Vu lan muộn về khóc trong tay mẹ
Nếu không ly hôn, có lẽ Hân chẳng bao giờ hiểu hết cảnh đơn thân nuôi con mẹ đã trải. Và chính vì đã hiểu, cô càng xót xa.
Từ ngày làm mẹ, Hân hiểu cái cảm giác đau lòng của một người mẹ (Ảnh minh họa) |
Hân ly hôn đã hơn một tháng. Tám giờ sáng ngày Vu lan - mẹ gọi điện thoại ngập ngừng: “Hay là con đưa bé Su về chơi với mẹ vài hôm?”.
Cô cố nén tiếng khóc, viện cớ con bé sắp nhập học, còn mình bận một cuộc họp quan trọng.
Không phải Hân không muốn về nhà. Sau ly hôn cô luôn thèm khát cái cảm giác được xoa dịu muôn vàn tổn thương trong lòng. Hân thèm khát cái cảm giác được sà vào lòng mẹ, thở than mình đã khổ sở như thế nào, bị người ta đối xử tệ như thế nào, sự phản bội khiến cô mất lòng tin như thế nào…
Nhưng từ ngày làm mẹ, Hân đã hiểu hết cái cảm giác đau lòng của một người mẹ. Chỉ cần đứa con của họ đứt tay, chảy máu một tí thôi, họ cũng đau như thể chính họ mới là người bị thương.
Mẹ Hân cũng là mẹ đơn thân, bà hiểu lắm cái nỗi đau con gái mình đang trải. Bà thậm chí đã gần như đau hai lần cùng một nỗi đau này.
Hân hèn nhát không dám về nhà, chẳng muốn thấy mắt mẹ ầng ậc nước đón đứa con vừa ly hôn, đón đứa cháu vừa xa rời cha nó. Hân hèn nhát không dám để mẹ thấy mình tàn tạ, mắt còn thâm quầng, người gầy rộc đi, mọi sức sống cạn kiệt.
Suốt ngày Vu lan, cô chỉ có thể nhắn cho mẹ một tin, mong mẹ mãi khỏe. Mọi năm, ngày này Hân về nhà, được ăn mấy món cá kho, rau xào mẹ làm. Hai mẹ con tâm tình tới sáng, chia sẻ chuyện chăm con, dăm ba chuyện phụ nữ lặt vặt, món tiền tiết kiệm để dành những lúc lỡ có chuyện gì…
Chồng Hân đã ngoại tình, mặc cho bé Su mới hơn ba tuổi, mặc cho vợ khuyên can, anh vẫn đi xuyên đêm đi với người tình. Cha mẹ chồng Hân dù không lên tiếng ủng hộ, nhưng cũng chẳng ngăn cản quyết liệt chuyện anh có bồ. Hân như người dưng trơ trọi trong căn nhà rộng. Cô cố gắng vì con mà sống cũng chỉ được thêm 6 tháng để rồi cả hai ra tòa.
Được quyền nuôi con, được một số tài sản sau khi kết thúc hôn nhân nhưng mọi niềm tin trong Hân dường như đã mất hết.
Điều Hân cảm thấy vô cùng đau đớn là đã để mẹ phải khổ sở vì mình. Cô biết ở quê mọi người bàn tán rất nhiều, biết mẹ thậm chí còn tránh ra đường, ra chợ để khỏi nghe người ta xì xầm hỏi chuyện. Cô cũng ngại về quê, bởi cô sợ mẹ sẽ thấy mình ở vào cái thời điểm gục ngã, thảm hại nhất.
Điều Hân cảm thấy vô cùng đau đớn là đã để mẹ phải khổ sở vì mình. (Ảnh minh họa) |
Có lẽ vì thế mà năm nay Hân chẳng về, dù Vu lan đã đến. Buổi sáng, cô dẫn con đi khu vui chơi. Niềm vui vẫn tràn ngập trong ánh mắt ngây thơ của con bé. Buổi trưa, hai mẹ con đi ăn. Bàn kế bên có một cặp chị em trung niên, họ nói với nhau vài câu chuyện về gia đình.
Dù tiếng họ nói khá nhỏ nhưng các bàn ăn kê sát nhau nên Hân vẫn nghe rõ cuộc trò chuyện ấy. Một người nhắc về mẹ, người kia thở dài. Họ cùng ăn, cùng than thở, cùng nhớ mẹ, cùng ước gì còn mẹ để đưa mẹ đi ăn một bữa ăn ngon.
Hân chợt bần thần, cô đã làm gì thế này? Suốt quãng thời gian qua cô không những sống buồn bã mà còn khiến mẹ chẳng yên tâm về mình. Nhiều cuộc gọi của mẹ, cô không bắt máy vì đang khóc. Nhiều lần mẹ ngỏ ý lên thăm, cô viện cớ. Những khi mẹ nói gửi đồ quê, cô không nhận. Cô làm sao dám tưởng tượng những lúc ấy mẹ lo lắng thế nào, làm sao dám tưởng tượng một ngày nào đó mất mẹ, cô sẽ thế nào?
Hân như bừng tỉnh, cô lên mạng vội vã đặt vé. Cô sẽ về nhà đón một Vu lan muộn cùng mẹ, sẽ lại ăn vài món ngon, sẽ khóc thoả thuê để được mẹ ôm ấp, yêu thương và chăm sóc.
Rồi sớm thôi, Hân sẽ hồi phục bằng tình yêu thương của bé Su, của chính mình và của mẹ. Cô tin thế, Vu lan qua rồi, nhưng tình yêu của mẹ vẫn luôn đợi cô trở về.
Theo phunuonline.com.vn