Việt Nam cần thúc đẩy sự học suốt đời trong nhân dân
Theo Hội Khuyến học Việt Nam, trong những năm qua, Hội cùng Bộ GD&ĐT đã có nhiều cố gắng triển khai các nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập nhưng kết quả vẫn chưa được như mong muốn.
Theo đó, chất lượng nguồn nhân lực tuy được nâng lên nhưng vẫn còn ở cung bậc thấp so với các nước trong khu vực và quốc tế. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, năng suất lao động của Việt Nam năm 2019 chỉ bằng 7,64% so với Singapore, gần 20% của Malaysia, gần 38% của Thái Lan và gần 46% so với Indonesia.
Những số liệu trên đặt cạnh công cuộc đổi mới đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, Chương trình chuyển đổi số quốc gia, khát vọng một Việt Nam hùng cường,... mới thấy chúng ta đã bỏ phí nhiều năm trên con đường phát triển.
Nguyên nhân phần nhiều do thiếu một nền giáo dục mở, thực học, thực hành; học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập chưa trở thành "lẽ sống", nhu cầu hàng ngày của người dân; chưa trở thành phong trào mang tính quốc gia, toàn dân, toàn diện; chưa có sự chung tay, vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Bởi vậy, rất cần thiết có một phong trào thi đua trên bình diện cả nước, thúc đẩy sự học suốt đời trong nhân dân.
Hội Khuyến học Việt Nam đã xác định, muốn thực hiện chiến lược chuyển đổi số, xây dựng xã hội học tập thì trước hết phải có công dân học tập.
Ảnh minh họa |
Hội Khuyến học Việt Nam đã phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan như Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành khác, trước hết xác định tiêu chí thế nào là công dân học tập. Cụ thể:
Tiêu chí thứ nhất, công dân học tập là phải có tinh thần tự học và học tập suốt đời.
Tiêu chí thứ hai, công dân phải biết sử dụng thành thạo và biết các kỹ năng công nghệ và kỹ năng làm việc, chuyên sâu và hiểu sâu về lĩnh vực mình làm.
Tiêu chí thứ ba, công dân phải có kỹ năng thực hành xã hội, ứng xử văn hóa, kỹ năng hợp tác, chia sẻ và có ý thức bảo vệ môi trường.
Với các tiêu chí đó đã đặt ra nhiều thách thức đó là phải tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân, các cấp, các ngành trong xã hội hiểu được rằng, muốn xây dựng xã hội học tập thì phải có công dân học tập; muốn xây dựng chính phủ số thì phải có công dân số.
Để làm được điều đó, đề nghị các cấp ủy, chính quyền, coi đây là nhiệm vụ chung của toàn xã hội để thúc đẩy sự học lên một bước phát triển mới.
Như vậy, công dân học tập phải gắn liền với việc giải quyết nhu cầu tự thân của mình. Hoạt động khuyến học phải phục vụ chính bản thân người lao động và công dân thì mới thiết thực và có tính bền vững.
Ngoài ra, để thực hiện tốt phong trào công dân học tập thì phải thực hiện xã hội hóa. Xã hội hóa để có môi trường cho công dân học tập bằng cách mở rộng các loại hình đào tạo, loại hình học tập, mở rộng môi trường cho công dân có cơ hội tiếp xúc với các mô hình học tập mới.
Hoàng Thanh