Vụ nam sinh tát nữ sinh vì tội chửi bậy: Hãy cho cô giáo cơ hội sửa sai
Sự việc em Đinh Trần P.M (học sinh lớp 10A3 trường THPT Cao Bá Quát, Gia Lâm, Hà Nội) nói bậy trong giờ học Hóa nên bị cô giáo Đặng Thị H cho hai nam sinh tát vào mặt đang khiến dư luận xôn xao, bất bình.
Trường THPT Cao Bá Quát |
Liên quan đến sự việc trên, PV báo Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng luật sư Nguyễn Quang Ngọc – Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Thiên Việt.
Luật sư Nguyễn Quang Ngọc cho hay: “Trường hợp này cô giáo H. đã vi phạm khoản 3 điều 5 Luật Viên chức về tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử" và khoản 5 điều 17 về " Chấp hành các quy định về đạo đức nghề nghiệp."
Danh dự nhân phẩm và sức khỏe của mỗi công dân được pháp luật bảo hộ, việc cô giáo yêu cầu hai bạn nam khác tát bạn tại lớp học là hành vi phi giáo dục xâm phạm quyền về sức khỏe, danh dự nhân phẩm của học sinh vi phạm khoản 5 điều 19 - những điều không được làm của viên chức ". Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp." - trích khoản 5 điều 19 Luật Viên chức.
Ngoài việc vi phạm Luật Viên chức nêu trên, cô giáo H còn có dấu hiệu vi phạm điều 14 Luật bảo vệ và chăm sóc và giáo dục trẻ em"
Điều 14. Quyền được tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự
Trẻ em được gia đình, Nhà nước và xã hội tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự."
Với các hành vi trên, Cô H có thể bị xử lý theo quy định của điều 52 Luật Viên chức với hình thức:
Điều 52. Các hình thức kỷ luật đối với viên chức
1. Viên chức vi phạm các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, phải chịu một trong các hình thức kỷ luật sau:
a) Khiển trách;
b) Cảnh cáo;
c) Cách chức;
d) Buộc thôi việc.
2. Viên chức bị kỷ luật bằng một trong các hình thức quy định tại khoản 1 Điều này còn có thể bị hạn chế thực hiện hoạt động nghề nghiệp theo quy định của pháp luật có liên quan.
3. Hình thức kỷ luật cách chức chỉ áp dụng đối với viên chức quản lý.
4. Quyết định kỷ luật được lưu vào hồ sơ viên chức.
5. Chính phủ quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục và thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với viên chức”.
Luật sư Nguyễn Quang Ngọc cũng cho biết thêm: “Hành vi cư xử phi giáo dục cần phải có biện pháp kỷ luật để răn đe, giáo dục làm sạch môi trường giáo dục. Tuy nhiên, cũng cần cân nhắc đúng mức độ cũng như xem xét áp lực của lực lượng viên chức giáo dục khi mà trách nhiệm phối hợp giữa gia đình nhà trường trong vấn đề giáo dục trẻ em còn nhiều bất cập trong bối cảnh trẻ em vi phạm kỷ luật tại nhà trường và phạm pháp hình sự đang tăng cao”.
Cũng liên quan đến vấn đề này, cô Lê Thị Loan – nguyên Phó trưởng khoa Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) cho hay: “Hiện tượng học sinh thiếu tập trung chú ý, nói chuyện riêng trong giờ học không phải là hiếm và thường gây cho giáo viên những ức chế nhất định bởi họ nghĩ rằng do học sinh thiếu ý thức học tập, hoặc thiếu tôn trọng giáo viên vì vậy cần phải nhắc nhở, phê bình thậm chí trách phạt các em để chấn chỉnh.
Tuy nhiên cách xử lý của cô giáo dạy Hóa ở trường THPT Cao Bá Quát khá tùy tiện. Quyết định cho học sinh khác vả vào miệng học sinh nói bậy dựa trên một sự suy luận rất “ hồn nhiên” là cái miệng nói bậy thì vả vào miệng cho nhớ lần sau không nói bậy nữa. Theo tôi đó là một sai lầm sư phạm mà hậu quả là cô đã biến cái sai của học sinh thành cái sai của mình và phải nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo của Hiệu trưởng.
Tuy nhiên, trước vấn đề học sinh được trao quá nhiều quyền khiến giáo viên đôi khi không dám phạt, không dám mắng mà chỉ im lặng trước những sai phạm của học sinh cũng là điều đáng báo động.
Trong sự việc này, đồng ý là cô H. xử lý thiếu tính sư phạm và cô đã nhận hình thức kỷ luật là cảnh cáo đối với viên chức. Nó cũng là hình phạt khá nặng với giáo viên này, vì thế theo tôi gia đình em P.M (học sinh bị đánh) nên cho cô ấy một cơ hội để sửa chữa sai lầm chứ đừng đưa sự việc đi quá xa”.