Chảy máu mũi 1 bên, nam bệnh nhân sững sờ vì mắc ung thư
Bệnh trẻ hóa
Mới đây, Trung tâm y học hạt nhân và ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, tiếp nhận khám một bệnh nhân nam 37 tuổi, xuất hiện triệu chứng chảy máu mũi bên trái, máu đỏ tươi, số lượng ít.
Bệnh nhân đến Trung tâm khám phát hiện ung thư. Kết quả soi tai mũi họng phát hiện tổn thương ở vùng vòm họng bên trái có khối dạng tổ chức Lympho, bề mặt có mủ. Kết quả sinh thiết tổn thương: Ung thư biểu mô không biệt hoá.
Bệnh nhân chia sẻ, trước đó anh có dấu hiệu như cảm cúm khi nghẹt bên mũi trái. Bệnh nhân nghĩ cảm cúm nên thường mua thuốc xịt mũi về xịt. Đến khi chảy máu mũi nên đi kiểm tra và bất ngờ với kết quả ung thư.
Trường hợp khác là bệnh nhân N.T.H. 32 tuổi, trú tại Phúc Thọ, Hà Nội làm công nhân tại Gia Lâm, Hà Nội cũng vào khám trong tình trạng chảy máu cam.
Chị H. cho biết chị đi làm may và trong 2 tuần gần đây liên tục chảy máu cam, chảy 1 bên. Ban đầu, chị H. xuống phòng y tế của phân xương để cầm máu một lúc là hết.
Khi về nhà, chị H. lại thấy tiếp tục chảy máu cam bên mũi trái. Chồng chị đưa ra một phòng khám gần nhà nội soi. Bác sĩ thấy trong vòm họng có u nên giới thiệu chị H. đến cơ sở y tế lớn hơn để tầm soát ung thư.
Tại BV Tai Mũi Họng Trung ương, bác sĩ chẩn đoán chị H. bị K vòm họng. Điều đặc biệt, chị H, cho biết khoảng 3 tháng nay chị hay bị ngạt mũi, mỗi lần khịt mũi chị H. cảm nhận mùi hôi từ vòm mũi nhưng không biết lý do.
Theo PGS.TS. BS Nguyễn Thị Hoài An - Nguyên Trưởng khoa Tai Mũi Họng trẻ em, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa An Việt, ung thư vòm họng là 1 trong 10 loại ung thư phổ biến nhất Việt Nam. Điều đặc biệt, 70% trường hợp phát hiện ở giai đoạn cuối.
Ung thư vòm họng thường 'vay mượn' các triệu chứng của bệnh lý hô hấp khác như ngạt mũi, ù tai… Nhiều bệnh nhân nhầm lẫn với các triệu chứng của cảm cúm như đau họng, khàn giọng, thay đổi giọng nói, ngạt một bên mũi, đau nửa đầu, ù một bên tai, có thể xuất hiện hạch cổ.
Một vài bệnh nhân có triệu chứng đau họng. Thông thường người bị ung thư vòm họng sẽ có hạch nổi một bên cổ với đường kính khoảng từ 2 – 8 cm. Đây là hạch di động và không có dấu hiệu viêm sưng sau một thời gian dịch chuyển.
Những cơn đau họng do ung thư thường không rõ nét và kéo dài cũng như tái phát liên tục. Hơn hết, cho dù đã được chữa trị nhưng các triệu chứng này cũng không thuyên giảm.
Ung thư vòm họng sống được bao lâu?
Hiện nay tình trạng ung thư vòm họng ở Việt Nam phát hiện khá muộn. Để khẳng định bệnh nhân ung thư vòm họng sống được bao lâu còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: Độ tuổi bệnh nhân; thể trạng người bệnh, giai đoạn tiến triển khối u, dự đoán mức độ đáp ứng điều trị bệnh.
Trong các yếu tố trên, ung thư vòm họng sống được bao lâu phụ thuộc rất nhiều đến giai đoạn tiến triển khối u. Phát hiện bệnh càng sớm, cơ hội điều trị thành công cũng như cơ hội sống cho bệnh nhân càng cao.
Ở giai đoạn I, khi khối u mới chỉ bắt đầu ở dây thanh âm với kích thước nhỏ, dưới 2.5 cm nhưng chưa lan đến các hạch bạch huyết và các cơ quan ở xa, bệnh nhân ung thư vòm họng có khoảng 72% cơ hội sống (trong 5 năm).
Ở giai đoạn II, khi khối u phát triển với kích thước lớn hơn, khoảng 5 – 6 cm nhưng vẫn giới hạn trong vòm họng, bệnh nhân có khoảng 64% cơ hội sống.
Giai đoạn III, khi tế bào ung thư phát triển xâm lấn ra bên ngoài vòm họng, bệnh nhân ung thư vòm họng có khoảng 62% cơ hội sống.
Ở giai đoạn tế bào ung thư di căn, lan rộng đến môi, miệng, lưỡi và các cơ quan ở xa, bệnh nhân ung thư vòm họng có khoảng 38% cơ hội sống.
PGS An khuyến cáo, tầm soát ung thư sớm nhất để phát hiện và ngăn chặn bệnh phát triển vào giai đoạn muộn. Khi có triệu chứng đau nửa đầu bạn nên đi kiểm tra ngay.
Nếu đau đầu cả hai bên thì không nguy hiểm nhưng đau nửa đầu thì cần sàng lọc. Ngoài ra, các triệu chứng đau tai, nghẹt mũi chỉ 1 bên cần lưu ý đây là dấu hiệu đáng ngờ của ung thư vòm họng.
Trong những năm gần đây nhờ có nội soi và tuyên truyền cho người dân về các bệnh lý tai mũi họng thì người dân đã biết về bệnh và bắt đầu đi tầm soát sớm hơn.
Nếu phát hiện ở giai đoạn sớm thì cơ hội điều trị của bệnh rất cao vì vậy từ 6 tháng tới 1 năm bạn nên soi vòm mũi họng 1 lần để phát hiện sớm ung thư vòm mũi họng. Ở giai đoạn sớm chữa khỏi hoàn toàn người bệnh có thể sống thêm 20 năm.
Để ngăn ngừa ung thư vòm họng, bác sĩ An cho biết, người dân cần can thiệp thói quen sinh hoạt làm sao để khoa học hơn như bỏ thuốc lá rượu bia, hạn chế ăn các thực phẩm có nấm mốc đặc biệt trong dưa muối, cà muối.
Không nên để đồ ăn lưu cữu khá lâu vì môi trường trong tủ lạnh vẫn hình thành nấm mốc gây ung thư vòm họng.
Ngoài ra, hạn chế hít các khí cabon như khí ở bếp than. Nam giới bỏ thuốc lá là tốt nhất vì hút thuốc lá là nguy cơ lớn nhất gây ung thư vòm họng ở nam giới.
Khánh Chi