Vụ học sinh tự tử tại Yên Bái: Giáo viên phải chịu sự trừng phạt của tòa án lương tâm?
Vụ việc em Bùi Quang Huy, học sinh trường THCS Âu Lâu (TP.Yên Bái) thắt cổ tự tử sau khi bị phụ huynh của bạn đánh đang khiến dư luận xôn xao.
Tuy nhiên, nhiều người đặt ra câu hỏi, sau giờ tan học Huy bị đánh ở gần trường học, vậy lúc ấy bảo vệ của nhà trường đâu? Điều đáng nói, theo lời khai của Huy với cơ quan công an thì trong lúc em bị đánh, có cô Tùng – giáo viên của trường THCS Âu Lâu ở đó nhưng lại không can ngăn mà chỉ yêu cầu các học sinh không được tụ tập.
Theo lời kể của chị Trần Thị Nga - mẹ nạn nhân, ngày 19/9 sau khi Huy bị đánh và phải nhập viện, chị đã gọi điện cho cô giáo chủ nhiệm lớp Huy để trình bày sự việc và xin phép cho con nghỉ học.
Vậy mà trong suốt quãng thời gian 1 tuần con nằm viện, các cô cũng không hề tới thăm hỏi hay động viên con.
Sau khi Huy bị đánh, gia đình cũng có tới trường gặp ban giám hiệu và nhờ ban giám hiệu cho gặp một số học sinh cũng như cô Tùng – người chứng kiến sự việc hôm ấy để xin chứng nhận giúp. Tuy nhiên, ban giám hiệu đã bảo gia đình không nên làm thế, mọi việc đã có cơ quan công an giải quyết.
Huy bị đánh và bắt quỳ trước sự chứng kiến của nhiều người |
Liên quan đến sự việc này, cô Nguyễn Thị Thanh Huyền – Hiệu trưởng trường THCS Âu Lâu cho biết: “Việc bạn Huy học sinh của nhà trường bị phụ huynh của một bạn khác đánh là sự việc xảy ra ở bên ngoài nhà trường, trách nhiệm của chúng tôi là làm theo đúng quy định của ngành.
Việc các cháu gây gổ với nhau là chuyện trẻ con, không có gì mâu thuẫn lớn. Trước đó các thầy cô không biết thông tin gì, sau sự việc xảy ra chúng tôi mới phối hợp với chính quyền địa phương đúng theo quy trình.
Một số thông tin cho rằng khi bạn Huy bị phụ huynh bạn học cùng trường đánh có sự chứng kiến của cô Tùng - giáo viên của nhà trường là không chính xác. Hôm ấy, cô Tùng đi tới đó, thấy học sinh tụ tập đông nên cô yêu cầu học sinh không được tụ tập chứ cô ấy không chứng kiến từ đầu tới cuối. Khi thấy học sinh về hết thì cô giáo cũng về.
Trước đó, khi hai bạn Đức gây gổ với nhau, bạn Huy cũng đã từng thách thức bạn Đức gọi người nhà đến. Tuy nhiên, nó chỉ xảy ra trong giờ ra chơi, học sinh không báo cáo lại với nhà trường hay cô chủ nhiệm rồi sau đó dẫn đến việc đánh nhau ở ngoài trường nên nhà trường mới biết”.
Câu trả lời của vị hiệu trường khiến nhiều người băn khoăn, liệu nhà trường có quá vô cảm trong việc quản lý học sinh khi các em có mâu thuẫn, tụ tập gây gổ với nhau mà không hay biết và không có động thái can thiệp, xử lý, gặp gỡ phụ huynh 2 bên?
Việc học sinh Huy bị đánh chấn động não, chấn thương tâm lý, phải nằm viện 1 tuần, nhà trường lẫn cô giáo không thăm hỏi, quan tâm, liệu có phải họ tiếp tục vô cảm với nỗi đau của học sinh?
Để rộng đường dư luận, PV báo Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng cô Lê Thị Loan – nguyên Phó trưởng khoa Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục). Cô Loan cho hay: “Nhiều giáo viên có suy nghĩ, nhà trường quản lý hàng vài trăm học sinh đã quá mệt mỏi và chuyện học sinh đánh nhau ở ngoài nhà trường là chuyện của xã hội.
Trong sự việc em Huy tự tử sau khi bị phụ huynh của bạn đánh có thể thấy nhà trường thiếu quan tâm, thiếu trách nhiệm với học sinh của mình. Khi các học sinh có mâu thuẫn và gây gổ với nhau, nhà trường phải có trách nhiệm giảng hòa những mâu thuẫn nảy sinh cho học sinh ngay từ đầu.
Hiện nay, các thầy cô ở hầu hết các trường quá chú trọng vào việc giảng dạy mà không để ý tới mâu thuẫn trong học sinh và không nghĩ tới hậu quả đau thương như trường hợp của học sinh ở Yên Bái này.
Rõ ràng, vai trò của các tổ chức đoàn thể trong trường này cũng mờ nhạt. Ít nhất, khi học sinh nằm viện 1 tuần, hội cha mẹ học sinh, nhất là cô giáo chủ nhiệm, nên đến thăm để động viên tinh thần, an ủi, giúp em lấy lại cân bằng về tâm lý. Bởi theo mình được biết, sau trận đánh, em ấy có dấu hiệu bị hoảng loạn tâm lý.
Ở đây, nhà trường không phải chịu trách nhiệm hành chính vì câu chuyện xảy ra ở ngoài nhà trường. Tuy nhiên, các thầy cô sẽ chịu hình phạt của tòa án lương tâm khi chưa hết lòng vì các em, thiếu quan tâm tới các em. Mình tin rằng, các thầy cô trong trường nhất là cô giáo chủ nhiệm sẽ rất ân hận khi chưa tròn trách nhiệm với học sinh".
Báo Infonet đã đưa tin trước đó, khoảng 12h ngày 19/09/2016, em Bùi Quang Huy (học sinh trường THCS Âu Lâu – TP. Yên Bái) sau khi tan học thì bị một thanh niên đón đường và đánh gần khu vực cổng trường.
Thanh niên này dùng tuýp đập liên tiếp vào người em Huy. Sau đó, bắt em quỳ và chắp tay xin tha trước sự chứng kiến của rất nhiều bạn bè trong trường.
Trước đó Huy có mâu thuẫn với một học sinh lớp 7. Học sinh này đã về nhà mách mẹ, sau đó mẹ học sinh này cùng một thanh niên khác đã tới gần trường học và đánh Huy.
Sau khi bị đánh, em Huy bị thương nặng, hoảng loạn tâm lý nên gia đình đã đưa em vào Bệnh viện 103 Yên Bái để kiểm tra. Phía bệnh viện xác định cháu bị chấn thương não và phần mềm nên yêu cầu gia đình cho cháu nằm viện để điều trị trong vòng 1 tuần.
Khi ra viện, em Huy vẫn có biểu hiện hoang mang và lo sợ, nhất là khi em lên mạng thì xem được video quay lại cảnh mình bị đánh. Được biết, em đã từng tâm sự với mẹ là em rất sợ, nhiều lần ngồi khóc một mình và nói không muốn đến trường. Thế nhưng, gia đình đã động viên và trấn an tinh thần con.
Ngày 25/9 mẹ Huy là chị Trần Thị Nga đi làm, có dặn Huy ở nhà trông đứa em năm nay mới lên 3 tuổi nhưng khi trở về chị Nga phát hiện Huy thắt cổ tự tử dưới bếp.