Vì sao nhiều gia đình Trung Quốc từ chối sinh con thứ hai?
SCMP trích dẫn một cuộc khảo sát cho biết, việc mua nhà của một đại gia đình ở Trung Quốc là quá đắt đỏ khiến nhiều người dân nước này từ bỏ ý định sinh con thứ hai.
Theo đó, SCMP cho rằng, xu hướng này có thể làm suy yếu nỗ lực của chính phủ trong việc tăng tỉ lệ sinh. Theo các nhà phân tích, để đối phó với vấn đề này, chính quyền nước này sẽ phải điều tiết giá nhà đất cho phù hợp.
Các gia đình Trung Quốc từ chối sinh con thứ hai do giá nhà quá cao. (Ảnh: Reuters) |
Nghiên cứu của công ty Ke.com Research cho thấy, hơn một phần ba số người được hỏi cho biết họ phản đối việc sinh con thứ hai, với gần một nửa trong số họ cho rằng mức độ nghiêm trọng của gánh nặng kinh tế sẽ là mối quan tâm chính của họ.
“Giá nhà quá đắt đỏ, chúng tôi không đủ tiền mua nhà lớn hơn để sinh con thứ hai”, một người dân chia sẻ với SCMP. Đồng thời, SCMP nhận định đây chính là lý do khoảng 20% số người được hỏi cho rằng họ sẽ không sinh con thứ hai.
Theo SCMP, 1.500 gia đình ở 179 thành phố của Trung Quốc đã tham gia cuộc khảo sát do một cổng thông tin trực tuyến dành riêng cho thị trường bất động sản thực hiện. Theo một nhà phân tích, vấn đề nghiêm trọng đến mức chính phủ sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài các biện pháp thắt chặt hơn để kiềm chế giá bất động sản.
Vào năm 2015, Trung Quốc đã bỏ chính sách mỗi gia đình một con áp dụng trong hơn 35 năm, và cho phép mỗi gia đình có hai con do tỉ lệ sinh thấp trong lịch sử. Tuy nhiên, giá nhà đất tăng vọt có thể cản trở nghiêm trọng những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy mức sinh và chống lại sự già hóa dân số.
Sau khi tăng đột biến vào năm 2016, tỉ lệ sinh ở Trung Quốc tiếp tục giảm. Quốc gia này ghi nhận 14,65 triệu ca sinh vào năm 2019, giảm khoảng 580.000 ca và tỉ lệ sinh giảm xuống mức dưới 10,5 trên 1.000 người, mức thấp nhất trong 50 năm. Hầu hết những người mong muốn có con thứ hai đều ở Bắc Kinh và Thượng Hải.
Ngoài ra, nhiều cặp vợ chồng trẻ ở Trung Quốc không muốn sinh con do lo ngại không trang trải được chi phí y tế và giáo dục. Trong khi đó, tỉ lệ ly hôn ở nước này trong năm 2019 đang tiến tới các mức kỷ lục. Theo số liệu của Bộ Dân chính Trung Quốc, trong 3 quý đầu năm 2019, khoảng 3,1 triệu cặp vợ chồng đã đệ đơn ly hôn trong khi có 7,1 triệu cặp đăng ký kết hôn.
Theo Viện Nghiên cứu và Phát triển E-house Trung Quốc, giá nhà đã tăng hơn 60% kể từ năm 2016. Hơn một nửa số người được hỏi tin rằng một ngôi nhà ba phòng ngủ sẽ phù hợp để nuôi hai con. Ở Bắc Kinh, một ngôi nhà như vậy sẽ có giá khoảng 6,7 triệu Nhân dân tệ (1,02 triệu USD), và ở Thượng Hải gần 6 triệu Nhân dân tệ.
Các nhà chức trách Trung Quốc bắt đầu thiết lập lại các hạn chế thương mại, bị hủy bỏ vào đầu năm nay, khi sức mua bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19. Ví dụ, tại Thâm Quyến đã áp dụng các biện pháp mới cứng rắn chống lại việc mua những ngôi nhà thứ hai ở Thung lũng Silicon của Trung Quốc.
Tại Hàng Châu, nơi có các công ty nổi tiếng của Trung Quốc như Alibaba, NetEase và Nongfu Spring cho biết vào tháng 9 cha mẹ của nhân viên các tập đoàn này chuyển đến thành phố phải sống chung với con cái của họ ít nhất ba năm trước khi họ được phép mua nhà ở.
Theo Cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P Global Ratings, các biện pháp của chính phủ nhằm hạ nhiệt thị trường nhà ở Trung Quốc sẽ khiến giá nhà ở giảm 5% vào năm 2021.
Vấn đề dân số già hóa cũng đang diễn ra với tốc độ nhanh ở quốc gia đông dân nhất thế giới này, tạo ra những thách thức về chính sách đối với chính phủ trong bối cảnh lãnh đạo nước này cam kết đảm bảo về y tế và lương hưu cho người dân trong khi kinh tế suy giảm. Tính đến cuối năm 2019, Trung Quốc có 1,4 tỉ dân, tăng nhẹ so với 1,39 tỉ dân năm 2018.
Ông Tập Cận Bình có động thái đầu tiên với Tổng thống đắc cử Joe Biden
Vào đêm ngày 25/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi tin nhắn chúc mừng chiến thắng của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Thanh Bình (lược dịch)