Ung thư đường tiêu hóa gia tăng: Bác sĩ cảnh báo cần thay đổi những gì?
BS Nguyễn Thị Lan - Chuyên khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết hiện nay số ca vào viện khám vì các dấu hiệu rối loạn tiêu hóa và khám ra ung thư đường tiêu hóa tăng nhanh.
Nhầm với rối loạn tiêu hóa
Đa số bệnh nhân đến khám bệnh lý đường tiêu hóa khi xuất hiện một trong các dấu hiệu rất mơ hồ, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác khiến người bệnh chủ quan. Song bằng các phương tiện thăm khám hiện đại giúp dễ dàng chẩn đoán chính xác các bệnh lý và ung thư dạ dày - đại trực tràng.
Nhiều năm nay, bệnh nhân L. L. A (50 tuổi, ở Bắc Ninh) thỉnh thoảng xuất hiện đau bụng vùng hạ vị quặn từng cơn sau khi ăn đồ lạ. Ngoài ra, chị A không có khó chịu gì khác như không nôn, không sốt, không gầy sụt cân. Đợt này, bệnh nhân thấy tần suất đau nhiều hơn nên đi khám, nội soi đại trực tràng phát hiện bị ung thư đại tràng ngang.
Trường hợp của bệnh nhân P.V.Đ (28 tuổi, ở Thanh Hóa) lại khác, có tiền sử hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng đợt này, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng ợ hơi, ợ chua, đầy bụng, ăn uống kém. Vì vậy, bệnh nhân tự ý mua thuốc dạ dày về uống, tình trạng bệnh có đỡ nhưng không khỏi hẳn. Khi nội soi dạ dày thì ngã ngửa vì phát hiện bị mắc ung thư dạ dày.
Thêm trường hợp của anh T.Đ.D (32 tuổi, ở Thái Bình) gần đây hay đau bụng, đi ngoài phân nhỏ dẹt, sụt cân. Khi bác sĩ cho nội soi đại trực tràng phát hiện ở đại tràng Sigma có tổn thương sùi loét lớn, bác sĩ nội soi nghĩ đến u ác tính nên sinh thiết tổn thương và cho làm mô bệnh học thì có kết luận khẳng định là ung thư tuyến biệt hóa.
Khi nhận được kết quả, anh D. thấy như sét đánh bên tai khi tuổi còn trẻ, con còn nhỏ dại mà đã bị mắc ung thư ở giai đoạn tiến triển. Giá như anh phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm hơn thì mọi chuyện đã khác.
BS Lan cho biết ung thư đường tiêu hóa là một trong những loại ung thư hay gặp và bệnh có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Bệnh có tiên lượng tốt nếu phát hiện ở giai đoạn sớm hoặc các tổn thương tiền ung thư.
Gia tăng ung thư đường tiêu hóa: Bác sĩ cảnh báo cần thay đổi những gì? |
Theo đó, cơ hội sống cho bệnh nhân có thể kéo dài trên 10 năm trở lên, thậm chí là khỏi bệnh, nhưng nếu phát hiện muộn thì khả năng điều trị ít hiệu quả, tốn kém kinh phí và đau đớn cho bệnh nhân.
Do thường không có triệu chứng đặc biệt ở giai đoạn sớm nên tầm soát định kỳ là việc làm khoa học giúp phát hiện sớm các bất thường.
Ai cần sàng lọc ung thư?
Theo BS Lan, thông thường khi đi kiểm tra các bệnh đường tiêu hóa nói chung, ung thư dạ dày và đại trực tràng nói riêng, bệnh nhân được bác sĩ khám và chỉ định làm những phương pháp như khám lâm sàng, nội soi, chụp CT, MRI, xét nghiệm truy tìm dấu ấn của ung thư.
Bằng kinh nghiệm trực tiếp thăm khám và chẩn đoán bệnh chính xác cho hàng ngàn ca, bác sĩ Lan khuyến cáo người dân nên làm ngay những điều sau để phòng tránh nguy cơ mắc ung thư:
Mọi người cần thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học như tăng cường ăn nhiều rau xanh, trái cây, giảm chất béo. Hạn chế đồ chua cay nóng, chất kích thích, chiên rán nướng, đồ ăn công nghiệp, rượu bia. Bỏ thuốc lá, xây dựng lối sống lành mạnh, tập thể dục đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày.
Cần đi khám ngay nếu xuất hiện các biểu hiện bất thường như: Chán ăn, đầy bụng, sụt cân không rõ nguyên nhân, đại tiện phân nhỏ dẹt, phân máu, táo bón hoặc tiêu chảy.
Tầm soát ung thư đường tiêu hóa (dạ dày, đại trực tràng) định kỳ ở các cơ sở y tế uy tín, ngay cả khi cơ thể không xuất hiện các dấu hiệu nói trên. Đặc biệt, lưu ý là những người thuộc nhóm có nguy cơ cao như: người trên 45 tuổi; cá nhân hoặc người thân trong gia đình có tiền sử bệnh lý liên quan đến đường ruột, polyp đại trực tràng, ung thư đại trực tràng, ung thư dạ dày, … Những người thường xuyên bị táo bón, đại tiện ra máu không rõ nguyên nhân; người có lối sống ăn uống không lành mạnh, thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia, …
Người có các bệnh liên quan đến tổn thương đường tiêu hóa: Viêm teo niêm mạc dạ dày, viêm loét đại trực tràng, bệnh Crohn.
Khánh Chi