Vì sao FATF đưa ra 40 Khuyến nghị về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố?
FATF là một tổ chức liên chính phủ, có chức năng đưa ra các tiêu chuẩn, xây dựng và phát triển các chính sách chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Các phương thức và kỹ thuật rửa tiền luôn thay đổi nhằm đối phó với các biện pháp đấu tranh chống rửa tiền. FATF đã rà soát và đưa ra 40 khuyến nghị hoàn chỉnh trong việc chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Trong 40 khuyến nghị này, FATF đưa ra khuyến nghị về hệ thống pháp lý, trong đó nhấn mạnh các quốc gia cần hình sự hóa tội rửa tiền. Đồng thời cần đảm bảo rằng việc chứng minh tội rửa tiền là phù hợp với các chuẩn mực nêu trong các Công ước Viên và Palermo.
Đối với các biện pháp ngăn ngừa, FATA khuyến nghị các quốc gia cần phải đảm bảo rằng luật bí mật của các định chế tài chính không ngăn cản việc triển khai các khuyến nghị của FATF.
Các định chế tài chính cần cập nhật, theo dõi thông tin về khách hàng (CDD) và lưu giữ hồ sơ. Đối với những người có quan hệ chính trị, cần có các hệ thống quản lý rủi ro thích hợp để xác định xem khách hàng đó có phải là người có quan hệ chính trị hay không; Thực hiện những biện pháp hợp lý để xác định được nguồn gốc tài sản và nguồn gốc của vốn.
Đối với hoạt động ngân hàng đại lý qua biên giới, các định chế tài chính cần thu thập đầy đủ thông tin, đánh giá công tác kiểm soát hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố của tổ chức đại lý.
Cần chú ý đặc biệt tới bất cứ mối đe doạ về rửa tiền nào có thể phát sinh từ các công nghệ mới hoặc đang phát triển có thể có lợi cho người nặc danh và áp dụng các biện pháp.
Các định chế tài chính cần duy trì, ít nhất trong 5 năm, tất cả các hồ sơ cần thiết về các giao dịch, cả trong nước và quốc tế.
Cần phải chú ý đặc biệt tới tất cả các giao dịch lớn, bất thường, phức tạp và tất cả các khía cạnh bất thường của các giao dịch không có mục đích hợp pháp hay kinh tế rõ ràng.
Nếu một định chế tài chính nghi ngờ về một khoản thu từ hoạt động phạm tội hoặc liên quan đến hoạt động tài trợ khủng bố, theo luật định, định chế đó phải báo cáo ngay những nghi ngờ của mình cho đơn vị tình báo tài chính (FIU).
Các luật sư, các công chứng viên, chuyên gia pháp lý và kế toán viên độc lập khác cũng phải báo cáo các giao dịch đáng ngờ. Các quốc gia phải có các biện pháp xử phạt hữu hiệu, phù hợp và có tính thuyết phục, dù đó là biện pháp hình sự, dân sự hoặc hành chính.
Không được chấp thuận cho việc thành lập hoặc chấp nhận hoạt động của các ngân hàng vỏ bọc. Các quốc gia phải khuyến khích hơn nữa việc phát triển kỹ thuật quản lý tiền hiện đại và an toàn, ít có khả năng rửa tiền hơn.
Các định chế tài chính phải chú ý đặc biệt tới các quan hệ và giao dịch kinh doanh với những khách hàng, đối tác từ các nước không áp dụng hoặc áp dụng không đầy đủ các khuyến nghị của FATF. Chịu sự quản lý, giám sát thích hợp và thực thi các khuyến nghị FATF một cách hiệu quả, đồng thời được cấp phép, đăng ký và quản lý phù hợp, đồng thời chịu sự giám sát nhằm mục đích chống rửa tiền, có xem xét đến nguy cơ rửa tiền và tài trợ khủng bố trong lĩnh vực đó.
Các quốc gia phải thành lập các FIU hoạt động như trung tâm quốc gia để tiếp nhận (và yêu cầu, nếu được phép), phân tích và phổ biến STR và các thông tin khác về việc rửa tiền và tài trợ khủng bố có nguy cơ xảy ra.
Các quốc gia phải đảm bảo rằng các cơ quan thi hành pháp luật có trách nhiệm điều tra chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Các giám sát viên phải có quyền hạn thích hợp để giám sát và đảm bảo sự tuân thủ của các định chế tài chính đối với các yêu cầu chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, bao gồm cả quyền thực hiện thanh tra.
Cơ quan có thẩm quyền tham gia vào công cuộc chống rửa tiền và tài trợ khủng bố phải được trang bị kỹ thuật, nhân lực và tài chính đầy đủ. Các nhà làm chính sách, FIU, cơ quan thực thi pháp luật và các giám sát viên có cơ chế hiệu quả cho phép họ hợp tác.
Các quốc gia phải thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn các đối tượng rửa tiền sử dụng pháp nhân một cách bất hợp pháp. Thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời về quyền sở hữu hưởng lợi và kiểm soát pháp nhân để cơ quan có thẩm quyền có thể truy cập hoặc có được kịp thời. Đặc biệt, các quốc gia có các pháp nhân có thể phát hành cổ phiếu vô danh phải thực hiện các biện pháp thích hợp để đảm bảo rằng chúng không bị sử dụng cho rửa tiền và phải có khả năng chứng minh sự đầy đủ của các biện pháp này.
Các quốc gia cần tiến hành ngay các bước để trở thành thành viên và thực hiện đầy đủ Công ước Viên, Công ước Palermo và Công ước Quốc tế năm 1999 của Liên Hợp Quốc về việc trấn áp hoạt động tài trợ cho khủng bố. Các quốc gia cũng được khuyến khích phê chuẩn và thực hiện các Công ước quốc tế liên quan khác như Công ước năm 1990 của Hội đồng Châu Âu về tẩy rửa, truy tìm, bắt giữ và tịch thu các khoản thu nhập từ tội phạm và Công ước Liên Mỹ về chống khủng bố năm 2002.
Luật Phòng, chống rửa tiền và luật Phòng, chống khủng bố đã được Quốc hội Việt Nam thông qua vào năm 2012 quy định chặt chẽ hoạt động phòng, chống rửa tiền, khủng bố và tài trợ khủng bố... Đây là những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong công tác phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố.
Vào tháng 02/2014, trên cơ sở các lần báo cáo tại chỗ, phiên họp toàn thể FATF xác nhận Việt Nam đã hoàn thành các kế hoạch hành động và quyết định Việt Nam không còn phụ thuộc vào quá trình giám sát của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF).
Trước đó, tại hội nghị thường niên Nhóm Châu Á – Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) năm 2013, APG đã khẳng định rằng Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc bổ sung các thiếu sót đã đề cập trong báo cáo đánh giá chung APG năm 2008.
FATF là cơ quan liên chính phủ được thành lập vào tháng 7/1989 tại Hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức tại Paris với nhiệm vụ thiết lập các tiêu chuẩn, phát triển và thúc đẩy các chính sách quốc gia và quốc tế nhằm chống rửa tiền (AML) và chống tài trợ khủng bố (CFT). Đây là lực lượng quốc tế quan trọng nhất về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.
FATF tập hợp các chuyên gia lập pháp, tài chính và thi hành pháp luật để đạt được các cuộc cải cách của các quốc gia về lập pháp và quản lý công tác chống rửa tiền (AML) và chống tài trợ khủng bố (CFT).
Nhiệm vụ hàng đầu của FATF là giúp các nước thành viên ban hành các quy định về chống rửa tiền mà mục tiêu cuối cùng là ban hành được luật phòng, chống rửa tiền. Theo hướng này, tháng 4/1990, FATF đưa ra 40 khuyến nghị nhằm chống lại sự lạm dụng hệ thống tài chính để rửa tiền buôn lậu ma túy. Các khuyến nghị này được thiết lập như một khuôn khổ toàn diện về chống rửa tiền để áp dụng phổ biến trên toàn thế giới. Mặc dù không có hiệu lực bắt buộc, nhưng các khuyến nghị đã được cộng đồng quốc tế và các tổ chức liên quan thông qua một cách rộng rãi như một tiêu chuẩn cho công tác phòng, chống rửa tiền. Các nước sẽ phải thực thi đầy đủ các khuyến nghị này nếu muốn được cộng đồng thế giới coi là đang tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về AML. Năm 1996 và 2003, 40 khuyến nghị này đã được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với những diễn biến mới trong lĩnh vực rửa tiền và để phản ánh sự phát triển của những mô hình AML tốt nhất trên thế giới.