Vì sao nam giới dễ mắc ung thư?
Theo TS.BSCKII. Lê Huy Hòa, Hội viên Hội ung thư học Hoa Kỳ, một số bệnh ung thư ở nam có tỷ lệ mắc cao hơn nữ như ung thư gan, ung thư phổi, ung thư đại trực tràng, ung thư dạ dày. Béo phì và thừa cân, ăn nhiều thực phẩm ướp muối, ăn ít trái cây, lạm dụng rượu bia, chất kích thích…. đang là yếu tố kích hoạt tế bào ung thư ở nam giới.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng những yếu tố lối sống vẫn đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng nguy cơ ung thư ở nam giới, nên cần duy trì một lối sống lành mạnh. Điển hình là với trường hợp ung thư bàng quang.
Theo Hiệp hội ung thư Mỹ, ung thư bàng quang phổ biến ở nam giới gấp 3 - 4 lần so với nữ giới ở quốc gia này. Vào năm 2021, có khoảng 64.280 trường hợp nam giới Mỹ mắc mới ung thư bàng quang trong khi ở nữ giới chỉ có khoảng 19.450.
Nghiên cứu của Viện Ung thư Dana-Farber thuộc ĐH Y khoa Washington, Hoa Kỳ, cho thấy nam giới mắc bệnh ung thư cao hơn phụ nữ. Tiên lượng và khả năng sống ở nam giới cũng tệ hơn so với phụ nữ ở một số dạng ung thư nhất định.
Nguyên nhân được chỉ ra là do quá trình tuần hoàn của hormone giới tính gây ra. Khám phá sự khác biệt giới tính trong sinh học tế bào là chìa khóa giúp phát triển các phương pháp điều trị ung mới hiệu quả hơn, khắc phục các nhược điểm của việc nghiên cứu và điều trị gộp hai giới lại.
Đặc biệt việc điều trị bệnh hiện nay đã được cá nhân hóa, tức điều trị theo từng cá thể, chứ không điều trị đại trà như hiện nay, nhất là đối với nhóm bệnh ung thư nan y, nguy hiểm.
Tại Việt Nam, tình trạng mắc bệnh ung thư ở nam giới cao hơn ở nữ giới. Đối với nam, cứ khoảng 100.000 dân thì có 17 người mắc bệnh, còn đối với nữ cứ 100.000 người sẽ có 13 người mắc bệnh.
Theo báo cáo tại Hội nghị Ung thư gan toàn quốc lần thứ 2 cho thấy có tới 82% người mắc ung thư gan là đàn ông, cao gần gấp 5 lần phụ nữ.
Cụ thể, khảo sát ung thư biểu mô tế bào gan tại Khoa U gan Bệnh viện Chợ Rẫy từ 2010 đến 2021, cho thấy, trong hơn 42.000 bệnh nhân mới, có 92% là từ 40 tuổi trở lên, phổ biến nhất trong lứa tuổi 50 đến 70. Căn nguyên chủ yếu gây bệnh là nhiễm virus viêm gan B, C mạn tính cùng với tình trạng lạm dụng rượu bia gây xơ gan.
Có 20 người nhập viện thì có 1 người bị ung thư gan do uống rượu nhiều. Thường những trường hợp mắc bệnh này nhập viện là những người trên độ tuổi 40 và bệnh đã di căn ở giai đoạn cuối. Bệnh nhân không thể điều trị tại chỗ hay phẫu thuật, chỉ có thể điều trị giảm nhẹ.
Bác sĩ Hòa lấy ví dụ như bệnh ung thư phổi là căn bệnh phổ biến thứ 2 ở nam giới. Đây là căn bệnh ung thư thường gặp nhiều nhất ở nam giới, chiếm 21,5% trong nhóm bệnh ung thư. Ung thư phổi là bệnh rất nguy hiểm và nguy cơ gây tử vong rất cao. Nguyên nhân lớn nhất khiến cho nam giới mắc căn bệnh này là do hút thuốc lá.
Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ mắc ung thư phổi, đó là khi tiếp xúc mãn tính với khói thuốc lá, ô nhiễm môi trường, khí độc, làm việc trong môi trường độc hại là nguyên nhân gây ra 85% đến 90% các chẩn đoán ung thư phổi. Vì vậy, để tránh mắc ung thư phổi cần phải tránh xa thuốc lá và từ bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt.
BS Hòa cho rằng việc tầm soát ung thư ở nam giới vô cùng quan trọng. Nhiều người còn rất ngại, e dè với việc đi tầm soát ung thư vì nghĩ mình khỏe. Thực tế, việc thăm khám định kỳ rất quan trọng. Hiện nay, bằng các phương pháp chẩn đoán hiện đại sẽ giúp cho bạn phát hiện rất dễ dàng các loại bệnh ung thư.
Nếu bệnh ung thư được phát hiện ở giai đoạn sớm, khi các tổn thương của ung thư rất nhỏ, nó sẽ giúp cho việc chữa trị đơn giản hơn. Giúp bệnh nhân tốn ít chi phí chữa bệnh, tăng được thời gian sống so với những bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn.
Khánh Chi