Bùng nổ dịch vụ hỗ trợ người trẻ cai nghiện điện thoại
Khi có quá nhiều người trẻ mắc chứng nghiện điện thoại, đây là lúc ngành dịch vụ hỗ trợ khách hàng cai nghiện bùng nổ và làm ăn phát đạt.
Trên trang web mạng xã hội Douban của Trung Quốc, một nhóm có tên “Away from the screen” (tạm dịch: Tránh xa màn hình) đã được thành lập vào năm 2020 và hiện có hơn 30.000 thành viên tham gia. Đây là những người mong muốn có thể thoát khỏi chứng nghiện điện thoại di động.
Một thành viên có tên “Bot9” đã chia sẻ một bức ảnh chụp màn hình vào ngày 8/3 cho thấy, anh này đã dùng điện thoại di động tới 11 tiếng mỗi ngày vào một tuần trước đó.
Nhiều người trẻ mắc chứng nghiện điện thoại di động. (Ảnh minh họa) |
“Đó thực sự là một căn bệnh. Tôi đang cố cắt giảm thời gian sử dụng điện thoại di động bắt đầu từ ngày mai”, “Bot9” viết.
Tuy nhiên, vào ngày 9 – 10/3, chỉ sau 2 ngày “thề thốt” trên mạng, anh này cho biết thời gian dùng điện thoại của mình còn tăng lên thành 12 tiếng/ngày.
Khi nhiều người tỏ ra lo sợ về việc dành quá nhiều thời gian cho chiếc điện thoại di động và cố gắng từ bỏ thói quen xấu, đây cũng là lúc ngành dịch vụ hỗ trợ người dùng vượt qua chứng nghiện điện thoại ăn nên làm ra.
“Thị trường này có triển vọng tăng trưởng rất lớn, bởi có quá nhiều ứng dụng khiến người dùng không thể rời mắt khỏi chiếc điện thoại một khi đã mở điện thoại lên”, anh Liu Yang (36 tuổi), chủ kinh doanh Shiguang Box chuyên bán “các hộp cô lập điện thoại” nhằm giúp khách hàng cắt giảm thời gian dán mắt vào màn hình điện thoại.
Các bước tách điện thoại khỏi người dùng rất đơn giản gồm 4 bước: mở hộp, đặt điện thoại vào bên trong, đóng lại, và đặt thời gian khóa hộp. Người dùng sẽ chỉ lấy được chiếc điện thoại ra ngoài một khi thời gian khóa chiếc hộp kết thúc.
Cũng theo anh Liu, anh đã nhận được 800 yêu cầu từ khách hàng mỗi ngày. Mỗi tháng, anh Liu bán được 2.000 chiếc hộp các loại trên nền tảng mua sắm trực tuyến Taobao, theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP).
Anh Liu nói thêm, phần lớn khách hàng là các sinh viên chuẩn bị tham gia kỳ thi Đại học hoặc sắp thi chuyển cấp, nhưng cũng có người ngoài 30, 40 tuổi hoặc thậm chí già hơn.
“Một khách hàng đã gửi lời cảm ơn tới tôi, bởi cô ấy có thể ngủ ngon hơn và sâu giấc hơn sau khi sử dụng chiếc hộp khóa điện thoại”, anh Liu chia sẻ.
Đáng nói, một số khách hàng còn đặt hàng theo yêu cầu. Cụ thể, họ muốn tự thiết kế một chiếc hộp mà trên đó có in những dòng chữ cổ vũ tinh thần để cai nghiện điện thoại, anh Liu cho biết.
Ngoài sử dụng hộp khóa điện thoại, "người nghiện” còn sử dụng nhiều biện pháp khác để giới hạn tối đa thời gian nhìn vào màn hình. Ngay cả các công ty sản xuất điện thoại di động cũng được hưởng lời từ xu hướng muốn cai nghiện điện thoại.
Cụ thể, BlackBerry và các dòng điện thoại đời cũ vốn bị giới hạn khả năng cập nhập các ứng dụng hiện đại, bất ngờ được nhiều khách hàng tìm kiếm trên hành trình cai nghiện.
Cô Bi Andi (29 tuổi) đã mua chiếc điện thoại BlackBerry 9000 được sản xuất lần đầu tiên vào năm 2008 với giá gần 400 nhân dân tệ (63 USD) để thay thế cho chiếc iPhone 4S đời 2015 của mình, khi cô chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp.
“Tôi còn chi 800 nhân dân tệ (127 USD), tương đương 3/4 chi phí sống hàng tháng, để thuê một khoang trong phòng tự học. Tôi không muốn mình bị giam cả ngày với chiếc điện thoại di động”, cô Bi nhớ lại.
Trên thực tế, do điện thoại di động đã trở thành vật bất ly thân với nhiều người dân Trung Quốc, nên chuyện cai nghiện hoàn toàn là không hề dễ dàng.
“Phương pháp truyền thống để cai nghiện điện thoại không có tác dụng đối với tôi, bởi tôi vẫn cần sử dụng một vài ứng dụng phục vụ công việc và cuộc sống hàng ngày như các ứng dụng đặt đồ ăn, hay ứng dụng truyền thông. Chiến lược từ bỏ điện thoại hiện ngày càng phổ biến trong giới sinh viên”, cô Bi cho biết.
Bản nghiên cứu mang tên "Blue Book of Beijing Social Mentality" của viện SSAP tại Trung Quốc công bố năm 2020 cho thấy, đàn ông sinh sống ở thủ đô Bắc Kinh có xu hướng nghiện điện thoại di động nhiều hơn so với phụ nữ.
Các nhà nghiên cứu nhận định chứng nghiện điện thoại di động thậm chí còn gây căng thẳng cho người dùng. Trong trường hợp xấu nhất, những người nghiện nặng sẽ có cảm giác bồn chồn lo lắng hoặc thậm chí bị trầm cảm, nếu không được cầm điện thoại trên tay.
Trung Quốc: Mất việc ngoài 35 tuổi là chỉ có thất nghiệp
Nhiều lao động ngoài 35 tuổi ở Trung Quốc gặp vô vàn khó khăn khi đi xin công việc mới do trở ngại về tuổi tác.
Minh Thu (lược dịch)