Về đích NTM trên quê hương Vĩnh Lộc
Với những nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân huyện Vĩnh Lộc được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2019 |
Huyện Vĩnh Lộc là huyện trung du miền núi của tỉnh Thanh Hóa, nằm cách TP Thanh Hóa 45km về phía Tây, với tổng diện tích tự nhiên 15.772,03 ha, dân số 85.873 người, có 2 dân tộc chủ yếu là Kinh và Mường; toàn huyện có 15 xã và 1 thị trấn (trong đó có 6 xã miền núi).
Bước đầu, khi triển khai thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng (NTM) huyện Vĩnh Lộc với xuất phát điểm là huyện thuần nông, sản xuất còn phân tán ở quy mô nhỏ lẻ hộ gia đình, hệ thống cơ sở hạ tầng còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong đó, Nông - lâm - thủy sản chiếm 50,34%; Công nghiệp - xây dựng 25,04%; Dịch vụ - thương mại 24,62%. Thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 13,3 triệu đồng/người/năm; đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo cao chiếm 24,43%, bình quân tiêu chí về xây dựng NTM toàn huyện mới đạt 5,33 tiêu chí/xã.
Sau 10 năm triển khai thực hiện, với sự quan tâm, chỉ đạo của (BCĐ) xây dựng NTM, các sở, ban, ngành, VPĐP NTM, sự nỗ lực phấn đấu cao của toàn thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả quan trọng.
Đến nay, huyện Vĩnh Lộc đã có 15/15 xã đạt chuẩn NTM, huyện đạt 9/9 tiêu chí huyện NTM; hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất, đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt.
Với xuất phát điểm chủ yếu thuần nông, cơ sở vật chất yếu kém, huyện Vĩnh Lộc đã vươn lên với cơ sở vật chất, đường giao thông hiện đại |
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng công nghiệp, liên kết sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo an toàn thực phẩm ngày càng hiệu quả. Đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả cao. Đặc biệt nhận thức của người nông dân đã từng bước chuyển sang tư duy sản xuất hàng hóa, tăng giá trị các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, thương mại.
Trong năm 2019, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện ước đạt 42,15 triệu đồng/1 người/năm. Trong đó: Khu vực nông thôn ước đạt 41,56 triệu đồng/1 người/1 năm cao hơn mức bình quân chung của tỉnh và cao hơn khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM là 29,04 triệu đồng/người/năm; Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 4,12% giảm 20,31% so với khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM và thấp hơn 1,47% so với bình quân chung của tỉnh, trong đó tỷ lệ hộ nghèo NTM (đã trừ hộ bảo trợ xã hội) còn 2,29%; số tiêu chí bình quân toàn huyện tăng 13,67 tiêu chí/xã, nhiều mô hình sản xuất mới, hiệu quả cao được nhân rộng.
Về hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ và ngày càng hoàn thiện: giao thông, thủy lợi đáp ứng yêu cầu đi lại thuận tiện và thuận lợi cho sản xuất; trường học, trạm y tế, nhà văn hóa các thôn được đầu tư xây dựng khang trang, chợ nông thôn được xây mới, nâng cấp đáp ứng nhu cầu giao thương, buôn bán của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế.
Về công tác xây dựng Đảng, Chính quyền, Đoàn thể vững mạnh; công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên; đánh giá, quy hoạch, đào tạo và sử dụng cán bộ được quan tâm; công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng được duy trì. Về an ninh-quốc phòng được củng cố vững chắc, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được duy trì ổn định.
Về các hoạt động văn hóa - thông tin tiếp tục được đẩy mạnh, hình thức ngày càng đa dạng, chất lượng không ngừng được nâng cao các chỉ tiêu văn hóa - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Công tác bảo tồn di sản và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc được quan tâm, chú trọng. Toàn huyện có 267 di tích, trong đó có 66 di tích, danh thắng đã được xếp hạng. Hoạt động văn hóa, thể thao ngày càng phát triển.
Chất lượng giáo dục được huyện tập trung chỉ đạo nâng cao cả giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn. Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, công tác phổ cập giáo dục luôn được quan tâm nhằm tạo điều kiện tốt nhất để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, phát triển nguồn nhân lực ở địa phương, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn đạt 85,1% tăng 39% so với năm 2010 cao hơn mặt bằng chung của tỉnh 20%.
Công tác thẩm định NTM tại huyện Vĩnh Lộc |
Bên cạnh đó, huyện Vĩnh Lộc đã lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân với 99,9% số hộ gia đình hài lòng với kết quả xây dựng NTM trên địa bàn huyện, trong đó tất cả các nội dung đều đạt được sự hài lòng rất cao của người dân (tỷ lệ trên 99%).