“Vén màn” bí ẩn Louis Holdings
Với dòng tiền ẩn danh qua đại diện ủy quyền, nhưng Louis Holdings vẫn có thể chi phối các doanh nghiệp khác một cách công khai.
Louis Holdings tiếp tục gây chú ý vào mùa ĐHCĐ năm nay khi dự tính M&A Công ty CP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (HQC).
Tăng trưởng lợi nhuận của Louis Capital- công ty con của Louis Holdings.
Ẩn số dòng tiền M&A
Louis có mối liên hệ sở hữu tại nhiều doanh nghiệp, từ các lõi Louis Land (BII), Louis Capital (TTG) đến Angimex (AGM), DAP - Vinachem (DDV), Cáp nhựa Vĩnh Khánh (VKC), Sametel (SMT), Thu Duc House (TDH), Dược Lâm Đồng (LDP) và mới đây là HQC. Có thể nói, đây là một trong điển hình của hiện tượng mở rộng hệ sinh thái thần tốc nhờ M&A. Tuy nhiên đến nay, dòng tiền giúp nhóm Louis vươn tay vào các doanh nghiệp khác vẫn luôn là ẩn số.
Trước đó vào năm 2021, ông Võ Ngọc Long với vai trò Tổng giám đốc và có tỷ lệ sở hữu lớn tại lõi Louis đã cho biết, nguồn vốn kinh doanh của Louis Holdings một phần đến từ các hoạt động kinh doanh khác từ các thành viên trong hệ sinh thái, trong đó có dòng tiền từ hoạt động kinh doanh gạo.
99,4 tỷ đồng là lãi ròng của Louis Capital năm 2021 (năm 2020, doanh nghiệp này lỗ ròng 43,5 tỷ đồng)
Bên cạnh đó, Louis Capital cũng tăng vốn qua kết nối với các quỹ đầu tư, nhà đầu tư chiến lược, các tổ chức tài chính nhằm thực hiện các dự án mới, tuy nhiên danh sách đối tác chiến lược không được tiết lộ.
Đáng chú ý, tuy Louis Holdings không hề sở hữu tỷ lệ lớn nhưng vẫn kiểm soát các công ty con và đưa người vào HĐQT. Ông Võ Ngọc Long cho biết sở dĩ như vậy do có ủy quyền của các cổ đông khác ở một số công ty. Các ủy quyền này có thể cá nhân, hoặc có giai đoạn. Cách thức “cổ đông ẩn danh” này cũng là một phần nguyên nhân gây ra sóng gió tại Eximbank trong những năm qua.
Làm sao công bằng, minh bạch?
Một chuyên gia tài chính cho rằng, trong trường hợp không công bố thông tin, việc ẩn danh tuy không sai luật, nhưng lại không công bằng với các nhà đầu tư khác. Ngoài ra, các nhà đầu tư ẩn danh không cam kết gắn bó dài hạn với công ty một cách công khai, ảnh hưởng đến hoạt động ổn định của doanh nghiệp.
Chính ông Võ Ngọc Long từng giải thích về nhóm cổ đông ẩn danh là: "Chẳng hạn hôm nay họ thấy Louis Holdings đang làm tốt thì họ ủy quyền, nhưng ngày mai thấy chúng tôi làm không đạt theo mong muốn của họ thì sẽ huỷ ủy quyền đi. Do vậy, khi nhà đầu tư thấy các công ty công bố Louis Holdings kiểm soát công ty nào đó thì đó là sự góp sức của các nhà đầu tư ủy quyền".
Ông Võ Ngọc Long cũng cam kết rằng: “Trong giai đoạn tới, Louis Holdings sẽ phấn đấu mua lại các khoản đầu tư này để minh bạch khoản đầu tư này với tỷ lệ chi phối". Tuy nhiên, hiện ông Võ Ngọc Long và ông Đỗ Thành Nhân không còn đương nhiệm, cơ cấu lãnh đạo đã thay đổi tại TTG. Vốn đầu tư ủy quyền tại TTG đến các doanh nghiệp khác có thay đổi gì, cũng là một ẩn số.
“Việc duy trì cơ chế ủy quyền ẩn danh có đảm bảo không vi phạm các quy định về hạn chế tập trung kinh tế trong Luật cạnh tranh; hay thậm chí là quy định về sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (nếu có nhà đầu tư nước ngoài đứng sau dòng tiền của nhóm) tại doanh nghiệp…?”, một chuyên gia đặt câu hỏi.
Gần đây, thị trường chứng khoán đã chứng kiến một Lãnh đạo doanh nghiệp bị phạt hành chính vì làm thành viên HĐQT của 7 công ty (theo luật không quá 5 công ty). Vậy với dòng tiền ẩn danh qua đại diện ủy quyền mà chi phối doanh nghiệp một cách công khai nhưng không hoàn toàn minh bạch như ở Louis Holdings, thì liệu có cơ chế nào để quản lý phù hợp?
'Ngấm đòn' sốc, nhà đầu tư đã ngán cổ phiếu “họ Louis”?
Ngoại trừ cổ phiếu BII của CTCP Louis Land đang có dấu hiệu phục hồi, loạt cổ phiếu "họ Louis"có liên quan đến Louis Holdings của doanh nhân Đỗ Thành Nhân đang khiến các nhà đầu tư ngán ngại bởi diễn biến giá gây sốc
Theo DDDN