Vụ bảo mẫu bạo hành trẻ: Hành xử khủng khiếp, phản giáo dục
Đòn roi, hành hạ, dọa dẫm được các "bảo mẫu" sử dụng thường xuyên như một phương pháp giáo dục? |
Về góc độ tâm lý, chuyên gia Ngô Minh Uy, Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục TP.HCM, cho rằng với những hành vi của các bảo mẫu trong clip, đặc biệt là hình ảnh bé gái níu chân cấp dưỡng Nguyễn Lê Thiên Lý khi bị dốc đầu vào thùng nước cho thấy, các bé đã bị hành hạ nhiều lần.
"Dường như đòn roi, sự dọa dẫm được những bảo mẫu này sử dụng một cách thường xuyên và nhuần nhuyễn như thể đó là một phương pháp giáo dục", chuyên gia nhận xét.
Theo chuyên gia này, nguyên nhân có thể xuất phát từ áp lực công việc của các bảo mẫu khi phải đối diện thường xuyên với rất đông trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa của việc này phải xét đến khía cạnh đào tạo chuyên môn, kỹ năng và đạo đức nhà giáo. Đặc biệt, tình yêu trẻ của những bảo mẫu này hoàn toàn không đạt.
Chuyên gia tham vấn tâm lý Tổng đài 1088 Trần Đăng Thảo cũng nghi ngại là không biết 2 bảo mẫu đó có được đào tạo chuyên môn về sư phạm mầm non hay không(?). "Bởi chỉ có những người không được đào tạo về chuyên môn, đạo đức mới có những hành xử khủng khiếp, phản giáo dục đến vậy. Còn, theo thông tin chính thức từ UBND quận Thủ Đức, bảo mẫu Phương có bằng cấp Đại học sư phạm Mầm non, thì việc này là một lỗ hổng rất lớn của ngành giáo dục", ông nói.
"Một khi đã nuôi dạy trẻ, nhất là trẻ nhỏ là công việc rất khó và áp lực, họ phải được đào tạo chuyên môn đầy đủ, phải yêu nghề, yêu trẻ, phải thực sự kiên nhẫn và tâm lý ổn định. Nếu không, dưới áp lực của nghề sẽ dễ bị ức chế, căng thẳng và dẫn đến những hành vi không kiểm soát như kiểu giận cá chém thớt”.
Với những đứa trẻ bị bạo hành trong một thời gian dài như vậy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần của bé sau này. Thạc sĩ, BS. Nguyễn Lan Hải, chuyên gia tâm lý tại TP.HCM cho rằng, những hành động rung lắc trẻ mạnh và liên tục có ảnh hưởng đến não của bé. Bịt mũi đút cho trẻ ăn có thể gây ho sặc, rơi dị vật vào đường thở gây ngạt, tím tái, nếu không xử trí kịp có thể nặng thì tử vong, nhẹ thì bị viêm phổi.
Về tinh thần, theo BS. Lan Hải, đứa trẻ nạn nhân thường biểu lộ thiếu tự tin và cảm thấy mọi thứ vô giá trị. Trẻ em có thể sợ sệt không còn tin nơi người lớn, sợ đến trường. Chưa kể, trẻ sẽ trở nên thiếu cảm xúc, thay đổi thói quen ngủ, giật mình khóc thét gặp ác mộng khi ngủ, trở lại mút tay hoặc đái dầm, bất thần ăn quá nhiều hoặc biếng ăn, không chịu đi học, hung hãn hoặc giận dữ bất thường, thiếu lễ phép…
Vì vậy, theo BS Lan Hải, với các bé bị trong trường hợp này, tạm thời gia đình hay khoan đưa đi gửi trẻ một thời gian để trẻ bớt lo lắng, hoặc đổi trường khác để trẻ được chuyển sang một khung cảnh khác. Người lớn không nên hỏi han, bàn tán, nhắc lại câu chuyện này trước mặt con trẻ.
“Sự việc được công khai trước dư luận như vậy, phụ huynh, cô bảo mẫu còn đang bàng hoàng, hết hồn chứ đừng nói gì trẻ. Người lớn cảm thấy sợ hơn trẻ con ấy chứ!”, BS Lan Hải nhấn mạnh.
Cũng theo bác sĩ này, ngày xưa trẻ cũng bị đòn nhiều nhưng do quan niệm truyền thống của ta là dạy con là thế nên hành động đánh trẻ ít bị lên án. Ngày nay tuy được bố mẹ đón đưa nhưng con trẻ vẫn bơ vơ và yếu đuối, bất an, thất thường.
"Nhìn những đứa trẻ ngủ gục sau lưng cha mẹ mỗi sáng đi học, các bé đứng tha thẩn ở cổng trường chiều muộn đợi bố mẹ đón về, các bé cầm hộp sữa hay gói xôi trên tay tối mịt mới được người lớn chở về nhà,… thấy áp lực của cuộc sống hiện đại đè nặng lên mỗi thành viên trong cộng đồng. Làm sao ổn định tâm lý, làm sao mỗi người cảm thấy bình an và được yêu thương là điều cần phải có của toàn xã hội", ông nói.