Vì sao quần đảo Trường Sa quan trọng đối với vấn đề Biển Đông?
Mục đích rõ ràng của các nỗ lực này là nhằm kiểm soát các quần đảo, bãi đá, rạn san hô và cả vùng biển vốn có vị trí chiến lược, quan trọng không chỉ với châu Á nói riêng mà còn cả thế giới nói chung.
Vấn đề nằm ở chỗ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa là hoàn toàn phi pháp và gây căng thẳng đối với khu vực.
Tuy Mỹ không phải là một nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, song nguy cơ xung đột trong khu vực có thể sẽ kéo theo cả sự can dự của cường quốc này bởi họ có trách nhiệm phải bảo vệ các lợi ích và đồng minh của mình, như đồng minh hiệp ước lâu năm Philippines.
Câu hỏi mà nhiều người đặt ra là tại sao các tranh chấp ở Biển Đông lại quan trọng với thế giới nói chung đến như vậy?
Biển Đông là tuyến đường biển thương mại và vận tải quan trọng. Theo ông Robert Kaplan, tác giả của nhiều cuốn sách về đề tài quan hệ quốc tế, ước tính 2/3 năng lượng nhập khẩu của Hàn Quốc, 60% dầu thô nhập khẩu của Nhật Bản và Đài Loan, 80% dầu thô của Trung Quốc được vận chuyển qua tuyến đường này. Trên thực tế, số dầu mỏ được trung chuyển qua Biển Đông, cụ thể là Eo biển Malacca, cao gấp 3 lần số dầu mỏ được vận chuyển qua kênh đào Suez và gấp 15 lần khối lượng trung chuyển qua Kênh Panama.
Bên cạnh đó, Biển Đông cũng là nơi có mật độ giao thông hàng hải cao, chiếm tới 1/3 các hoạt động hàng hải toàn cầu. Nhiều ước tính cho rằng gần 50% số tàu thương mại trên thế giới hoạt động thường xuyên tại khu vực này. Mỗi năm, có tới hàng nghìn tỷ USD hàng hóa được vận chuyển qua khu vực, và điều này rõ ràng đã khiến các xung đột tiềm tàng tại quần đảo Trường Sa trở thành nguy cơ lớn đối với nền kinh tế thế giới, có thể ảnh hưởng hết sức tiêu cực đối với thị trường chứng khoán và giá cả tiêu dùng.
Chủ quyền tại quần đảo Trường Sa là vấn đề được nhiều nước quan tâm bởi việc nắm quyền kiểm soát khu vực này đồng nghĩa với việc kiểm soát không chỉ tuyến đường vận chuyển dầu mỏ và hàng hóa trọng yếu, mà còn cả các hoạt động thăm dò, khai thác nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí đốt dồi dào ở Biển Đông. Theo Công ty Dầu khí ngoài khơi Nhà nước Trung Quốc, Biển Đông - bao gồm cả quần đảo Trường Sa - hiện ước tính có 125 tỷ gallon dầu khí và 500 nghìn tỷ mét khối khí đốt chưa khai thác. Trong khi đó, cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ cho rằng trữ lượng thực tế ở vùng biển này hiện tương đương 5-20 tỷ thùng dầu và từ 70-290 nghìn tỷ mét khối khí đốt.
Đánh bắt thủy hải sản là một ngành công nghiệp đặc biệt quan trọng với khu vực, và nhất là Trung Quốc, bởi quốc gia này có số dân rất đông. Số lượng thủy hải sản đánh bắt được tại Biển Đông ước tính ở chiến 12% tổng lượng hải sản đánh bắt được trên toàn thế giới. Do khu vực duyên hải Trung Quốc đang trong tình trạng ô nhiễm trầm trọng, Chính phủ nước này đã phải có những biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ cho các tàu cá, thậm chí còn khuyến khích ngư dân đi đánh bắt xa bờ, tới tận cả Quần đảo Trường Sa. Theo nhà bình luận Adam Minter của Bloomberg View, khối lượng thủy hải sản mà Trung Quốc khai thác ở Biển Đông chiếm tới một nửa tổng lượng khai thác trong khu vực, và có giá trị ước tính lên tới 21 tỷ USD.
Tầm quan trọng của Biển Đông đối với nền kinh tế thế giới và sự hiện diện của quân đội Mỹ trong khu vực có thể sẽ là động lực thúc đẩy các nỗ lực nhằm ngăn chặn nguy cơ đối đầu quân sự tại châu Á-Thái Bình Dương.
Kể từ năm ngoái, Mỹ đã nhiều lần điều tàu chiến và máy bay tới Biển Đông để thực hiện các chiến dịch tuần tra mà họ khẳng định là nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực. Các cuộc tuần tra này thường diễn ra tại các vùng biển lân cận những hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông, và bị truyền thông nhà nước Trung Quốc mạnh mẽ chỉ trích, cho rằng đó là các hành vi khiêu khích, “làm tổn hại hòa bình và ổn định khu vực”. Tuy nhiên, Mỹ vẫn liên tục thể hiện rằng họ sẽ không khoanh tay đứng nhìn những bước tiến hung hăng của Trung Quốc, điều cũng bị nhiều quốc gia khác phản đối.
Bất ổn trên Bán đảo Triều Tiên, kế hoạch hiện đại hóa và củng cố quân đội của nhiều quốc gia tại châu Á-Thái Bình Dương (trong đó có Mỹ), sự lan rộng của làn sóng dân tộc chủ nghĩa tại Trung Quốc, nguy cơ chiến tranh, hay thậm chí là các cuộc chiến mượn tay kẻ khác, giữa Mỹ và Trung Quốc hay giữa các đồng minh của họ là một mối nguy hiện hữu đối với khu vực nóng bỏng này. Một cuộc xung đột tại khu vực này chắc chắn sẽ tác động tới toàn thế giới, trên toàn bộ phương diện và đe dọa nghiêm trọng nền hòa bình, ổn định, thịnh vượng mà chúng ta đang hướng tới.