Xây dựng thương hiệu hành tỏi Kinh Môn vươn xa, xứng với danh hiệu 'kinh đô hành tỏi'
"Thủ phủ" hành tỏi lớn nhất miền Bắc
Mảnh đất Kinh Môn (Hải Dương) nơi được mệnh danh là “thủ phủ" hành tỏi, là “kinh đô” hành tỏi lớn nhất của miền Bắc.
Nhắc đến Kinh Môn, nhiều người không chỉ biết đến đặc sản sắn dây và gạo nếp cái hoa vàng mà người ta còn biết đến nơi đây là “thủ phủ” của cây hành tỏi lớn nhất miền Bắc.
Được trồng trên vùng đất hợp thổ nhưỡng và khí hậu, hành tỏi Kinh Môn có vị cay, mùi thơm đặc trưng, củ to, chắc và không biết từ bao giờ, hành tỏi trở thành nông sản nổi bật của Kinh Môn bên cạnh bột sắn dây và nếp cái hoa vàng.
Chính vì thế, từ những luống hành tỏi được trồng xen canh để làm gia vị, những năm gần đây, người dân Kinh Môn đã chuyển sang trồng chuyên canh hành tỏi với mô hình sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung.
Và Kinh Môn được ví như “kinh đô” của hành tỏi. Từ vùng đất này, những củ hành, củ tỏi đã theo chân các thương lái đến khắp các tỉnh, thành phố ở các vùng miền trong cả nước, là rau gia vị quen thuộc, không thể thiếu của nhiều gia đình.
Chia sẻ với PV Infonet, chị Nguyễn Chinh (xã Thượng Quận, TX Kinh Môn, Hải Dương) kể: “Một người bạn của tôi ở tận Nha Trang (Khánh Hòa), có một lần về quê ăn Tết được nhà tôi gửi làm quà là túi hành tỏi Kinh Môn. Sau lần đó, cứ mỗi lần ăn Tết Nguyên đán xong, anh bạn tôi lại a lô bảo: Đừng gửi quà gì cho anh, chỉ cần gửi mấy cân hành tỏi là anh quý lắm rồi.
Khi hỏi vì sao anh lại thích hành tỏi Kinh Môn, anh bạn tôi bảo: Hành tỏi Kinh Môn có vị cay, thơm nồng đặc trưng không thể lẫn với các loại khác được. Chỉ cần ăn một lần là nhớ mãi và không thể ăn sang loại khác được.
Chính vì thế nên năm nào hễ đến vụ thu hoạch hành tỏi, gia đình tôi đều gửi ít hành tỏi cho anh ấy, coi như quà Tết!”.
Nhiều người đã từng thưởng thức hành, tỏi Kinh Môn cho biết, so với những loại tỏi khác thì hành tỏi Kinh Môn có màu sắc đặc trưng hơn. Vị tỏi Kinh Môn khá là thơm nồng, cay cay; đặc biệt, củ hành, tỏi của Kinh Môn có kích thước to, chất lượng tốt, ít địa phương nào có được. Có thể đây cũng là 1 trong những đặc điểm làm nên sức hấp dẫn của loại cây đặc sản này.
Không chỉ là cây trồng chủ lực, xóa đói giảm nghèo cho nhiều bà con ở Hải Dương, hành tỏi huyện Kinh Môn còn góp phần tạo nên một thương hiệu hành tỏi nức tiếng trong cả nước cho vùng đất này.
Xây dựng thương hiệu hành tỏi Kinh Môn vươn xa
Năm 2017, hành tỏi Kinh Môn đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận “Nhãn hiệu tập thể”; năm 2019, hành tỏi Kinh Môn tiếp tục được vinh danh "Thương hiệu vàng nông nghiệp" do Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam bình chọn. Đây là cơ sở để người dân tích cực sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ, khẳng định thương hiệu hành tỏi Kinh Môn trên thị trường. Đồng thời là cơ hội đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường mới nhiều tiềm năng sau khi Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại song phương và đa phương.
Trong số những sản phẩm tham gia chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) của thị xã Kinh Môn tính đến thời điểm này, có một số sản phẩm được chế biến từ tỏi như: Tỏi mật, rượu tỏi; tỏi đen Vietkiga, vang tỏi đen Vietkiga, siro tỏi đen Vietkiga…
Thời gian gần đây, các sản phẩm này đã có mặt tại nhiều hội chợ, triển lãm ở trong và ngoài tỉnh góp phần nhằm quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông sản OCOP chủ lực của thị xã nói chung, hành tỏi nói riêng.
Năm nay, trong số 9 sản phẩm đăng ký tham gia OCOP, có 2 sản phẩm là hành khô và tỏi khô của HTX Hành, tỏi sạch Kinh Môn (xã Bạch Đằng).
Cứ đến tầm tháng 11 hằng năm, ai đi qua vùng đất Kinh Môn đều thấy toàn màu xanh của hành tỏi phủ đầy xanh mướt mát. Hiện nay, toàn thị xã có khoảng 3.600 ha hành/vụ/năm; giá trị kinh tế từ cây hành ở Kinh Môn đạt hơn 300 triệu đồng/ha/vụ.
Vụ Thu Đông năm 2021, thị xã Kinh Môn đã thu hoạch gần 4.000ha cây hành, tỏi với sản lượng củ tươi khoảng gần 85.000 tấn.
Vụ Thu Đông năm 2022, thị xã Kinh Môn gieo trồng 4.410ha, trong đó có 3.590 ha hành, 260ha tỏi. Các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn như các xã, phường: An Phụ, Hiệp Hòa, Quang Thành, Thăng Long, Thượng Quận...
Tuy nhiên, để hướng đến giá trị cho cây hành tỏi phát triển bền vững, xây dựng thương hiệu hành tỏi Kinh Môn không chỉ đứng vững ở thị trường trong nước mà vươn xa xuất khẩu ra các nước ngoài, hiện thị xã Kinh Môn đang khuyến khích nông dân thay đổi thói quen canh tác, chuyển sang sản xuất sạch, hữu cơ.
Theo đó, thị xã Kinh Môn đã đẩy mạnh việc kết nối, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư liên kết với nông dân sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; đa dạng các hình thức xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ hành tỏi, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và xuất xứ hàng hóa.
Cùng với sự hỗ trợ như tập huấn khoa học kỹ thuật, thời gian tới, thị xã Kinh Môn sẽ đẩy mạnh tuyên truyền tiến tới xây dựng những mô hình trồng hành tỏi theo quy trình VietGAP, góp phần đưa hành tỏi Kinh Môn vươn đến thị trường quốc tế.
Theo Phó Chủ tịch UBND thị xã Kinh Môn Lê Văn Điển, hiện thị xã đang tích cực xây dựng thương hiệu xuất xứ hàng hoá cho cây hành tỏi Kinh Môn.
Để gia tăng hiệu quả kinh tế từ cây trồng chủ lực này, huyện Kinh Môn đã thực hiện đề án “Dồn điền đổi thửa”, tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi để nông dân đầu tư mở rộng diện tích, nâng cao hiệu quả sản xuất. Khuyến khích và tạo điều kiện cho người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng quy trình sản xuất VietGap trên nhiều diện tích trồng hành tỏi để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, chất lượng thơm ngon, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu sang các thị trường khó tính trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ, Úc và một số nước thuộc EU.
Ngoài ra, nhằm chủ động nguồn cung, nhiều doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với người nông dân ngay từ đầu vụ, thu mua chế biến sấy khô hoặc muối hành củ đóng hộp xuất khẩu sang các thị trường Trung Đông, Nga, Hàn Quốc, Đài Loan, các nước thuộc EU và Mỹ... giúp khách hàng thuận lợi hơn trong việc bảo quản và sử dụng.
Hải Yến