Vụ ngộ độc Pate Minh Chay: 11 mẫu đang chờ kết quả, Hà Nội chưa thống kê được lượng đã bán
Liên quan đến vụ ngộ độc do ăn Pate Minh Chay, Sở NN & PTNN Hà Nội – đơn vị cấp phép sản phẩm đã lấy 11 mẫu, hiện đang chờ kết quả. Trước đó, vào tháng 5 cơ quan chức năng của sở này cũng tiến hành lấy mẫu.
Cụ ông nguy kịch do ngộ độc sau khi ăn Pate Minh Chay |
Tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội vào chiều nay 1/9, trả lời báo chí về vụ việc ngộ độc sau khi ăn Pate Minh Chay bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, sản phẩm được cấp giấy chứng nhận bởi Sở NN&PTNN.
Ngay khi sự việc xảy ra, UBND TP đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu 3 ngành: Công thương, Y tế và NN& PTNN tổ chức kiểm tra và báo cáo.
“Hiện Sở Công thương đã nhận được văn bản báo cáo của Sở NN & PTNN gửi UBND TP trong đó có gửi cho Sở Công thương. Theo báo cáo, trong tháng 5, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thuỷ sản của Sở NN7 PTNN có tiến hành lấy mẫu. Kết quả các mẫu đều đạt tiêu chuẩn”, bà Lan thông tin.
Vẫn theo báo cáo, sau khi vụ việc xảy ra Sở NN & PTNN đã xuống làm việc lấy 11 mẫu hiện đang chờ kết quả. Sau khi có kết quả sẽ tiếp tục báo cáo cụ thể với UBND TP.
“Hiện các cơ quan chức năng cũng đã đình chỉ hoạt động của cơ sở này, khi nào có kết quả mới công bố chính thức. Đối với chức năng của ngành Công thương, chúng tôi cũng đã cử cán bộ tham gia với Sở NN & PTNN để đi kiểm tra sản phẩm lưu thông trên thị trường”, bà Lan cho biết.
Khi được hỏi vì sao TP Hồ Chí Minh đã thống kê được số lượng sản phẩm Pate Minh Chay lưu thông trên thị trường vì sao Hà Nội chưa công bố, bà Lan cho biết theo phân cấp trên thị trường, vấn đề này là “do Chi cục Quản lý thị trường nắm” .
“Sở Công thương chỉ quản lý doanh nghiệp, còn hộ sản xuất thì lại phân cấp do các quận, huyện quản lý”, bà Lan cho biết.
Cũng liên quan đến vụ việc này, sáng nay tại hội nghị trực tuyến giao ban công tác tháng 8, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cũng yêu cầu “xử lý nghiêm” vụ việc này.
Trong khi đó tại TP Hồ Chí Minh, sáng nay bà Phạm Khánh Phong Lan, trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố cho biết, địa phương này đã xác định có tới 1.290 khách hàng đặt mua sản phẩm qua hình thức trực tuyến với 1.559 hộp trong tháng 7 và tháng 8. Đơn vị đã gọi điện trực tiếp đến khách hàng để cảnh báo người dân không được ăn, cách ly sản phẩm và có biện pháp thu hồi.
Bên cạnh đó, bà Lan đề nghị các quận huyện tích cực phối hợp với Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM khẩn trương rà soát các cửa hàng, thu hồi toàn bộ các sản phẩm của Công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới.
Về tình hình các ca ngộ độc thực phẩm do ăn phải thực phẩm Pate Minh Chay, theo ghi nhận tại các bệnh viện trên cả nước ước tính có khoảng 20 bệnh nhân có những dấu hiệu liệt cơ, nhược cơ, khó thở.
Tại BV Bạch Mai, đến sáng 31/8, Bệnh viện (BV) Bạch Mai có 5 bệnh nhân đến khám và mang sản phẩm pate Minh Chay đến BV cung cấp thông tin. Hầu hết các bệnh nhân đến BV đều có những triệu chứng cơ bản như sụp mí mắt, mỏi tay chân.
Về tình hình sức khỏe hai bệnh nhân đang điều trị tại BV Bạch Mai do ăn pate Minh Chay, BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, cho biết hai bệnh nhân này vừa trải qua tiên lượng rất nặng.
Hai bệnh nhân đều lớn tuổi, chồng 70 tuổi và vợ 68 tuổi, ăn pate Minh Chay vào giữa tháng 8. Vợ chồng bệnh nhân này nhập BV Lão khoa hôm 12-8 và đến ngày 18-8 thì được chuyển qua Khoa chống độc, BV Bạch Mai. Cả hai nhập viện trong tình trạng đau họng, khó nói, khó nuốt, yếu tay, yếu chân.
Hiện sức khỏe của người vợ đã ổn định và có thể ngồi được, còn người chồng vẫn phải thở máy và còn mệt. Trước đó, tình trạng người chồng bị liệt hoàn toàn các cơ, phụ thuộc máy thở, đồng tử giãn, người vợ liệt các cơ nhẹ hơn.
Để cứu chữa hai bệnh nhân nặng này, BV Bạch Mai đã phải nhập thuốc giải độc giá lên tới 8.000 USD/lọ.
N. Huyền