Vụ đánh 2 thiếu niên ở phòng giám thị: Thương tích dưới 11% cũng có thể bị xử lý hình sự
Theo luật sư, việc bảo vệ dân phòng đánh 2 cháu bé có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích. Dù thương tích của nạn nhân dưới 11% thì cũng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo điểm c khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự.
Hai thiếu niên bị đấm, đạp thẳng mặt trong phòng giám thị đông người
Sự việc được cho là xảy ra tại phòng giám thị Trường THCS Nguyễn Văn Tố (phường 14, quận 10, TP.HCM) vào đêm 31/3.
Sáng 2/4, thông tin từ trường THCS Nguyễn Văn Tố (quận 10, TP Hồ Chí Minh) cho hay, trong đoạn video dài hơn một phút ghi lại cảnh hai thiếu niên bị đánh liên tiếp vào mặt và đầu xảy ra trong phòng giám thị của nhà trường đêm 31/3, người đánh các em là một bảo vệ khu phố, tên là Trần Quốc Hùng (20 tuổi).
Hình ảnh thiếu niên bị dân phòng đạp thẳng chân vào người (ảnh cắt từ clip). |
Cũng theo thông tin từ trường THCS Nguyễn Văn Tố, gần đây, trường liên tục bị mất trộm các đồ dùng như áo gió của học sinh, vợt cầu lông, thực phẩm... Ban giám hiệu phân công thêm 3 nhân viên, trong đó có một giáo viên trẻ cùng hai bảo vệ trực đêm. Trường có báo công an khu vực phường 14 (quận 10) để nhờ hỗ trợ.
Đêm 31/3, sau khi phát hiện có người leo rào vào trường, bảo vệ trường đã tri hô và sau đó bắt được hai thiếu niên trên. Qua tìm hiểu ban đầu, hai em này không phải là học sinh của trường. Sau khi bị đánh tại phòng giám thị, cả hai bị đưa lên công an phường.
Hình ảnh về nam thanh niên dân phòng liên tục đánh 2 thiếu niên. |
Người đánh hai thiếu niên không phải người của trường. Lúc đó, trong phòng có bảo vệ, nhân viên của trường.
Nói về vụ việc này, luật sư Hoàng Tùng (Hà Nội) khẳng định hành vi của người đánh 2 cháu bé 14 tuổi là vi phạm pháp luật.
“Theo hình ảnh trong đoạn video, anh dân phòng đã có những hành vi dùng vũ lực xâm phạm đến quyền được bảo vệ về sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác. Các hành động giơ chân đạp thẳng mặt, đạp 2 cái vào mặt cậu bé, đấm vào đầu, vào người, lên gối trúng mặt và ngực, đấm sau gáy... là đã có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích.
Kể cả trong trường hợp nạn nhân thương tích dưới 11% thì người đánh vẫn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) về tội cố ý gây thương tích theo điểm c khoản 1 Điều 134, mức hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 3 năm.
Trường hợp nạn nhân thương tích từ đủ 11% thì người đánh phải chịu TNHS về tội cố ý gây thương tích theo khoản 2 Điều 134 BLHS, mức hình phạt tù từ 02 năm đến 06 năm.
Ngoài việc xử lý đối tượng đánh trẻ em trong vụ việc, cần xem xét cả người đăng clip này lên là ai và có mục đích gì.
Trường hợp việc đăng clip này lên là để mang tính chất tố giác, giúp đỡ cháu bé, chấm dứt hành vi phạm tội thì sẽ không xem xét xử lý.
Còn nếu việc đăng clip có ý đồ bêu riếu, làm nhục các em thì cần phải xem xét xử lý hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác. Trường hợp có đủ căn cứ, có thể xử lý về tội "Làm nhục người khác”, Trưởng VPLS Trung Hòa nhận định.
Theo luật sư, trong vụ việc này, có thông tin cho rằng xuất phát từ việc 2 cháu bé nhiều lần có hành vi trộm cắp nên dân phòng mới xử lý như vậy, việc đánh mắng là để răn đe các cháu. Tuy nhiên, dù với bất cứ lý do gì, việc đánh người, đánh liên tục như vậy là không đúng, vượt quá mức cần thiết.
Luật sư cho rằng, nếu các cháu sai thì đã có pháp luật xử lý, huống chi là các cháu chưa đủ tuổi trưởng thành, nhận thức còn chưa hoàn thiện. Các cháu vẫn là đối tượng cần được bảo vệ, giáo dục để định hướng phát triển đúng đắn. Hành vi đánh đập của anh dân phòng chính là hành vi bạo lực trẻ em. Các cơ quan chức năng cũng cần phải xem xét tiến hành xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Hải Ngọc