VKSND không có thẩm quyền khởi tố vụ án dân sự
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày báo cáo giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết thi hành Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) cho biết, sau phiên thảo luận về Luật tổ chức VKSND (sửa đổi), nhiều ý kiến ĐBQH không tán thành giao cho VKSND thẩm quyền khởi tố vụ án dân sự vì không phù hợp với nguyên tắc tự định đoạt của đương sự và Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày báo cáo giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) |
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến đề nghị bổ sung thẩm quyền khởi tố vụ án dân sự cho VKSND để bảo vệ lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng, lợi ích của người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, tâm thần. Trường hợp VKSND khởi tố thì VKSND đồng thời là nguyên đơn dân sự.
Do ý kiến của các ĐBQH còn khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã gửi phiếu xin ý kiến các ĐBQH. Tổng số phiếu nhận được là 373 phiếu, trong đó có 351 phiếu hợp lệ. Kết quả có 197 phiếu tán thành việc quy định VKSND có quyền khởi tố vụ án dân sự, đồng thời là nguyên đơn dân sự chiếm 56,13% số phiếu hợp lệ nhận được, chiếm 39,6% tổng số ĐBQH; có 154 phiếu không tán thành, chiếm 43,87% số phiếu hợp lệ nhận được, chiếm 30,9% tổng số ĐBQH.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện, vì có ý kiến ĐBQH còn rất khác nhau, số phiếu tán thành nhận được không đạt quá bán so với tổng số ĐBQH, để bảo đảm thận trọng, UBTVQH đã nghiên cứu, cân nhắc kỹ sau khi tham khảo ý kiến Cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan hữu quan. Sau khi nghiên cứu, UBTVQH nhận thấy, nếu giao cho VKSND có thẩm quyền khởi tố vụ án dân sự trong những trường hợp do Bộ luật tố tụng dân sự quy định để bảo vệ lợi ích nhà nước, lợi ích công cộng, lợi ích của người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, tâm thần và trong trường hợp này VKSND đồng thời là nguyên đơn dân sự thì không phù hợp với chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; có một số ý kiến còn cho rằng nếu quy định như vậy là trái Hiến pháp. Để bảo vệ lợi ích nhà nước, lợi ích công cộng, lợi ích của người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, tâm thần thì Điều 162 Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành đã giao cho các cơ quan, tổ chức khởi kiện.
“Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội không quy định VKSND có thẩm quyền khởi tố vụ án dân sự”- Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện kết luận.
Về việc thi tuyển Kiểm sát viên, do cũng có nhiều ý kiến ĐBQH trái chiều, nên sau khi tiếp thu, nghiên cứu UBTVQH chỉnh lý dự thảo luật để quy định áp dụng việc thi tuyển đối với các ngạch Kiểm sát viên sơ cấp, trung cấp, cao cấp. Còn đối với Kiểm sát viên VKSNDTC thì tiếp tục giữ cơ chế tuyển chọn như quy định hiện hành.
Với đa số ĐB tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) và Nghị quyết thi hành tổ chức VKSND (sửa đổi) với tỷ lệ tương ứng là 82,7% và 83,7%.