Vật dụng quen thuộc lại là nguyên nhân khiến nhiều cặp đôi ly hôn
Hơn 30% số vụ ly hôn ở Trung Quốc xuất phát từ nguyên nhân là một vật dụng quen thuộc trong nhịp sống hiện đại.
Hơn 30% số vụ ly hôn ở Trung Quốc xuất phát từ nguyên nhân một trong hai vợ chồng quá nghiện điện thoại di động.
“Chơi với chiếc điện thoại đang chiếm phần lớn thời gian của con người mà đáng lẽ khoảng thời gian này nên được dùng để giao tiếp với bạn đời, chia sẻ công việc nhà, hoặc dạy bảo con cái. Dành quá nhiều thời gian cho chiếc điện thoại đã khiến các cặp đôi rơi vào xung đột”, ông Kang Lanying, một chuyên gia hòa giải hôn nhân tại thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hà Bắc của Trung Quốc chia sẻ với Yangtze Daily.
Nghiện điện thoại di động chiếm 30% nguyên nhân trong các vụ ly hôn ở Trung Quốc. (Ảnh: SCMP) |
Riêng thành phố Vũ Hán hiện có hơn 10.000 chuyên gia hòa giải các vấn đề trong gia đình. Bà Cao Hongling, một chuyên gia làm việc tại thành phố Vũ Hán, nhận định 30% vụ rạn nứt gia đình mà bà từng xử lý có liên quan tới chuyện quá mải mê với chiếc điện thoại di động.
“Nghiện điện thoại khiến vợ và chồng thiếu đi hoạt động giao tiếp. Người dành quá nhiều thời gian cho chiếc điện thoại sẽ không chia sẻ việc nhà, và cũng không còn quan tâm tới những người khác. Tất cả những vấn đề này sẽ dẫn tới ly hôn”, bà Cao nói.
Bà Cao nhấn mạnh thêm, nghiện điện thoại cũng bị xem là một dạng bạo lực gia đình hay còn được gọi là bạo lực lạnh nhằm ám chỉ một người chỉ dành thời gian cho điện thoại, phớt lờ vợ/chồng và công việc nhà.
Bà Cao cho biết bà từng hỗ trợ một người phụ nữ đơn phương đệ đơn ly hôn do bản thân cảm thấy bị “nghẹt thở” khi ở trong nhà, thay vì cảm giác ấm áp bên chồng.
“Anh ta không quan tâm tới tôi, tới các con và cả việc nhà. Anh ta chỉ chơi với điện thoại ngay khi từ công ty về nhà và chẳng làm việc gì khác. Tôi đã yêu cầu chồng hỗ trợ làm việc nhà, nhưng anh ta không hề có phản ứng. Tôi không thể chấp nhận sự im lặng chết chóc này”, người phụ nữ nói với bà Cao khi tới xin tư vấn.
Trong khi đó, chồng của người phụ nữ lại nói rằng anh ta nghĩ bản thân không làm gì sai, bởi anh ta đều trở về nhà mỗi ngày sau giờ làm việc.
“Tôi chỉ lướt mạng, kiểm tra mạng xã hội, đọc tin tức và chơi game trên điện thoại’, người chồng nhấn mạnh.
Sau thời gian tư vấn, người chồng vẫn bác bỏ lời đề nghị của bà Cao về việc giảm thời gian dành cho chiếc điện thoại.
Hiện dân mạng Trung Quốc đang tranh cãi gay gắt về chuyện điện thoại di động là nguyên nhân lớn khiến nhiều cặp đôi lôi nhau ra tòa ly hôn.
“Các cặp vợ chồng khi về sống chung sẽ không còn tình yêu nữa. Đừng biến chiếc điện thoại thành lý do để ly hôn”, một cư dân mạng Trung Quốc chia sẻ trên Weibo.
Nhưng người khác lại cho rằng, “Chơi game và xem video trên điện thoại thực sự chiếm rất nhiều thời gian. Hậu quả là nhiều người không còn thời gian rảnh hay năng lượng để nghĩ về những chuyện khác”.
Tỷ lệ ly hôn ở Trung Quốc đã tăng từ mức 2/1.000 người trong năm 2010 lên thành 3,4/1.000 người vào năm 2019, trước khi giảm xuống 3,1/1.000 người hồi năm 2020.
Trong nỗ lực giảm tỷ lệ ly hôn, chính phủ Trung Quốc đã cho triển khai chính sách "30 ngày hòa giải" từ tháng 1/2021. Chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh việc yêu cầu các cặp đôi muốn ly hôn phải chờ 30 ngày cho tới khi quá trình giải quyết ly hôn được hoàn tất là nhằm cải thiện sự ổn định của xã hội, cũng như để các cặp đôi có thêm thời gian suy nghĩ chín chắn. Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng bộ luật đã vi phạm quyền tự do hôn nhân của người dân.
Chính quyền nhiều địa phương khẳng định phương án hạ hỏa đã “làm rất tốt”. Nhưng nhà tâm lý học ở Thượng Hải là ông Huang Jing nhận định cố gắng cứu vãn một cuộc hôn nhân không đồng nghĩa với việc nỗi đau được chữa lành.
“Đối với các nhà hoạch định chính sách, mục tiêu của biện pháp 30 ngày hạ hỏa là duy trì sự ổn định. Nhưng họ không hề tính tới hạnh phúc của các cá nhân”, ông Huang nói.
Sau một năm thi hành chính sách "30 ngày hạ hỏa", tính trên cả nước, Bộ Dân chính Trung Quốc thông báo nước này có hơn 1,58 triệu cặp đôi ly hôn trong 3 quý đầu năm 2021, giảm 1 triệu trường hợp so với cùng kỳ vào năm 2020.
Bùng nổ dịch vụ hỗ trợ người trẻ cai nghiện điện thoại
Khi có quá nhiều người trẻ mắc chứng nghiện điện thoại, đây là lúc ngành dịch vụ hỗ trợ khách hàng cai nghiện bùng nổ và làm ăn phát đạt.
Minh Thu (lược dịch)