Việt Nam phấn đấu là nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030
Chiều ngày 21/12/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cung cấp thông tin về quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh một số hạn trong tổ chức không gian phát triển đất nước giai đoạn vừa qua như: Tư duy phát triển dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm; Thiếu quy hoạch mang tính tổng thể quốc gia để xác định rõ mô hình phát triển theo không gian lãnh thổ trên phạm vi cả nước; Công tác quy hoạch chưa được coi trọng đúng mức, chất lượng chưa cao; Thiếu cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế liên ngành, liên vùng, khắc phục tình trạng cục bộ địa phương; Chưa dành nguồn lực thích đáng để đầu tư hình thành bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, các vùng, các khu vực ưu tiên phát triển như vùng động lực, vùng kinh tế trọng điểm, hành lang kinh tế; Phát triển bền vững chưa trở thành tư duy chủ đạo trong hoạch định và thực hiện chính sách phát triển.
Dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 đặt mục tiêu tổng quát là, phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; mô hình tổ chức không gian phát triển quốc gia hiệu quả, thống nhất, bền vững, hình thành được các vùng, trung tâm kinh tế, đô thị động lực, có mạng lưới kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại; bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế; môi trường sinh thái được bảo vệ, thích ứng với biến đổi khí hậu; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm.
Một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu gồm: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả nước bình quân đạt khoảng 7%/năm giai đoạn 2021 - 2030, trong đó, vùng Đông Nam Bộ tăng khoảng 8 - 8,5%/năm, vùng Đồng bằng sông Hồng khoảng 9%/năm. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD.
Cùng với việc đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, Việt Nam sẽ phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia quan trọng để hình thành các đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của quốc gia. Lựa chọn một số địa điểm, đô thị, vùng có lợi thế đặc biệt để xây dựng trung tâm kinh tế, tài chính, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội có tính đột phá, có khả năng cạnh tranh quốc tế cao.
Hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam, các hành lang kinh tế Đông - Tây, các vành đai kinh tế ven biển; kết nối hiệu quả các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng. Phát triển các vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ tại các vùng động lực, vùng đô thị lớn.
Quy hoạch tổng thể quốc gia đã đưa ra một số định hướng tổ chức không gian theo vùng, lãnh thổ. Cụ thể: Phát triển các vùng động lực quốc gia, hành lang kinh tế; Phát triển không gian biển, sử dụng đất quốc gia, khai thác và sử dụng vùng trời; Tổ chức không gian phát triển vùng và định hướng liên kết vùng.
Theo Kết luận số 45 ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương, không gian phát triển vùng được tổ chức theo 6 vùng kinh tế - xã hội hiện nay, gồm: Vùng Trung du và miền núi phía Bắc; Vùng Đồng bằng sông Hồng; Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; Vùng Tây Nguyên; Vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong các giải pháp về cơ chế, chính sách, Quy hoạch nhấn mạnh ưu tiên phát triển mạng lưới hạ tầng quy mô lớn của các vùng động lực quốc gia và thúc đẩy hình thành các hành lang kinh tế ưu tiên; quan tâm các khu vực khó khăn, tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
“Trong Quy hoạch tổng thể quốc gia đã dự báo tổng nhu cầu và cơ cấu vốn đầu tư để thực hiện quy hoạch, xây dựng hệ thống các giải pháp để huy động nguồn lực từ các khu vực kinh tế; đồng thời dự báo nhu cầu lao động cho nền kinh tế và đề xuất các giải pháp về phát triển, sử dụng nguồn nhân lực”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Trình bày Báo cáo thẩm tra về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh khẳng định: “Hồ sơ quy hoạch tổng thể quốc gia được nghiên cứu, xây dựng rất công phu, nghiêm túc với nhiều thông tin chi tiết, cụ thể và cơ bản đáp ứng yêu cầu về danh mục tài liệu theo quy định tại Điều 35 của Luật Quy hoạch. Quy hoạch tổng thể quốc gia được xây dựng cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất trong hệ thống quy hoạch, tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên”.
Cũng tại phiên họp, các đại biểu tập trung thảo luận, đóng góp một số ý kiến để hoàn thiện quy hoạch. Đáng chú ý là tính khả thi của các mục tiêu và chỉ tiêu các định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội như các vùng động lực, hành lang kinh tế, các khu vực cần bảo tồn, vùng hạn chế phát triển, định hướng phát triển và phân bổ không gian các ngành quan trọng; danh mục dự án quan trọng quốc gia về thứ tự ưu tiên thực hiện phụ lục các bản đồ và thuyết minh của Quy hoạch tổng thể quốc gia...
Hà Minh