VNPT, MobiFone, Viettel đua nhau phủ sóng biển đảo
Các chiến sỹ Hải quân ở Trường Sa sử dụng dịch vụ di động |
Về kế hoạch năm 2017 của MobiFone, nhà mạng này đã khẳng định mục tiêu phủ sóng biển đảo trong năm 2017. Trước đó, Viettel đã tuyên bố xây dựng hàng nghìn trạm thu phát sóng tầm xa có thể phát sóng tới xa đất liền 60 - 100km, trạm phát sóng ven biển và các trạm trên đảo và nhà giàn trên biển.
Viettel cho biết, với mục tiêu nâng cao chất lượng và vùng phủ sóng trên biển phục vụ đông đảo ngư dân, đảm bảo thông tin liên lạc trong mùa mưa bão, Viettel thực hiện nâng cao chất lượng mạng di động trong Quý 3/2011. Theo đó, 15 trạm phát sóng trên quần đảo Trường Sa và 9 trạm nhà giàn sẽ được bổ sung tài nguyên, 32 vị trí khác được lắp thiết bị khuếch đại tín hiệu (booster). Công tác khảo sát hiện đã được tiến hành, dự kiến ngày 7/7 này sẽ hoàn thành và đưa ra phương án triển khai lắp đặt, bảo dưỡng.
Song song với việc nâng cao chất lượng mạng lưới, Viettel kết hợp với hệ thống truyền thanh địa phương để truyền thông các khu vực sóng tốt, sử dụng điện thoại di động trên biển để đảm bảo thông tin liên lạc. Viettel cũng tổ chức bán hàng lưu động tại các khu tập trung đông dân, bến cảng, chợ cá… hoặc bán hàng trực tiếp đến từng tàu cá, nhà của ngư dân ven biển.
Năm ngoái, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên của VNPT cũng nhấn mạnh, mạng VinaPhone sẽ phải tiến ra biển bằng việc phủ sóng biển đảo thật tốt. Ngày 4/8/2016, VNPT đã khai trương dịch vụ di động vệ tinh VinaPhone-S và tuyên bố phủ sóng 100% lãnh thổ Việt Nam từ vùng núi đến biển đảo. VNPT cho biết, 3/4 diện tích lãnh thổ Việt Nam là đồi núi và có khoảng 1.000.000 km vuông bờ biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam cần được đảm bảo thông tin liên lạc thường xuyên liên tục. Cũng có khoảng 2 triệu ngư dân của Việt Nam đang tham gia khai thác ở những ngư trường xa bờ cần có các phương thức liên lạc kết nối với đất liền, với người thân. Thông tin liên lạc được đảm bảo kết nối thường xuyên là nhu cầu cấp thiết của nhiều tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng hải, khai khoáng, dầu khí, du lịch biển đảo, du lịch vùng cao. Tuy nhiên, việc sử dụng công nghệ GSM chưa thể đáp ứng được hết nhu cầu trên. Bởi trên lý thuyết, vùng phủ sóng của công nghệ chỉ đạt mức tối đa là 70 km tính từ đất liền ra biển. Như vậy, có thể thấy, phần lớn vùng biển của chúng ta hiện chưa được phủ sóng di động. Tương tự như vậy, công nghệ di động hiện nay cũng chưa cho phép sóng di động vươn xa và phủ hết các điểm cao, các vùng xa xôi của Tổ quốc.
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống thông tin và truyền thông các vùng biên giới biển, vùng biển, đảo Việt Nam đến năm 2020. Theo đó, đến năm 2020 sẽ phát triển mạng viễn thông cố định và di động băng rộng, phủ sóng truyền hình số để cung cấp các dịch vụ viễn thông và truyền hình số tới các xã khu vực biên giới biển, các huyện đảo, các vùng biển có bán kính 100 km tính từ bờ. Tiếp tục mở rộng vùng phủ sóng và nâng cao chất lượng dịch vụ phát thanh trên biển phục vụ ngư dân.
Đến năm 2020, bảo đảm 100% các xã khu vực biên giới biển, các xã đảo có điểm cung cấp dịch vụ bưu chính công cộng và được trang bị hệ thống truyền thanh cơ sở.
Với việc Viettel, MobiFone, VinaPhone đua nhau phủ sóng biển đảo sẽ nhanh chóng góp phần thực hiện mục tiêu này của Thủ tướng để đến năm 2020 100% các xã đảo được dùng các dịch vụ BCVT.