VOV mở rộng vùng phủ sóng, thêm nhiều chương trình phát thanh DTTS
Các phương tiện truyền thông đã đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu các chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đồng bào khó khăn; vận động đồng bào áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất và đời sống…; tập trung giới thiệu những điển hình tiên tiến trong xoá đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu, tấm gương người tốt, việc tốt ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi…
Tại một hội thảo về giảm nghèo, đại diện Đài phát thanh và truyền hình VOV cho biết, VOV có kênh Phát thanh tiếng dân tộc (VOV4), hiện phát thanh bằng 12 thứ tiếng dân tộc thiểu số là: tiếng Mông, tiếng Dao, tiếng Thái, tiếng Ê Đê, tiếng Gia Rai, tiếng Ba Na, tiếng Xơ Đăng, tiếng K’ho, tiếng Chăm, tiếng Khmer, tiếng M’nông, tiếng Cơ Tu, bên cạnh tiếng Việt. Đa số phóng viên, BTV là người dân tộc thiểu số thuộc các dân tộc trên, do đó hiểu được tập quán, phong tục, văn hóa, tâm lý của bà con. Nếu chúng ta truy cập website vov4.vov.vn sẽ thấy việc truyền thông về xóa đói giảm nghèo là “đặc sản” của hệ phát thanh này, với những hình thức thông tin đa dạng, phong phú, ấn tượng.
Nhiều kênh VOV đưa thông tin phủ sóng tới người dân, góp phần giảm nghèo. |
Ngoài phát thanh còn có Báo điện tử VOV, Truyền hình VOV cũng là những kênh hữu ích giúp tiếng nói của VOV lan tỏa rộng rãi tới mọi tầng lớp nhân dân. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân, các cấp chính quyền, đoàn thể trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, chương trình giảm nghèo; huy động sự chung tay giảm nghèo của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Báo Điện tử VOV đã có nhiều chương trình kêu gọi xã hội chung tay vì người nghèo, xây dựng trường học cho trẻ em nghèo ở vùng biên giới, hải đảo; cổ vũ công tác xã hội hóa hoạt động xóa đói giảm nghèo. Cụ thể, Báo đã kêu gọi được một số doanh nghiệp xây dựng trường học cho trẻ em ở một xã nghèo thuộc huyện Mai Sơn - tỉnh Sơn La, tới đây sẽ xây dựng tiếp một trường học ở huyện Vị Xuyên (Hà Giang); kêu gọi các nhà hảo tâm tặng quà và sổ tiết kiệm cho em bé có mẹ bị chết, do không có tiền thuê xe nên được người nhà bó chiếu đèo xe máy về, từng khiến dư luận rất xúc động. Nhiều nhà hảo tâm, các thầy thuốc, công ty dược phẩm, sữa… đã liên hệ trực tiếp với Đoàn viên thanh niên của VOV thực hiện nhiều chương trình tư vấn sức khỏe, khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo ở vùng sâu, vùng xa.
Đây là những hoạt động rất thiết thực, bởi bên cạnh việc tuyên truyền thông qua các phương tiện của Đài, người dân chỉ được “tai nghe”, thì nay đã “mắt thấy” các hoạt động hữu ích, qua đó phần nào chia sẻ những khó khăn của bà con, động viên người dân hăng hái lao động, sản xuất, giảm nghèo bền vững. Bà con cho rằng, VOV không chỉ nói hay, nói tốt mà làm cũng thiết thực không kém. Từ đó, những chương trình tuyên truyền trên sóng và các phương tiện của VOV sẽ có sức nặng hơn, tạo hiệu ứng trong dư luận.
Đặc biệt, vai trò của các cơ quan thường trú VOV tại các khu vực trên cả nước rất quan trọng, cụ thể là Tây Bắc, Đông Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, TP HCM và Đồng bằng sông Cửu Long. Tại đây, thực sự “Tiếng nói Việt Nam” không những được lan tỏa đến rộng khắp, mà tiếng nói của người dân cũng được các phóng viên của VOV đưa lên các phương tiện của Đài, tạo sự tương tác gần gũi, cổ vũ bà con lao động sản xuất, nỗ lực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới sự hợp tác hiệu quả giữa VOV với các Bộ, ngành, địa phương, quân khu… trong việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách, đường lối… về xóa đói giảm nghèo. Chính sự hợp lực này đã tạo ra phong trào xóa đói giảm nghèo sôi động nhiều năm qua trong cả nước, góp phần vào thành công của chương trình.
Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả truyền thông về xóa đói giảm nghèo trên các phương tiện truyền thống nói chung, VOV nói riêng, cần tập trung vào một số vấn đề sau: Thứ nhất, đối tượng truyền thông trong lĩnh vực giảm nghèo chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, còn nhiều tập tục lạc hậu, sinh sống không tập trung, tâm lý tiếp nhận thông tin cũng có nhiều điểm khác với những người sống ở vùng đồng bằng, đô thị.
Do đó, bên cạnh việc nghe nhìn trên sóng phát thanh – truyền hình, truyền thông cần hướng tới “trực quan sinh động”, cụ thể hóa các nội dung cần truyền thông bằng những chương trình hành động cụ thể tại địa phương. Phóng viên, chuyên gia, nhà khoa học… cần “xuống đồng” cùng bà con, để người dân nhận thấy “báo đài nói là đúng” và từ đó sẽ tin tưởng, làm theo những gì truyền thống đưa ra.
Thứ hai, cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội, đặc biệt là thúc đẩy ý thức vượt khó, tự vươn lên của người nghèo. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh tới việc chúng ta truyền thông về hoạt động từ thiện. Hiệu quả truyền thông không phải là nhấn mạnh vai trò của các nhà hảo tâm hỗ trợ bà con ở một thời điểm nhất định, mà thông qua đó cần giúp người dân nhận thức về nỗ lực vươn lên thoát nghèo, không trông chờ ỷ lại.