Xét nghiệm ADN 12 mẫu hài cốt liệt sĩ, cụ ông 80 tuổi vẫn chưa tìm ra anh trai
Chị Chu Thị Thủy – Giám định viên pháp y về ADN, Khoa Y – Sinh học, Viện Pháp y Quốc gia là người đã ký nhiều quả xét nghiệm ADN hài cốt liệt sĩ.
Ảnh có tính chất minh họa. |
Phía sau mỗi kết quả xét nghiệm ADN ấy là một câu chuyện cảm động về hành trình đi tìm hài cốt liệt sĩ của thân nhân.
Chị Thủy nhớ nhất là câu chuyện một cụ ông đến Khoa Y - Sinh học với tâm tư nặng trĩu. Đó là ông N.Đ.B, 80 tuổi, quê ở Thái Bình.
Ông B. đã lấy 12 mẫu hài cốt liệt sĩ trong vòng 6 tháng trước đó để đưa sang Cục Người có công đề nghị xét nghiệm ADN tìm hài cốt của anh trai mình- liệt sĩ hy sinh trước năm 1954 trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Tháng trước ông B. nhận được kết quả xét nghiệm ADN của Viện Pháp y Quốc gia, có 5 mẫu hài cốt liệt sĩ lên được trình tự ADN nhưng đều không liên quan huyết thống theo dòng mẹ với ông, còn 7 mẫu còn lại đã phân hủy không thể thu được trình tự ADN.
Ông B. muốn nhờ Viện Pháp y Quốc gia hướng dẫn lấy lại mẫu sinh phẩm hài cốt để mẫu đạt được yêu cầu xét nghiệm ADN.
Trầm ngâm một hồi, ông B. kể cho chị Thủy biết anh trai ông là liệt sĩ chống Pháp. Trong một trận càn năm ấy, cả tiểu đội của anh trai ông B. hy sinh rồi được dân làng chôn cất. Khi đó để qua mắt thực dân Pháp và bọn tay sai nên khi chôn cất không ghi thông tin trên bia mộ. Sau này, hòa bình lập lại, chính quyền địa phương đã đưa các liệt sĩ đó vào nghĩa trang liệt sĩ, và đó chính là 12 mộ liệt sĩ mà ông B. đã lấy mẫu xin xét nghiệm ADN.
Ông B. đã mất rất nhiều thời gian đi tìm thông tin và nơi an táng các liệt sĩ này. Sau khi dò hỏi tin tức của các đồng đội chiến đấu năm xưa để biết nơi anh trai hy sinh, ông liên hệ với chính quyền địa phương nhiều cấp để tìm tới nơi chôn cất.
Xét nghiệm ADN góp sức lớn trong việc tìm thân nhân liệt sĩ. |
Khi tìm được chính xác vị trí các ngôi mộ, ông B. lại đi tìm thông tin người nhà của 12 liệt sĩ này để cùng làm xét nghiệm tìm người thân. Thế nhưng ông chỉ tìm được thêm duy nhất 1 người nhà của một liệt sĩ trong tiểu đội.
Người nhà liệt sĩ đó còn người em ruột cũng tầm tuổi ông B. Nhà họ thật may mắn, ngay lần xét nghiệm đầu tiên, trong số 5 hài cốt có trình tự ADN đã tìm thấy 1 hài cốt có liên quan huyết thống theo dòng mẹ với người em đó. Còn ông B. vẫn tiếp tục công cuộc tìm kiếm anh trai.
Chị Thủy kể: "Tôi đã kết bạn Zalo với bác B. để khi nào bác lấy mẫu hài cốt liệt sĩ, bác sẽ kết nối video để tôi trực tiếp đánh giá chất lượng của mỗi bộ hài cốt và hướng dẫn người nhà bác lấy mẫu sinh phẩm".
Trước ngày đến nhận kết quả 7 mẫu xét nghiệm ADN lần 2, ông B. đã chia sẻ với chị Thủy về tâm nguyện duy nhất của mình khi gần đất xa trời là tìm được hài cốt của người anh trai đưa về an táng tại quê nhà. Ông đã làm hết khả năng rồi nhưng kết quả chưa được theo ý nguyện.
Chị Thủy cho biết, kết quả trả về lần này có tới 6 mẫu sinh phẩm lên được trình tự ADN không liên quan huyết thống theo dòng mẹ với ông B, còn 1 mẫu sinh phẩm của một ngôi mộ còn lại thì mẫu phân hủy không lên được trình tự ADN để so sánh với ông B.
Nếu theo lẽ bình thường, ông B. sẽ tự an ủi rằng 11 ngôi mộ không liên quan huyết thống thì ngôi mộ còn lại có khả năng cao sẽ là người anh trai, nhưng khi đó lại có thông tin tiểu đội của người anh trai hy sinh 13 người, trong đó một hài cốt liệt sĩ đã có người nhà tới đưa về địa phương nhiều năm trước. Gia đình liệt sĩ đó không xét nghiệm ADN mà theo cách nhờ thầy ngoại cảm.
Ông B. muốn đi tìm thông tin về người liệt sĩ đã được bốc dỡ nhưng nghe nói gia đình bác ấy đã chuyển đi nơi khác sinh sống.
Rào cản với ông B. lúc này là sức khỏe và trí lực không còn minh mẫn nữa. Thêm vào đó ông cũng đưa ra giả thuyết nếu tìm được ngôi mộ kia mà mẫu sinh phẩm phân hủy không giải trình ADN được thì có tìm được cũng không có kết quả gì. Dù còn nhiều áy náy nhưng cuối cùng ông B. tâm sự rằng sẽ học cách chấp nhận ngôi mộ cuối kia là của anh trai mình.
Khánh Chi