Văn học-nghệ thuật góp phần tuyên truyền về y tế hiệu quả
Tại Hội thảo Phát huy vai trò của Thông tin & Truyền thông chăm trong chăm sóc sức khỏe nhân dân do Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Y tế tổ chức mới đây tại Hà Nội, Đại tá, nhà văn Mai Nam Thắng cho rằng: Ngày nay dẫu các phương tiện truyền thông bùng nổ như bão táp và các phương tiện nghe nhìn có thể mang cả thế giới đến tận giường ngủ của mỗi người, thì công tác tuyên truyền nói chung và truyền thông về y tế nói riêng, phương pháp tác động trực tiếp giữa người tuyên truyền với các đối tượng được tuyên truyền vẫn là biệp pháp hữu hiệu và cần thiết hơn cả. Bởi trong lĩnh vực này thì đối tượng cần được tuyên truyền là những người ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu… xa các trung tâm văn hóa, thiếu thông tin, dân trí thấp, còn nhiều tập tục lạc hậu… Mà thông thường ở đâu thì các loại đối tượng này cũng chiếm số đông.
Và có thể nói rằng: Tuyên truyền y tế bằng văn học nghệ thuật (VHNT) là một lối đi nhanh chóng, dễ hiểu, dễ nhớ và tạo ấn tượng sâu sắc cho người tiếp nhận. Về điều này, có thể tìm thấy trong kho tàng văn học dân gian của cha ông chúng ta vô vàn ví dụ; trong đó những câu tục ngữ, ca dao, dân ca… nói về kinh nghiệm phòng bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe con người… hết sức phong phú và được lưu truyền hết thế hệ này đến thế hệ khác. Đó là: Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm; Khôn đâu trẻ, khỏe đâu già; Một nụ cười, mười thang thuốc; Đói thì rau, đau thì thuốc; Đói thì rau mưng rau má/ Đừng ăn bậy bạ rước họa vào thân; Ăn được ngủ được là tiên/ Không ăn không ngủ là tiền vứt đi; Cơm là vị thuốc nuôi thân/Ăn đúng giờ giấc cân bằng dẻo dai…
Chỉ riêng về kinh nghiệm lối sống lành mạnh, nhân văn để kéo dài tuổi xuân, cha ông ta cũng có biết bao lời dạy chí lý cho hậu thế bằng ca dao, tục ngữ. Ai cũng biết muốn sống lâu, sống vui, sống khỏe thì phải biết tri túc, nghĩa là biết đủ ấy là đủ thì sống an nhiên, thư thái; Phải biết quẳng gánh lo đi mà vui sống, vì lo nghĩ, buồn phiền làm cho tâm thần rã rượi, sức khoẻ sa sút; Phải có Từ , Bi , Hỉ, Xả, giúp đỡ và tha thứ cho người thì tâm ta mới không vướng bận oán hờn v.v…
Đại tá, nhà văn Mai Nam Thắng cũng khẳng định: Cổ nhân dạy “Bệnh vào đằng miệng”, ý rằng tất cả bệnh tật đều do sự ăn uống kém vệ sinh, phản khoa học gây nên. Vậy nên mới có một bài vè hiện đại dạy người ta về sự ăn uống, có những câu như sau:
Ăn ít nhiều bữa bạn ơi
Là tăng tuổi thọ là lời khuyên răn
Ăn trộn nhiều loại thức ăn
Nhu cầu cơ thể rất cần bổ sung
Ăn chậm nhai kỹ nhiều lần
Tăng sức giảm béo rất cần cho ta
Ăn nhạt là điều rất nên
Giảm muối, đường, mỡ để thêm khoẻ người …
Có lẽ tác dụng của VHNT trong truyền thông y tế là không phải bàn cãi nhiều nữa. Vấn đề là cần có những giải pháp thiết thực như thế nào để phát huy những lợi thế này của VHNT trong sự nghiệp chăm sóc y tế toàn dân, trong điều kiện bùng nổ thông tin và toàn cầu hóa hiện nay. Vì vậy, Đại tá, nhà văn Mai Nam Thắng đã đề xuất Ngành chủ quản nên có một dự án sưu tầm và biên soạn một tuyển tập về những câu tục ngữ, thành ngữ, ca dao, dân ca, chuyện kể… về kinh nghiệm rèn luyện thân thể, phòng và chữa bệnh, chăm sóc bồi dưỡng sức khỏe… trong kho tàng văn hóa dân gian cũng như cả trong thời hiện đại. Sau đó có thể in thành sách, vẽ thành tranh, xây dựng các phim tài liệu hoặc video clip, ghi âm vào băng dĩa… để làm các tài liệu nghiên cứu, khảo cứu và tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng. Ngành Y tế, Thông tin-Truyền thông cũng nên chủ động phối hợp với ngành văn hóa, nhất là Hội Văn học nghệ các cấp, tổ chức những cuộc vận động sáng tác Văn học nghệ thuật về y tế cộng đồng, chăm sóc sức khỏe toàn dân. Các hội thi, hội thao về truyền thông giáo dục y tế, cũng cần sân khấu hóa cho sinh động...
Qua vài dẫn giải cũng như dẫn chứng trên đây, cho thấy rằng tiềm năng về Văn học nghệ thuật trong nội bộ ngành y tế là rất lớn. Tiềm năng ấy nếu được khơi dậy, được khuyến khích ủng hộ, lại đươc sự cộng tác của đồng nghiệp ở các ngành và sự hưởng ứng của toàn xã hội, thì chắc chắn công tác truyền thông y tế sẽ có những chuyển biến mới về chất lượng nội dung cũng như hình thức.