Vụ cho vay tại Agribank Tân An Đắk Lắk: Một nguyên giám đốc thoát tội
TAND tỉnh Đắk Lắk vừa tuyên án, buộc nhiều người dân phải trả nợ ngân hàng. Còn các nguyên lãnh đạo, cán bộ ngân hàng Agribank chi nhánh Tân An liên quan đến vụ án, người đã thoát tội vì khắc phục hậu quả, người lĩnh án tù.
Như Infonet đã đưa tin, sau 2 ngày (16-17/7) xét xử liên quan đến vụ cho vay tại ngân hàng Agribank chi nhánh Tân An (Đắk Lắk), kết thúc phiên tòa, HĐXX TAND tỉnh Đắk Lắk đã tuyên phạt bị cáo Đỗ Thái Vũ (40 tuổi, nguyên quyền Giám đốc và Giám đốc từ tháng 9-2011 đến tháng 12-2012 Agribank Tân An) mức án 8 năm tù giam. Các bị cáo: Nguyễn Quốc Minh (35 tuổi) và Ngô Viết Thành (37 tuổi), cả 2 đều nguyên là cán bộ tín dụng Agribank Tân An (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cùng bị tuyên phạt mức án 7 năm 6 tháng tù giam.
Các bị cáo tại phiên tòa |
Về trách nhiệm dân sự, tòa buộc các khách hàng đã ký hợp đồng tín dụng với Agribank Tân An phải chịu trách nhiệm trả toàn bộ tiền gốc, tiền lãi và lãi quá hạn cho ngân hàng. Bởi lẽ, các khách hàng đã tự nguyện ký kết vào hồ sơ tín dụng để vay vốn.
Tuy nhiên, trong số 45 khách hàng đã ký hợp đồng tín dụng, có người đã chết (chưa xác định được người thừa kế), có người đã rời khỏi địa phương chưa xác nhận được địa chỉ. Do đó, HĐXX đề nghị tách những trường hợp này ra, khi nào xác định được địa chỉ cụ thể thì phía Agribank Tân An (nay là Agribank Bắc Đắk Lắk) sẽ khởi kiện bằng một vụ án dân sự khác.
Định giá “ảo” cao gấp hơn trăm lần giá thật
Theo kết quả điều tra và lời khai của người dân tại tòa, họ được ông Nguyễn Ngọc Châu nhờ ký hồ sơ vay vốn. Đa phần tài sản thế chấp trong hồ sơ tín dụng không phải của họ. Hơn thế, họ không biết khoản vay là bao nhiêu, không phải là người nhận tiền nên không đồng ý trả nợ.
Những người dân đã ký hợp đồng tín dụng vay giùm ông Châu tại tòa. |
Cáo trạng cũng thể hiện, căn cứ kết quả điều tra và nhiều tài liệu, chứng cứ khác, đủ cơ sở để xác định ông Châu đã nhờ các hộ dân ký vay vốn, là người nhận và sử dụng số tiền vay nói trên. Hành vi của ông Châu có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, hiện ông Châu đã chết, không đủ cơ sở để xác định người này câu kết với cán bộ ngân hàng và những người liên quan để chiếm đoạt tiền của Nhà nước. Ông Châu cũng không có di chúc, không có tài sản để thu hồi.
Còn theo hồ sơ vụ án, có nhiều tài sản thế chấp trong hợp đồng tín dụng chỉ đáng giá hơn 10 triệu đồng đến vài chục triệu đồng. Tuy nhiên, phía Agribank Tân An đã định giá khống thành 1,5 tỷ đồng đến 2 tỷ đồng.
Điển hình, vào ngày 1/12/2011, Nguyễn Quốc Minh đã ký hợp đồng tín dụng và Đỗ Thái Vũ phê duyệt cho khách hàng Lê Thị Hồng vay 1,5 tỷ đồng. Tài sản thế chấp là thửa đất được định giá 2 tỷ đồng. Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự tỉnh Đắk Lắk kết luận, thửa đất được thế chấp trong hợp đồng này chỉ có giá hơn 13 triệu đồng vào năm 2012 và 30 triệu đồng vào năm 2016.
Tương tự, vào năm 2012, bà Trần Thị Ngọc Mơ ký hợp đồng tín dụng tại Agribank Tân An, vay 1,5 tỷ đồng để kinh doanh nông sản. Tài sản thế chấp trong hồ sơ là thửa đất được Agribank Tân An định giá 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo kết luận định giá tài sản của cơ quan chức năng, thửa đất trong hồ sơ này chỉ có giá 14,7 triệu đồng năm 2010 và hơn 100 triệu đồng vào năm 2016.
Một nguyên giám đốc thoát tội
Liên quan đến vụ án này, Phan Văn Thịnh (Giám đốc chi nhánh Agribank Tân An giai đoạn 2007 đến tháng 8/2011) đã ký phê duyệt 7 hợp đồng tín dụng, cho 7 khách hàng vay sai quy trình hơn 8,2 tỷ đồng. Đến trước ngày khởi tố vụ án (24/6/2016), còn dư nợ gốc hơn 5,4 tỷ đồng, trừ đi tài sản đảm bảo, các hợp đồng tín dụng do Thịnh ký đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 2,2 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk xác định, hành vi của Thịnh vi phạm quy chế cho vay. Trong quá trình điều tra, và tại tòa, các bị cáo Ngô Viết Thành và Nguyễn Quốc Minh đều cho rằng, họ được các lãnh đạo của Agribank Tân An là ông Phan Văn Thịnh và Đỗ Thái Vũ chỉ đạo lập hồ sơ cho khách hàng mà không đi thẩm định. Tuy nhiên, ông Thịnh và Vũ không thừa nhận điều này.
Phiếu chỉ đạo và bảo lãnh của ông Thịnh. |
Ngoài ra, công an cũng thu thập được 10 phiếu chỉ đạo và bảo lãnh do Phan Văn Thịnh ký. Các phiếu này có nội dung, ông Thịnh chỉ đạo cho Nguyễn Quốc Minh hoàn thiện hồ sơ, ký giải ngân mà không cần phải đi thẩm định thực tế tài sản cũng như điều kiện vay vốn trước, trong và sau cho vay đối với nhiều khách hàng.
Điển hình, phiếu chỉ đạo và bảo lãnh đề ngày 20/3/2010 có nội dung: “Đây là món vay do tôi - Phan Văn Thịnh đã đi thẩm định thực tế, tôi cam kết tài sản đảm bảo và khả năng trả nợ của khách hàng là đảm bảo và đầy đủ… Mọi rủi ro, thiệt hại đối với các hồ sơ vay vốn trên, tôi - Phan Văn Thịnh hoàn toàn chịu trách nhiệm trước ngân hàng và pháp luật”.
Đây là phiếu chỉ đạo để lập hồ sơ tín dụng cho khách hàng Trần Phước Linh.
Theo kết luận giám định ngày 28/3/2018 của phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk, đơn vị đã tiến hành giám định 10 mẫu chữ ký của Phan Văn Thịnh trên phiếu chỉ đạo và bảo lãnh; Giám định 3 mẫu chữ ký của Phan Văn Thịnh trong Biên bản ghi lời khai để so sánh với nhau. Qua so sánh bằng các phương pháp nghiệp vụ, phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk kết luận, chữ ký đứng dưới mục người chỉ đạo (trong phiếu chỉ đạo và bảo lãnh) so với chữ ký đứng tên Phan Văn Thịnh trong các Biên bản ghi lời khai là đều cùng một người ký ra.
Đến ngày 15/11/2018, Phan Văn Thịnh đã nộp tổng cộng 8,4 tỷ đồng (bao gồm cả gốc và lãi) để khắc phục toàn bộ thiệt hại đối với 7 hợp đồng mà ông đã ký giải ngân sai quy chế. Ngày 11/7/2019, VKSND tỉnh Đắk Lắk ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can Thịnh vì lý do áp dụng chính sách hình sự triệt để đối với bị can đã khắc phục hoàn toàn hậu quả thiệt hại trong vụ án kinh tế theo điểm a, khoản 2, Điều 29 Bộ luật Hình sự 2015.
Trần Nhân
3 cán bộ Agribank nâng khống giá tài sản cho vay hàng chục tỉ đồng lĩnh án
Nhiều nguyên lãnh đạo, cán bộ tại Ngân hàng Agribank chi nhánh Tân An (TP. Buôn Ma Thuột) phải “hầu tòa” vì không thẩm định giá, tự ý nâng khống giá trị tài sản, gây thất thoát đối với Nhà nước hàng chục tỷ đồng.