Nam thanh niên thường xuyên đau nhức gối đi khám ra ung thư
Ngâm xương trong ni tơ lạnh
Các bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 đã cắt đoạn xương ung thư, xử lý và nối lại, sau đó ngâm xương trong Nitrogen (ni-tơ) lạnh để giữ đôi chân cho bệnh nhân.
Cách 2 tháng trước khi được phát hiện ung thư, một chiến sĩ (22 tuổi) thường xuyên bị đau nhức khớp gối, cơn đau nhiều hơn khi chơi thể thao, anh đến bệnh viện thăm khám.
Kết quả chụp X-quang chân ghi nhận nam bệnh nhân có một khối u xương lồi cầu ngoài xương đùi phải. Sau đó, anh được chuyển về Bệnh viện Quân y 175 điều trị.
Kết quả chụp CT scanner khớp gối phải phát hiện tổn thương xương lồi cầu ngoài. Kết quả sinh thiết xác định anh bị ung thư xương ác tính (sarcoma).
Bác sĩ Phạm Xuân Tuấn - Khoa phẫu thuật chi dưới (B1.B), Bệnh viện Quân y 175, TP.HCM cho biết, nếu bệnh phát hiện ở giai đoạn muộn, khối u lớn, phát triển không kiểm soát, không đáp ứng hóa trị, phương pháp chủ yếu là phẫu thuật đoạn chi. Trước một chàng trai tuổi còn quá trẻ, các bác sĩ đặt mục tiêu không chỉ cứu sống mà phải giúp anh thoát cảnh tật nguyền.
Sau 3 đợt hóa trị, bệnh nhân được phẫu thuật cắt bỏ khối u xương ác tính, nạo bỏ toàn bộ khối u. Phần xương vừa cắt ra được ngâm trong dung dịch Nitrogen bảo quản lạnh 20 phút. Tiếp tục rã đông trong nhiệt độ phòng 15 phút và rã đông trong nước cất 10 phút.
Êkip tiếp tục tái tạo lại lồi cầu ngoài bằng xương mào chậu kết hợp với xi măng. Xương sau khi tái chế được cấy ghép lại vào chân người bệnh. Các bác sĩ đã kết hợp xương bằng 2 nẹp vít, tái tạo lại dây chằng bằng chỉ siêu bền. Sau phẫu thuật, bệnh nhân tiếp tục phải hóa trị bổ trợ thêm 5 đợt. Đến nay, không ghi nhận biến chứng.
Sau 3 tháng phẫu thuật, người bệnh đã tự đi lại mà không cần dụng cụ hỗ trợ, khớp gối vận động gấp được 90 độ. Quan sát trên phim XQ thấy đang liền xương và không ghi nhận di căn, bác sĩ Phạm Xuân Tuấn cho hay.
Để bảo tồn chân cho bệnh nhân ung thư xương, êkip đã sử dụng kỹ thuật đơn giản đông cứng khối u xương bằng Nitrogen. Kỹ thuật tái chế xương bằng cách đông cứng khối u xương bằng Nitrogen bảo quản lạnh sau khi cắt bỏ, đã mang lại kết quả bước đầu khả quan, liền vết mổ kì đầu, không có tái phát tại chỗ sau mổ, không có di căn xa.
Dấu hiệu ung thư xương
Theo BSCK II. Hoàng Tuấn Anh, Phụ trách khoa Ngoại cơ xương khớp, Bệnh viện K Trung ương, ung thư xương là bệnh hiếm gặp trong các loại ung thư. Bệnh tiến triển từ từ, triệu chứng không rõ ràng nên người bệnh thường đến viện ở giai đoạn muộn. Bệnh hay gặp ở thanh thiếu niên từ 15-25 tuổi, chiều cao phát triển nhanh hơn trẻ cùng lứa. Nam gặp nhiều hơn nữ.
BS Tuấn Anh cho biết, triệu chứng điển hình của ung thư xương thường là đau nhẹ, cơn đau tăng dần liên tục thậm chí dùng thuốc giảm đau cũng không đỡ.
Dấu hiệu thứ hai của ung thư xương là nổi u cục ở xương, các u cục nhỏ tăng dần, sờ vào thấy ấm.
Dấu hiệu thứ 3 gây gãy xương bệnh lý, chỉ cần tác động nhỏ cũng làm cho xương bị gãy. Bệnh nhân có thể bị mất ngủ, chán ăn, mệt mỏi, thậm chí có sốt, sụt cân.
Những người có nguy cơ bị ung thư xương là có người thân trong gia đình mắc các hội chứng Li-Fraumeni, Rothmund-Thomson.
Người có bệnh lý bệnh Paget xương: do rối loạn tạo xương và hủy xương dẫn đến hình thành một tổ chức xương mới có cấu trúc bất thường, tiền sử phơi nhiễm phóng xạ.
Hiện nay, việc điều trị ung thư xương là đa mô thức kết hợp nhiều chuyên khoa: Chấn thương chỉnh hình, chẩn đoán hình ảnh, giải phẫu bệnh, điều trị hóa chất, xạ trị. Hiện nay điều trị ung thư xương đạt kết quả khả quan, tỉ lệ sống thêm 5 năm đạt 70%.
Ở người trẻ tuổi, chưa bước vào độ tuổi trung niên (thường trong khoảng 30 - 40 tuổi) xuất hiện các biểu hiện nhức mỏi tay chân, xương khớp yếu hay khi thực hiện các hoạt động ngoài trời cần đến thể trạng khỏe mạnh thì tay chân lại đau nhức, bị tê tại vùng khớp hoặc không dồn sức, dồn lực được cần đi khám xương ngay.
Để khám phát hiện ra ung thư xương, người bệnh nên đi khám chuyên khoa ung thư để phát hiện sớm ung thư xương.
K.Chi