Vụ trưởng Vụ Tín dụng lý giải chuyện “tắc” vốn hỗ trợ ngư dân
Tốc độ giải ngân gói vay này, theo đánh giá của ông Vũ Tiến Đông – Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) là khá chậm.
“Truy” nguyên nhân, ông Đông lý giải, có 3 lý do chính khiến việc giải ngân gói hỗ trợ đóng tàu cho ngư dân theo Nghị định 67 bế tắc.
Trong số 27 tỉnh, thành phố được Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn lựa chọn triển khai chương trình này, tới nay mới có 6 tỉnh phê duyệt danh sách, nên cần thêm thời gian nữa thì việc cung ứng và tiếp cận vốn vay của các NHTM mới “thấm”.
Và trước nay người dân vẫn có thói quen dùng tàu vỏ gỗ với mục đích sử dụng đa năng. Nhưng mẫu tàu vỏ sắt mà Bộ NN&PTNT đưa ra thì chỉ đáp ứng được 1-2 chức năng.
Giải ngân vay vốn đóng tàu vỏ sắt dành cho ngư dân đang ì ạch |
“Khi người dân chưa có thói quen sử dụng và cơ sở dịch vụ như đóng tàu, bảo dưỡng tàu, dịch vụ hậu cần nghề cá…chưa có thì việc ngư dân cân nhắc, tính toán và có phần lưỡng lự khi bỏ một số tiền lớn vào đầu tư đóng tàu vỏ sắt là điều dễ hiểu”- ông Đông nói.
Ngoài ra, vốn vay theo Nghị định 67 là vốn vay thương mại, nghĩa là có vay – có trả, lại chỉ được Chính phủ hỗ trợ về mặt lãi suất, bảo hiểm… nên người dân cũng phải tính toán làm sao khi vay vốn sẽ sử dụng vào đúng mục đích, có nguồn lợi để trả nợ ngân hàng.
Một nguyên nhân khác cũng được Vụ trưởng Vụ Tín dụng chỉ ra, là lâu nay ngư dân muốn đóng tàu vỏ gỗ nhưng theo quy định mới của Bộ NN&PTNT phải đóng tàu vỏ sắt và phải có mẫu thiết kế tàu. Bình quân mỗi mẫu thiết kế tàu vỏ sắt rơi vào khoảng 300 triệu và phải được Bộ này phê duyệt thì mới tính toán và đưa ra được phương án vay vốn.
“Chính vì thế, khi chưa có thiết kế, dự toán các phương án thì người dân cũng chưa có cơ sở xây dựng phương án vay vốn để NHTM thẩm định và ra quyết định cho vay. Vừa rồi dù các ngân hàng chủ động tích cực, nhưng giải ngân được 2 trường hợp ngư dân vay vốn, trị giá 22 tỷ đồng. Hiện còn 40 bộ hồ sơ nữa các tổ chức tín dụng đang tích cực triển khai”- ông Đông chia sẻ.
Vướng mắc nữa được lãnh đạo Vụ Tín dụng “điểm mặt” là lâu nay bà con ngư dân vẫn có tâm lý đóng tàu cũng như xây nhà mới, phải “kiêng” đóng trong 2 năm, mà chỉ muốn làm gọn trong 1 năm. Vì thế, họ cũng có tâm lý cố chờ sang năm mới thì mới “gõ cửa” ngân hàng để vay vốn.
Dù gói tín dụng cho ngư dân vay đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ triển khai “ì ạch trong 4 tháng qua, nhưng với những nguyên nhân đã được “điểm mặt chỉ tên”, Vụ trưởng Vụ Tín dụng hy vọng, sang quý I và quý II/2015 kết quả giải ngân sẽ rõ nét hơn.