Việt Nam quét sạch thủy lôi Mỹ như thế nào?
"Tự mình cứu trước khi người cứu"
Ngày 26/2/1967, Không quân Mỹ thả những quả thủy lôi đầu tiên trong chiến dịch phong tỏa cảng sông miền Bắc.
Một trong những chiến thuật của Mỹ là sử dụng hỗn hợp nhiều loại thủy lôi: thủy lôi từ trường (cảm ứng từ thay đổi thì phát nổ), thủy lôi âm thanh (tàu phát ra sóng âm thì phát nổ), thủy lôi chạm nổ (tàu chạy qua chạm vào thì phát nổ), thủy lôi áp suất (áp suất tàu đi qua thay đổi thì phát nổ).
Những loại thủy lôi trên đều nhắm tới một mục tiêu nhất định, dùng để đánh chìm nhiều loại tàu chiến, tàu vận tải khác nhau của ta. Có loại chỉ chờ tàu trọng tải lớn mới phát nổ, tăng hiệu quả phá hoại. Ngoài ra, Mỹ còn dùng thủy lôi “định lần” (ví dụ, tàu chạy qua 30 lần mới nổ), dùng để khai thác sự mất cảnh giác, khiến ta lầm tưởng tuyến đường sông này an toàn và mạnh dạn cho nhiều tàu vận tải đi qua...
Một mẫu thủy lôi của Mỹ. |
Âm mưu gây khó khăn cho lực lượng rà phá. Bước đầu, chúng đã gây khó khăn cho việc chi viện cho miền Nam và giữa các nước xã hội chủ nghĩa giúp đỡ Việt Nam.
Tình hình hết sức cấp bách, hầu hết các loại thủy lôi đều là loại áp dụng nhiều kỹ thuật mới, ngay cả các nước trong khối XHCN như Liên Xô, Trung Quốc cũng không có nhiều thông tin và phương tiện rà phá hiệu quả. Vì vậy, với phương châm “tự cứu mình trước khi người cứu”, chúng ta chủ động tìm cách chống phong tỏa thủy lôi.
Để có thông tin về vũ khí địch, phía ta đã tìm mua những tài liệu nước ngoài (chủ yếu ở các đồng minh của Mỹ như Nhật, Pháp, Đài Loan...) về biên dịch để hiểu cấu tạo, nguyên lý hoạt động của thủy lôi.
Bên cạnh đó, lãnh đạo còn cử nhiều đoàn cán bộ đi học kỹ thuật ở nước ngoài để phát triển nhân lực cho công tác chống phong tỏa thủy lôi. Đặc biệt, Bộ Quốc phòng điều động 32 kỹ sư toàn miền đi học ở các nước về thành một nhóm để nghiên cứu và vạch ra các phương pháp phá thủy lôi. Do đây là “tài sản” quý giá của đất nước, nên nhóm không được phép đi thực nghiệm, vì lo mất an toàn. Việc thực nghiệm dành cho bộ đội hải quân chuyên trách. Sau khi đã có được những kiến thức nhất định cùng đội ngũ chuyên gia giỏi. Chúng ta tiến hành công tác rà phá thủy lôi.
Phát huy trí tuệ Việt Nam
Đối với thủy lôi từ trường, vấn đề đặt ra là phải tạo được tín hiệu từ giả đủ mạnh “đánh lừa” loại thủy lôi đó, đồng thời tín hiệu phát đi xa đảm bảo khoảng cách an toàn cho tàu và người điều khiển. Các kỹ sư hải quân cải tiến loại tàu tankist (chuyên vận tải đổ bộ), lắp thêm các cuộn dây từ bọc ngoài và máy phát điện một chiều.
Khi có phương tiện như vậy, chúng ta đưa vào thử nghiệm, xem khi phát tín hiệu từ thì thủy lôi kích nổ trước mũi tàu cách bao nhiêu mét, bên phải, bên trái, đằng sau bao nhiêu mét. Sau đó tiếp tục tính toán, nếu dòng điện yếu không đủ kích nổ hoặc kích nổ quá gần tàu thì ta phải tìm cách tăng công suất điện.
Thiếu tướng Nguyễn Thị Định thăm hỏi các chiến sĩ của đội rà phá thủy lôi. |
Thời bấy giờ, ở miền Bắc gần như không có máy phát điện công suất cao, viện trợ nước ngoài lại khó khăn. Nhưng trong “cái khó ló cái khôn”, các cán bộ kỹ thuật của ta đã tiến hành đấu nối nhiều máy phát lại tạo ra nguồn điện mạnh hơn. Nhờ vậy, việc rà phá thủy lôi từ trường được dễ dàng.
Sau này, ta còn chế tạo loại tàu phá thủy lôi không người lái, điều khiển từ xa, trên bờ. Nhờ vậy, việc rà phá đã giảm thương vong, nguy hiểm mà vẫn “mở luồng” an toàn vừa đủ cho đoàn tàu vận tải đi qua.
Kết quả, từ năm 1967 tới 1972 công binh hải quân phá được hàng nghìn quả thủy lôi các loại. Lượng hàng hóa, nhân lực tiếp tế cho miền Nam không giảm mà còn tăng. Riêng đoàn tàu không số đã vận chuyển được hàng trăm nghìn tấn hàng hóa vũ khí đưa vào vùng Tây Nam bộ đánh địch. Con đường viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em cho miền Bắc vẫn thông suốt cho đến khi kết thúc cuộc chiến tranh phá hoại.
Tàu chiến Mỹ tham gia chiến dịch "Nhát quét cuối cùng". |
Hiệp định Paris được ký kết năm 1973, quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam và thực hiện các điều khoản cam kết trong hiệp định. Trong đó, có khoản phải tiến hành rà phá tất cả thủy lôi đã ném xuống phong tỏa các cảng sông, cửa biển ở miền Bắc Việt Nam.
Quân đội Mỹ thực hiện “chiến dịch nhát quét cuối cùng” (ngày 28/1–18/7/1973), đưa đơn vị tàu hùng hậu Tank Force 78 gồm: 10 tàu quét mìn, 6 tàu kéo, 9 tàu đổ bộ, 3 tàu trục vớt cứu hộ, 19 khu trục hạm và thêm đơn vị trực thăng rà phá ngư lôi CH – 53 tiến vào miền bắc. Nhưng kết quả thu được gần như không có gì, điều này làm cho họ ngạc nhiên và tự hỏi tại sao thả thủy lôi với mật độ dày đặc như vậy, khi vào rà phá lại không nổ.
Thắng lợi này khiến Mỹ không ngờ tới. Ngay cả trong những nước anh em, đây cũng là chuyện "khó hiểu". Nhìn thấy thắng lợi chống phong tỏa thủy lôi của Việt Nam, Liên Xô nghĩ ra Trung Quốc đã giúp đỡ Việt Nam và ngược lại. Sau này, những kinh nghiệm trong công tác chống phong tỏa thủy lôi của Việt Nam đều được chia sẻ cho các nước anh em.
Trong 9 năm chống chiến tranh phá hoại miền bắc, quân dân ta gặp rất nhiều khó khăn tưởng chừng không bao giờ có thể vượt qua. Nhưng với tinh thần quả cảm, thông minh, sáng tạo, kiên trì vượt qua gian khổ, tập thể cán bộ kỹ sự, chiến sĩ hải quân đồng lòng vượt qua thử thách, bảo đảm an toàn cho tuyến vận tải đường sông, đường biển liên tục đưa vũ khí, phương tiện chiến đấu, đơn vị quân vào miền Nam.
An Dương