Vắc-xin Covid-19 Nga mới cấp phép bị nghi ngờ độ an toàn
Việc Nga cấp phép sử dụng “Sputnik V” chỉ sau chưa đầy 2 tháng thử nghiệm trên người khiến nhiều chuyên gia lo ngại về mức độ an toàn của loại vắc-xin phòng Covid-19 này.
Sau chưa đầy hai tháng thử nghiệm trên người, Bộ Y tế Nga đã cấp phép sử dụng vắc-xin phòng Covid-19 có tên “Sputnik V” vào ngày 11/8.
Dù Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh, “Sputnik V” trở thành vắc-xin phòng Covid-19 đầu tiên trên thế giới, nhưng vắc-xin này vẫn chưa hoàn thành giai đoạn thử nghiệm an toàn và hiệu quả cuối cùng hay còn gọi là giai đoạn thử nghiệm thứ 3.
Vắc-xin Covid-19 Nga mới cấp phép sau chưa đầy thử nghiêm trên người bị nghi ngờ về mức độ an toàn. (Ảnh: RDIF) |
Việc Nga quyết định cấp phép sử dụng “Sputnik V” đã khiến không ít chuyên gia bày tỏ sự nghi ngờ về tính hiệu quả của vắc-xin này. Bởi chỉ khoảng 10% thử nghiệm y tế là thành công. Do đó, một số chuyên gia cho rằng, Nga đang đặt nặng thanh thế quốc gia trên cả sự an toàn.
Vắc-xin phòng Covid-19 của Nga là sản phẩm hợp tác giữa Viện Nghiên cứu Gamaleya và Bộ Quốc phòng Nga. Chương trình thử nghiệm được bắt đầu vào ngày 18/6 trên 38 tình nguyện viên. Tất cả những người được tiêm đã tạo được hệ miễn dịch. Nhóm tình nguyện viên đầu tiên được ra viện vào ngày 15/7 và nhóm thứ hai là vào ngày 20/7.
Tuy nhiên, ông Putin và nhiều quan chức Nga lại khẳng định vắc-xin này hoàn toàn an toàn. Bởi theo nhà lãnh đạo Nga, ngay cả một trong hai cô con gái của ông đã tình nguyện tiêm thử vắc-xin và sức khỏe hoàn toàn tốt mà không có biến chứng. Bộ Y tế Nga cho biết, hiệu quả phòng Covid-19 sau khi tiêm vắc-xin “Sputnik V” là 2 năm.
“Tôi biết vắc-xin này hoạt động hoàn toàn hiệu quả, nó tạo ra hệ miễn dịch mạnh và tôi xin nói lại là nó đã trải qua tất cả các bước kiểm tra cần thiết”, Reuters dẫn lời ông Putin phát biểu trong cuộc họp chính phủ hôm 11/8.
Tập đoàn Sistema của Nga cũng bày tỏ hy vọng vắc-xin “Sputnik V” do Viện Nghiên cứu Gamaleya và Bộ Quốc phòng Nga cùng phát triển, sẽ được đưa vào sản xuất đại trà vào cuối năm nay.
Giới chức Nga cho biết thêm, các nhân viên y tế và giáo viên sẽ là những đối tượng đầu tiên được tiêm vắc-xin “Sputnik V” vào cuối tháng Tám hoặc đầu tháng Chín. Vắc-xin “Sputnik V” phục vụ tiêm cho người dân sẽ có thể bắt đầu từ tháng 1/2021. Liều tiêm của vắc-xin “Sputnik V” là hai mũi.
Nền tảng phát triển vắc-xin “Sputnik V” được các nhà khoa học Nga phát triển trong hơn 20 năm qua và từng được dùng để nghiên cứu một số loại vắc-xin trong quá khứ như vắc-xin Ebola.
Các quan chức Nga hy vọng nhờ tìm ra vắc-xin phòng Covid-19, nền kinh tế nước này sẽ nhanh chóng được hồi phục sau khoảng thời gian trì trệ vì dịch bệnh.
Ông Kirill Dmitriev, Giám đốc Quỹ Đầu tư Trực tiếp của Nga (RDIF) cho hay, Nga đã nhận được đơn đặt hàng mua vắc-xin Covid-19 từ hơn 20 quốc gia trên thế giới với số lượng lên tới 1 tỷ liều. Cũng theo ông Dmitriev, khả năng vắc-xin “Sputnik V” sẽ được sản xuất tại Brazil.
Ông Dmitriev nói thêm, giai đoạn thử nghiệm y tế cũng sẽ sớm được triển khai ở Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Philippines. Ngay cả Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố ông sẵn sàng tiên phong tiêm thử nghiệm vắc-xin Covid-19 của Nga.
Giai đoạn thử nghiệm thứ 3 chưa hoàn thành
Việc Bộ Y tế Nga cấp phép lưu hành vắc-xin “Sputnik V” diễn ra trước cả khi bắt đầu giai đoạn thử nghiệm quy mô lớn với sự tham gia của hàng ngàn người hay còn gọi là giai đoạn thử nghiệm thứ 3.
Giai đoạn thử nghiệm thứ 3 với số lượng lớn tình nguyện viên tham gia sẽ giúp các nhà khoa học đánh giá được mức độ hiệu quả của vắc-xin phòng và được xem là quy định bắt buộc đối với một loại vắc-xin trước khi được cấp phép lưu hành.
Trong tuần này, Hiệp hội các tổ chức thử nghiệm lâm sàng (ACTO) tại Moscow cũng đã hối thúc Bộ Y tế Nga hoãn cấp phép cho vắc-xin Covid-19 cho tới khi giai đoạn thử nghiệm thứ 3 diễn ra hoàn toàn thành cong.
Trong bức thư gửi tới Bộ Y tế Nga, ACTO nhấn mạnh những nguy cơ cao liên quan tới việc cấp phép cho một loại vắc-xin trước khi hoàn thành giai đoạn 3 thử nghiệm.
“Trong giai đoạn thứ 3, bằng chứng quan trọng về hiệu quả của vắc-xin được thu thập cũng như thông tin về những tác dụng phụ có thể xảy ra đối với một nhóm bệnh nhân như những người có hệ miễn dịch kém, những người có bệnh đi kèm”, ACTO cho biết.
Một số chuyên gia quốc tế cũng đặt câu hỏi nghi ngờ về việc Nga đẩy nhanh thời gian cấp phép lưu hành vắc-xin “Sputnik V”.
“Thông thường cần có số lượng lớn người thử nghiệm trước khi được cấp phép sử dụng vắc-xin. Do đó, tôi nghĩ thật là hấp tấp khi cấp phép dùng vắc-xin khi chưa có nhiều người tham gia thử nghiệm”, ông Peter Kremsner từ Đại học Y ở Tuebingen, Đức, nơi cũng đang thử nghiệm vắc-xin Covid-19 có tên CureVac.
Ngay cả quan chức các bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ là Tiến sĩ Anthony Fauci cũng nhấn mạnh, ông chưa nghe được bất cứ bằng chứng nào cho thấy vắc-xin Covid-19 của Nga đã sẵn sàng cho sử dụng rộng rãi.
“Tôi hy vọng rằng, người Nga thực tế đã chứng minh được vắc-xin an toàn và hiệu quả. Nhưng tôi lại hoàn toàn nghi ngờ về việc họ đã làm được chuyện này”, ông Fauci, một thành viên trong nhóm đối phó dịch Covid-19 của Nhà Trắng, cho hay.
Sau thông tin Nga công bố cấp phép sử dụng vắc-xin “Sputnik V”, Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar cũng nhấn mạnh, an toàn là quan trọng nhất và giai đoạn thử nghiệm cuối chính là chìa khóa. Cũng theo ông Azar, Mỹ vẫn đang nghiên cứu loại vắc-xin phòng Covid-19 hiệu quả cho tới cuối năm nay và 6 loại vắc-xin tiềm năng vẫn đang được phát triển.
“Điểm mấu chốt là không phải có vắc-xin phòng bệnh đầu tiên. Quan trọng là có một vắc-xin an toàn và hiệu quả”, ông Azar chia sẻ với ABC News.
Theo dữ liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thế giới hiện có hơn 100 vắc-xin Covid-19 đang được phát triển. Ít nhất 4 loại vắc-xin trong số này đang tiến hành giai đoạn thứ 3 thử nghiệm trên người.
Nga xác nhận nước này có hơn 897.000 người mắc Covid-19 với số người tử vong là trên 15.000. Hơn 703.000 người đã phục hồi sau khi được điều trị Covid-19 tại Nga.
Trên toàn thế giới, số người mắc Covid-19 là hơn 19,9 triệu và số ca tử vong đã vượt 732.000. WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu vào ngày 11/3.
Con gái Tổng thống Putin tiêm vắc-xin Covid-19 do Nga sản xuất
Tổng thống Vladimir Putin cho biết, một trong hai cô con gái của ông đã tiêm vắc-xin Covid-19 do Nga sản xuất.
Minh Thu (lược dịch)