Uống rượu bia khi tham gia giao thông 'không hại mình thì cũng hại người'
Theo thông tin từ Cục CSGT – Bộ Công an, tính từ đầu tháng 12/2022 đến nay, trên địa bàn toàn quốc liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông do người điều khiển ô tô vi phạm nồng độ cồn, làm nhiều người thương vong.
Theo đó, vào chiều 16/12, tại đường Quảng Nam (Hòa Quý, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), tài xế Trương Vạn Nhật (SN 1995, trú tại Duy Xuyên, Quảng Nam) điều khiển ô tô mang BKS: 43C- 256.30 đã gây tai nạn làm 3 người chết, nguyên nhân cũng từ say xỉn lái xe.
Khi cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra nồng độ cồn với lái xe gây tai nạn là Trương Vạn Nhật thì người này vi phạm ở mức 1,288 mg/L khí thở, cao gấp 3,22 lần mức vi phạm tối đa được quy định tại Nghị định 100/NĐ-CP.
Còn vào đêm 15/12, trên phố Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội - tài xế điều khiển ô tô mang BKS 30E- 927.58 đã đâm vào 2 xe máy trên. Người điều khiển xe ô tô cũng trong tình trạng đã sử dụng rượu bia, vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,46 mg/L khí thở.
Chưa dừng lại ở đó, vào tối 10/12, tại phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội - tài xế điều khiển xe ô tô mang BKS: 30G- 111.52 đã đâm liên hoàn vào 10 xe máy, trong đó có 4 xe hư hỏng nặng, khiến 4 người bị thương.
Tiếp đó, vào tối 8/12, tại nút giao Lê Văn Lương- Hoàng Ngân (quận Cầu Giấy, Hà Nội), nữ tài xế điều khiến ô tô mang BKS: 30G- 766.06 đã đâm vào 4 người đi bộ tại đây. Kết quả kiểm tra nồng độ cồn xác định, nữ tài xế này vi phạm gấp 1,4 lần mức vi phạm cao nhất được quy định tại Nghị định 100/NĐ-CP.
Còn trước đó, vào tháng 6/2022, vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do tài xế Nguyễn Đức Thịnh gây ra tại Bắc Giang, làm 3 người trong một gia đình tử vong. Việc tài xế này vi phạm nồng độ cồn 0,604 mg/ L khí thở được chia sẻ, lên án trên nhiều diễn đàn.
Nhưng, sau hàng loạt những vụ tai nạn giao thông làm chết người rất ám ảnh, dù đủ chuyện tài xế nói lời xám hối, ăn năn, ân hận, những bài đọc đắt giá đó có vẻ vẫn chưa đủ thức tỉnh tình trạng "ma men".
CSGT xử lý “ma men” không có trường hợp ngoại lệ
Cũng theo thông tin từ Cục CSGT – Bộ Công, bắt đầu từ tối 14/12, 15 tổ Cảnh sát 141 (Công an TP Hà Nội) và 29 Đội CSGT – Trật tự của Công an các quận, huyện, thị xã đã đồng loạt ra quân xử lý vi phạm nồng độ cồn với phương châm “kiên quyết xử lý, không có ngoại lệ, không có vùng cấm”.
Công an Thành phố đã triển khai nhiều phương thức để phát hiện, xử lý triệt để vi phạm liên quan đến nồng độ cồn như lập chốt trên các tuyến phố và kiểm tra nồng độ cồn lưu động trên đường...
Sau 3 ngày ra quân thực nhiệm vụ, cơ quan Công an TP Hà Nội đã phát hiện, xử lý 234 trường hợp tài xế vi phạm nồng độ cồn. Trong đó, có nhiều tài xế vi phạm ở mức rất cao.
Điển hình là vào tối 16/12, tại ngã tư Lý Thường Kiệt - Quán Sứ (Hoàn Kiếm, Hà Nội), tổ công tác của Đội CSGT số 1 đã phát hiện tài xế N.Đ.H. (SN 1963: ở Lạng Sơn) điều khiển ô tô mang BKS; 29A- 701.XX, vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,417 mg/L khí thở.
Còn vào tối 15/12, Đội CSGT số 6 – Phòng CSGT – Công an TP Hà Nội phát hiện hàng loạt tài xế ô tô vi phạm nồng độ cồn. Khi vi phạm, nhiều tài xế đã tìm cách gọi “người thân” để xin bỏ qua vi phạm nhưng vẫn bị tổ CSGT cương quyết lập biên bản.
Anh Đào Văn Cảnh (42 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Tôi rất đồng tình với việc cảnh sát giao thông lập chốt xử lý “ma men” khi tham gia giao thông. Quan điểm của tôi đã uống rượu bia, dù ít dù nhiều cũng không nên điều khiển phương tiện giam gia giao thông. Vì khi uống rượu, bia tham gia giao thông không hại người thì cũng hại mình…”.
Ngoài ra, anh Cảnh cũng chia sẻ: “Vào dịp cuối năm, theo tôi lực lượng CSGT cần lập chốt xử lý các “ma men” 24/24, để giảm thiểu tại nạn cho người dân. Vì vào dịp này, nhiều nơi, nhiều đơn vị thường liên hoan tổng kết, tất niên… nếu lực lượng chức năng không ra quân đồng bộ thì tai nạn sẽ tăng”.
Theo thống kê của Cục CSGT, trong hai tuần triển khai cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện, xử lý 20 nghìn trường hợp tài xế vi phạm nồng độ cồn.
Đây là con số đáng báo động khi các vụ tai nạn có liên quan đến nồng độ cồn liên tiếp xảy ra. Vi phạm nồng độ cồn là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các hành vi đi sai phần đường, làn đường, vi phạm tốc độ, không giữ khoảng cách an toàn... gây ra những vụ TNGT liên hoàn, TNGT gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Cũng theo Cục CSGT, lãnh đạo Bộ Công an đã có chỉ đạo lực lượng CSGT toàn quốc kiên quyết tập trung xử lý mạnh vi phạm nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Đối với cán bộ, đảng viên vi phạm nồng độ cồn, lực lượng CSGT sẽ xác minh, làm rõ, ngoài việc xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật, CSGT sẽ trao đổi với các cơ sở Đảng và các cơ quan, đơn vị cá nhân đó sinh hoạt, công tác để có các hình thức xử lý Đảng viên, cán bộ công chức, viên chức theo quy định.
Sông Yên