bộ học bạ khác với những trường có chủ trương dạy thật học thật rồi” – GS Sơn nói. Vì thế, quan điểm của GS Sơn là nên dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT sau đó xây dựng thêm tiêu chí phụ làm căn cứ xét tuyển mới là phương án khả dĩ nhất hiện nay.
GS Văn Như Cương cũng cho rằng, việc thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, hoàn toàn yên tâm về chất lượng đầu vào khi cho phép 200 trường ĐH tuyến sinh dựa trên kết quả học phổ thông vẫn phải có ngưỡng bảo đảm đầu vào là điều hết sức lo ngại. “Thứ trưởng cứ hoàn toàn yên tâm đi, nhưng xã hội thì hoàn toàn không yên tâm”- GS Cương nhấn mạnh.
Sự lo lắng của những nhà quản lý giáo dục xem ra có cơ sở, bởi theo hiệu trưởng của một trường học nghề cho rằng: Nếu không thi tuyển đầu vào, nhà trường sẽ không thể cho ra lò những lứa thợ có trình độ ngang nhau được. Trên thực tế, đầu vào của các em rất thấp, không đồng đều, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình đào tạo.
“Tiếng Anh một chữ bẻ đôi các em không biết, thậm chí những phép tính khá đơn giản các em cũng loay hoay mãi không ra. Mà nói thực là học bạ của không ít các em trong số này đều được xếp loại khá. Giáo viên chúng tôi thường phải dạy các em theo kiểu cầm tay, chỉ việc… mới mong các em tiếp thu được bài. Không hiểu những em này mà học đại học thì sẽ như thế nào?” – vị hiệu trưởng này e ngại.