Vì sao bão, áp thấp chủ yếu xuất hiện từ tháng 6 trở đi?
Hàng triệu người tử vong do bão
Ở Bắc bán cầu, mùa bão bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 11 hàng năm, trong khi Nam bán cầu, mùa bão bắt đầu từ tháng 1-3. Ở nước ta, mùa bão kéo dài khoảng 6 tháng, từ tháng 6 đến tháng 12 với xu hướng chậm dần từ Bắc và Nam.
Các cơn bão có thể gây ra những thiệt hại kinh hoàng mà biểu hiện rõ nét nhất là có thể gây ra lũ lụt tàn phá nặng nề khu vực ở gần tâm bão. Bên cạnh đó, gió lốc làm thiệt hại cơ sở vật chất kỹ thuật cũng như tàn phá tự nhiên.
Nếu cơn bão xảy ra trùng khớp với thủy triều cao, nó còn gây ra xói mòn bờ biển và gây lũ lụt nghiêm trọng cho đất liền. Bão cũng sinh ra các cơn lốc xoáy với tốc độ khủng khiếp cuốn theo đó là các công trình, nhà cửa, cây cối…
Năm 2014, nước ta sẽ phải hứng chịu ít nhất 9 đến 10 cơn bão với cường độ mạnh và diễn biến phức tạp. |
Năm 2013, thế giới đã chứng kiến sức hủy diệt khi siêu bão Haiyan tàn phá miền Trung đất nước Philippines: hơn 5.200 người thiệt mạng và 1.600 người mất tích. Cơn bão đã san phẳng nhiều nhà cửa, trường học và sân bay, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 4 triệu người.
Riêng tại nước ta, bão Wutip đổ bộ ngày 27/9/2013 được đánh giá có cường độ mạnh tương đương bão Xangsane năm 2006 từng tàn phá Đà Nẵng. Đây cũng được cho là cơn bão mạnh nhất trong vòng 7 năm qua, có ít nhất 3 người đã tử vong, 35 người khác bị thương, tàn phá 16.900ha cao su, hàng nghìn ngôi nhà bị tốc mái, hàng trăm tàu thuyền bị sóng đánh tan tành... Sau khi cơn bão đi qua, nhiều gia đình bỗng chốc lâm vào cảnh kiệt quệ.
Ông Hoàng Đức Cường - quyền Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương dự báo: “Năm 2014, có khoảng 9 đến 10 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Đáng chú ý là khu vực phía Bắc sẽ hứng chịu những trận “siêu bão” với sức gió cấp 16-17, giật trên cấp 17; các tỉnh Trung bộ sẽ đối mặt với những cơn bão mạnh cấp 15-16”.
Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh, mặc dù số lượng những cơn bão dự báo sẽ ít hơn năm 2013, nhưng với cường độ mạnh và diễn biến phức tạp, các địa phương có nguy cơ phải đối mặt với nhiều thảm họa.
Hoạt động của bão
Bão là trạng thái nhiễu động của khí quyển và là một loại hình thời tiết cực đoan. Phần lớn bão được hình thành trong ba vùng lớn trên trái đất: tây bắc Thái Bình Dương, nam Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, giữa Đại Tây Dương và vịnh Mexico. Riêng ở khu vực trung tâm Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, bão thường hình thành và hoạt động từ tháng 6 đến tháng 10.
Người ta cho rằng bão hoạt động nhiều nhất vào thời kỳ có bức xạ mặt trời lớn nhất (cuối tháng 6 đối vời vùng nhiệt đới Bắc bán cầu và cuối tháng 12 đối với vùng nhiệt đới Nam bán cầu). Nước biển cần một thời gian khá dài để đạt được nhiệt độ nóng nhất. Cùng thời gian này, hoàn lưu khí quyển vùng nhiệt đới cũng hoạt động mạnh mẽ nhất thuận lợi cho sự hình thành, phát triển bão và áp thấp nhiệt đới.
Mỗi cơn bão có sự khác nhau về kích thước vật lý. Bên cạnh những cơn bão nhỏ chỉ có vài dải gió và mưa còn có những cơn bão rộng hơn với hàng trăm hoặc hàng ngàn dặm.
Sơ đồ đường đi và vị trí của cơn bão Kajiki (1/2/2014) |
Các cấp độ của bão được chia ra làm nhiều loại tùy theo mỗi nước nhưng cơ bản được chia ra làm ba cấp độ như sau: Áp thấp nhiệt đới: tốc độ gió nhỏ hơn 61 km/giờ; Bão nhiệt đới: tốc độ gió từ 62-118 km/giờ; Siêu bão: tốc độ gió lớn hơn 119 km/giờ.
Để có thể chung sống “hòa bình” với bão, các nhà khoa học đã tạo ra mô hình nhà chung sống với lũ, bão. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực còn có những hạn chế như vẫn chưa đảm bảo cho người dân chung sống một cách chủ động, bền vững.
Bên cạnh đó, công tác dự báo bão có một vai trò vô cùng quan trọng nhằm cảnh báo người dân có thời gian để sơ tán, phòng ngừa. Để giám sát, theo dõi sự phát triển và di chuyển của bão, ngành khí tượng học sử dụng các vệ tinh viễn thám, các máy bay chuyên dụng. Trên mặt đất, có một mạng lưới các trung tâm khí tượng khu vực dưới sự chỉ đạo của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), có trách nhiệm theo dõi và thông báo cho công chúng về thời tiết bất thường.
Từ việc thu thập các loại thông tin về cơn bão, theo dõi tình hình mây, các mẫu không khí lưu thông, đo đạc lượng mưa, tốc độ gió, sự chênh lệch nhiệt độ… các nhà khí tượng học dùng tất cả các dữ liệu bão mà họ nhận được để tạo ra các mô hình dự báo máy tính. Dựa vào dữ liệu hiện tại và thống kê dữ liệu quá khứ, những cơn bão ảo cho phép các nhà khoa học dự báo đường đi và những thay đổi cường độ trước khi bão thực đổ bộ.
Về phía người dân các chuyên gia khuyến cáo, trước thông tin về bão có thể đổ bộ vào địa bàn mình cư trú, người dân cần nhanh chóng chằng chống nhà cửa nhằm giảm thiệt hại do bão gây ra.
Cảnh báo: Do biến đổi khí hậu, các cơn bão, áp thấp nhiệt đới ở Việt Nam có thể xuất hiện sớm hoặc muộn hơn khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 12. Điển hình là cơn bão Kajiki đã xuất hiện ngay đầu năm nay (ngày 1/2/2014) ở khu vực giữa Biển Đông gây bất ngờ cho người dân đang đón Tết Nguyên Đán.