Ước mơ 3 đời của gia đình sống trong 'căn nhà' hơn 10m2 trên sông Lam
Cuộc sống bấp bênh, tạm bợ trên sông
Xóm vạn chài trên dòng Lam, đoạn qua xã Xuân Lam, huyện Hưng Nguyên, nằm dưới chân cầu sắt Yên Xuân nối liền 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Nơi đây có 13 hộ dân, với trên 60 nhân khẩu dùng thuyền làm phương tiện mưu sinh, đồng thời cũng là nhà để tá túc.
Khoang thuyền chật chội chưa đầy 10m2 là nơi ăn ở của 8 thành viên gia đình anh Phạm Ngọc Hiệp (SN 1985, trú xóm 2, xã Xuân Lam). Anh Hiệp theo cha mẹ làm nghề chài lưới từ nhỏ, cuộc sống nay đây mai đó. Sau khi xây dựng gia đình, vợ chồng anh ra ở riêng trên 1 chiếc thuyền.
Chia sẻ về cuộc sống mưu sinh trên sông nước, anh Hiệp kể, ngày xưa, cá tôm dễ kiếm, cuộc sống dân chài còn kiếm được cái ăn cái mặc. Bây giờ, thủy sản khan hiếm nên dân vạn chài đối mặt với muôn vàn khó khăn.
Tùy vào con nước, dân chài có khi đi cả chục cây số lên ngược sông Lam ở huyện Nam Đàn, Thanh Chương… mới may mắn bắt được cá to. Đi thuyền cả ngày cũng chỉ kiếm được 200 - 300.000 đồng, phải chi tiêu tằn tiện mới đủ lo cho mấy miệng ăn trong nhà.
Không chỉ đối mặt với khó khăn, vất vả mưu sinh, hàng chục người dân xóm vạn chài nơi đây còn vô cùng ám ảnh với những lúc mưa bão về.
“Trời yên gió lặng đã đành, mỗi lần bão về mà gặp giông lốc thì rất nguy hiểm, sóng gió có thể nhấn chìm cả nhà bất cứ lúc nào. Chúng tôi phải nép thuyền sát bờ hoặc lên bờ xin tá túc nhà người quen, mong vượt qua mùa mưa bão càng nhanh càng tốt”- anh Hiệp chia sẻ.
Ước mơ 3 đời có ngày an cư trên đất liền
Cạnh thuyền của anh Hiệp là thuyền của gia đình anh Phạm Ngọc Hoài (48 tuổi, trú xóm 2, xã Xuân Lam). Chiếc thuyền nhỏ được làm bằng xi măng, lợp mái tôn, chiều rộng 2m, chiều dài hơn 6m.
“Căn nhà” di động này đã gắn bó với các thành viên trong gia đình anh Hoài suốt nhiều năm. Mọi sinh hoạt thường ngày chỉ quanh quẩn trên diện tích nhỏ hẹp ấy.
Gia đình anh Hoài kiếm sống bằng nghề đánh bắt cá trên sông Lam. Đều đặn, cả nhà anh phải dậy từ 5h sáng để đánh cá.
“Đời ông bà tôi đã trôi nổi trên sông nước. Tôi có 3 người con (1 gái, 2 trai). Con gái đầu may mắn có công việc và lên bờ lấy chồng. Còn 2 cậu con trai học lớp 4 và lớp 7 đang sống trên thuyền cùng bố mẹ” - anh Hoài chia sẻ.
Sinh ra trên những con thuyền giữa bập bềnh sóng nước, những đứa trẻ làng chài phải theo cha mẹ ngược xuôi kiếm sống. Trước đây, người dân gần như chỉ biết được mặt chữ. Các thế hệ sau này đã có nhiều cố gắng vươn lên nhưng việc học rất hạn chế.
“Ở cái xóm vạn chài này, con em hầu hết chỉ học hết tiểu học, cấp 2 là nghỉ rồi” - anh Hoài bộc bạch.
Điều khiến anh Hoài lo lắng là đồng tiền kiếm được từ chài lưới ngày càng khó khăn, kinh tế không đủ trang trải, việc học hành của 2 con anh sẽ bị dang dở giữa chừng.
Bởi vậy, như tất cả những người đã gắn bó với sông nước gần nửa đời người, lên bờ là điều anh Hoài và gia đình 3 thế hệ luôn khát khao.
“Mong muốn lớn nhất của tôi là có mảnh đất nho nhỏ để an cư lạc nghiệp, con cháu sau này có nơi ăn, chốn ở và không còn phải lênh đênh trên sông nước như ông bà, bố mẹ” - người đàn ông trải lòng.
May mắn hơn gia đình anh Hoài, nhà chị Phạm Thị Hoa (42 tuổi) có 8 nhân khẩu nhưng không phải chen chúc nhau dưới thuyền. Gia đình chị được phép dựng nhà trên mép sông Lam để tá túc. Gọi là nhà nhưng cũng chỉ là tường xây thô sơ, phía trên lợp bằng mái tôn xập xệ.
Chị Hoa kể rằng, cách đây ít năm, bão đánh hỏng con thuyền mưu sinh của gia đình. Không còn chỗ tá túc, anh chị đành phải xin chính quyền xã cho dựng căn nhà này trên đất địa phương quản lý. Con thuyền cũ được gia đình sửa lại, đưa lên bờ dựng cạnh nhà. Mỗi lúc nước dâng, nhà bị ngập thì cả gia đình leo lên thuyền.
Lênh đênh trên thuyền, các hộ dân vạn chài cũng gặp nhiều rủi ro và tai nạn sông nước. Đặc biệt là trẻ em từ 3- 4 tuổi phải theo cha mẹ đi thuyền, chỉ cần bất cẩn là rơi xuống sông.
“Có gia đình mải lo làm ăn, bỏ lại con trong khoang thuyền, rất nguy hiểm. Bây giờ, chúng tôi chỉ mong mỏi được lên bờ để thoát khỏi cảnh sông nước”, chị Hoa tâm sự về khát vọng của gia đình.
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Văn Phận - Chủ tịch UBND xã Xuân Lam (huyện Hưng Nguyên) cho biết, chính quyền xã đã làm đề xuất thực hiện dự án tái định cư cho các hộ dân ở làng chài, nhưng dự án chưa được thực hiện.
“Chúng tôi đang di dời khoảng 100 hộ dân bị ảnh hưởng do sạt lở bên bờ sông Lam. Sắp tới nếu còn diện tích tái định cư thì sẽ cho rà soát các hộ dân sinh sống ở làng chài. Sau đó sẽ đề xuất huyện, tỉnh Nghệ An xem xét, có thể đưa các hộ dân làng chài vào dự án trên hay không” - ông Phận chia sẻ và bày tỏ mong muốn cấp trên vận dụng linh hoạt, giúp các hộ dân làng chài sớm được lên bờ định cư.