Vụ Hoa hậu nói tiếng Anh gây sốc: Hãy học ngoại ngữ càng sớm càng tốt
Liên quan đến thực trạng học ngoại ngữ của sinh viên tại một số trường, phóng viên báo Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng TS. Phạm Hồng Long - Trưởng Khoa Du lịch học (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn).
![]() |
TS. Phạm Hồng Long - Trưởng Khoa Du lịch học (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) |
TS đánh giá thế nào về việc hoa hậu Vũ Trần Triều Thu (Thu Vũ) nói Tiếng Anh trong cuộc thi Nam vương Mister International tại Philippines khiến cả khán giả và thí sinh đều không hiểu gì?
TS. Phạm Hồng Long: Tôi cho rằng sẽ không công bằng nếu đánh giá trình độ ngoại ngữ của một cá nhân (ở đây là hoa hậu Thu Vũ) nếu chỉ nhìn và nghe qua một clip được đăng trên mạng.
Bất kỳ ai cũng có thể có những lúc mắc sai lầm về phát âm ngoại ngữ trong những trường hợp khác nhau, nhất là ở những sự kiện lớn như thế này. Tuy nhiên, dù với lý do gì thì việc này cũng thể hiện năng lực nói – giao tiếp ngoại ngữ của hoa hậu Thu Vũ còn rất hạn chế.
Với tư cách trưởng khoa, nhiều năm gắn bó với các sinh viên, TS đánh giá thế nào về thực trạng học ngoại ngữ của sinh viên Việt Nam hiện nay?
Để đánh giá về thực trạng học ngoại ngữ của sinh viên Việt Nam trên bình diện chung, theo tôi, cần phải có một cuộc điều tra trên cả nước để có một cái nhìn chuẩn xác.
Sẽ là hồ đồ nếu tôi đưa ra những nhận định của cá nhân mà có tính bao trùm cho sinh viên cả nước. Thực tế, yêu cầu học ngoại ngữ và việc học ngoại ngữ của sinh viên mỗi trường, mỗi ngành nghề lại khác và có những đặc thù riêng.
Ví dụ như ở Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, chúng tôi luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ với sinh viên.
Du lịch là một ngành có tính chất đặc thù về giao tiếp và đối ngoại, đòi hỏi những người làm du lịch phải có kỹ năng giao tiếp và sử dụng ngôn ngữ - ngoại ngữ tốt, uyển chuyển và khéo léo bên cạnh nhiều kỹ năng khác như kỹ năng diễn giảng công cộng, kỹ năng nắm bắt tâm lý khách hàng, kỹ năng bán hàng, kỹ năng xử lý tình huống…
Người làm du lịch còn đóng vai trò là “đại sứ hình ảnh” của vùng miền và cả quốc gia. Do vậy, với sinh viên du lịch, việc giỏi ngoại ngữ sẽ là “là cánh cửa để mở ra và hòa nhập với thế giới”.
Xét trên bình diện chung, Việt Nam chúng ta hiện nay đã hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN, điều này có nghĩa là chúng ta chấp nhận sự dịch chuyển tự do của du khách cũng như lao động các nước và chúng ta tham gia vào một “sân chơi” mà ở đó người tham gia muốn hòa nhập được thì việc đầu tiên phải hiểu được và dùng được ngôn ngữ chung (đặc biệt là tiếng Anh).
![]() |
Được biết, TS từng có một khoảng thời gian khá dài học tập và nghiên cứu tại nước ngoài. Mong TS có thể cho biết sự khác biệt trong nhận thức về việc học ngoại ngữ của sinh viên Việt Nam và sinh viên ở các nước khác trên thế giới?
Sự khác biệt về nhận thức được thể hiện rõ nhất ở cách tiếp cận việc học ngoại ngữ: Trong khi sinh viên Việt Nam chúng ta vẫn loay hoay với câu hỏi học ngoại ngữ để làm gì? Để biết, để làm, hay để khẳng định mình? Thì sinh viên ở nhiều nước đã có bước tiến dài về vấn đề học ngoại ngữ. Học không chỉ học để biết, để làm, để khẳng định mình mà còn để chung sống với người khác (theo tiêu chí của UNESCO).
Ví dụ người ở các quốc gia Châu Âu, người ta học thông thạo không chỉ một ngoại ngữ mà còn học đến hai, ba ngoại ngữ và hơn thế để làm việc và chung sống với người của các quốc gia khác.
Trong quá trình học tập ở nước ngoài, tôi cũng nhận thấy, đối với nhiều nước, người học ngoại ngữ đa phần học ngoại ngữ với mục đích trước tiên là để nói - giao tiếp, thể hiện được mình, và do vậy họ chú trọng kỹ năng giao tiếp và diễn giảng công cộng.
Còn ở Việt Nam, cách học ngoại ngữ phần nhiều thiên nặng về học ngữ pháp và viết lách để thi cử lấy bằng cấp. Điều này là hệ quả của bệnh chạy theo kết quả-thành tích và nó cũng là hạn chế của sinh viên Việt Nam khi muốn giao tiếp và thể hiện ý tưởng với người nước ngoài.
Để khắc phục những tình trạng nêu trên, theo TS từ phía Nhà trường và sinh viên cần phải làm gì?
Từ phía Nhà trường, theo tôi quan trọng nhất cần nâng cao nhận thức của sinh viên về việc học và sử dụng ngoại ngữ cho công việc sau này. Chỉ có thế, sinh viên mới có ý thức chủ động, và sự đam mê với việc học ngoại ngữ.
Hai là, muốn trò giỏi thì phải có thầy giỏi. Thầy, cô dạy ngoại ngữ phải được đào tạo tốt cả về trình độ học thuật và phương pháp giảng dạy và quan trọng là người truyền được cảm hứng, tạo được động lực cho người học.
Ba là, phân loại trình độ đầu vào của người học, bố trí người học ngồi đúng lớp, đúng trình độ và năng lực để họ phát huy sở trường, tránh tâm lý nhàm chán vì ngồi nhầm lớp, đánh đồng trình độ bằng việc cho sinh viên khoác lên mình một chiếc áo quá rộng hoặc quá hẹp.
Bốn là, tăng cường đào tạo ngoại ngữ gắn với định hướng nghề nghiệp và thực tiễn việc làm sau khi ra trường thông qua việc tăng cường thời lượng môn học ngoại ngữ, hoặc giảng dạy các môn chuyên ngành bằng ngoại ngữ, tạo điều kiện mời các chuyên gia nước ngoài hoặc những người Việt giỏi ngoại ngữ làm ở các doanh nghiệp vào nói chuyện chuyên đề cho sinh viên...
Bản thân các sinh viên cũng cần nhận thức được tầm quan trọng và dành thời gian, trí lực nhiều hơn cho việc học ngoại ngữ. Không chỉ học ngoại ngữ trên lớp mà còn phải tự giác học tập ở nhà và học tập thêm ở các trung tâm.
Có thể tạo lập các nhóm học tập, các câu lạc bộ sinh hoạt ngoại ngữ, tham gia các diễn đàn trao đổi học thuật bằng ngoại ngữ…
Tích cực tham gia các buổi nói chuyện chuyên đề bằng ngoại ngữ của các chuyên gia nước ngoài, các chuyên gia trong nước; tham gia các hoạt động giao lưu tình nguyện với các bạn quốc tế để trau dồi ngoại ngữ.
Ngoài những vấn đề trên, TS còn điều gì muốn chia sẻ cùng bạn đọc không?
Tôi muốn nhắn nhủ với các em sinh viên (đặc biệt là sinh viên Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn): Học ngoại ngữ là quá trình lâu dài và nhiều gian khổ, khó khăn. Cách nhanh nhất để vượt qua khó khăn là đương đầu và tìm cách vượt qua nó thay vì chần chừ và mất thời gian tìm cách thoái thác và buông bỏ.
Hãy đặt ra mục tiêu và lên kế hoạch bắt đầu học ngoại ngữ càng sớm càng tốt. Khi có mục tiêu, có kế hoạch và có cả sự say mê, cảm hứng với việc học ngoại ngữ, chắc chắn các em sẽ thành công.
Xin cảm ơn sự chia sẻ từ TS!