Vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành tử vong: Tội danh của bố đẻ có thể thay đổi tại tòa
TAND TP Hồ Chí Minh đã ấn định ngày 25/11 sẽ mở phiên xử vụ án bé gái 8 tuổi bị bạo hành tử vong ở quận Bình Thạnh. Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Nguyễn Văn Tuấn, phó chánh Tòa Gia đình và người chưa thành niên. Có 04 luật sư bảo vệ cho bị hại, 03 luật sư bào chữa cho 02 bị cáo và 05 người làm chứng.
Trước đó, sau khi có kết luận điều tra bổ sung, Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố Nguyễn Võ Quỳnh Trang về tội "giết người" và "hành hạ người khác"; Nguyễn Kim Trung Thái (bố cháu bé) về tội "hành hạ người khác" và "che giấu tội phạm".
Tại phiên xử hồi tháng 7, TAND TP Hồ Chí Minh quyết định hoãn phiên xử và trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án và giám định tỉ lệ tổn thương cơ thể của cháu bé. Tuy nhiên, Phân viện Khoa học Hình sự đã từ chối thực hiện giám định theo nội dung trên.
Sáng 14/11, trao đổi với PV Infonet về vụ án, luật sư Nguyễn Anh Thơm – Trưởng VPLS Nguyễn Anh (Hà Nội) – một trong những luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị hại cho biết: “Ngày 25/11, TAND TP Hồ Chí Minh đưa ra xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Võ Quỳnh Trang về tội giết người, hành hạ người khác và bị cáo Nguyễn Kim Trung Thái (bố cháu Vân An) về tội hành hạ người khác và che giấu tội phạm là trong thời hạn theo đúng theo quy định tại Khoản 2 Điều 277 Bộ luật Tố tụng hình sự "Thời hạn chuẩn bị xét xử".
Theo luật sư Anh Thơm, việc mở lại phiên tòa lần thứ 2 này được thực hiện sau khi HĐXX quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung ở phiên tòa trước nên thời hạn sẽ ngắn hơn so với lần đầu tiên xét xử.
Cụ thể như sau, đối với vụ án được trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận lại hồ sơ, thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Việc thay đổi tội danh đối với bị cáo Nguyễn Kim Trung Thái sẽ được HĐXX xem xét tại phiên tòa. Những ý kiến của các luật sư bảo vệ bị hại về việc giám định bổ sung các vết thương cũ trên cơ thể bị hại vào các ngày 7, 10, 11 và 12/12/2021 tại sao không thể thực hiện được qua hồ sơ (mặc dù trước đó, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP Hồ Chí Minh đã xác định các vết thương cũ là yếu tố cộng thêm với thương tích ngày bé bị đánh tử vong) sẽ được cơ quan giám định trả lời tại phiên tòa,...
Điều 277. Thời hạn chuẩn bị xét xử: Trong thời hạn 30 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, 45 ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, 2 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, 3 tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra một trong các quyết định: Đưa vụ án ra xét xử. Trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung. Tạm đình chỉ vụ án hoặc đình chỉ vụ án. Đối với vụ án phức tạp, chánh án tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 15 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Việc gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử phải thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp. Đối với vụ án được trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận lại hồ sơ, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Trường hợp phục hồi vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật này kể từ ngày tòa án ra quyết định phục hồi vụ án. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì Tòa án có thể mở phiên tòa trong thời hạn 30 ngày. |
Sông Yên