Ứng dụng thiết bị bay không người lái trong tác chiến quân sự
Thiết bị bay không người lái MICRODRONE MD4-1000.
Mới đây, Thượng tá, TS Lê Đại Ngọc và cộng sự của Cục Bản đồ (Bộ Tổng tham mưu) vừa hoàn thành đề tài nghiên cứu Ứng dụng thiết bị bay không người lái MICRODRONE MD4-1000 trong thành lập bản đồ 3D độ chính xác cao, phục vụ tốt cho hoạt động tác chiến quân sự.
Thiết bị bay MD4-1000 là phiên bản MICRODRONE kế tiếp sau của MD4-200 và có nhiều tiện ích trong cả hoạt động dân sự lẫn quân sự. Trong hoạt động quân sự, quốc phòng và an ninh, thiết bị bay này có thể chụp ảnh trinh sát địa hình; giám sát các hoạt động trong diễn tập, hành quân và huấn luyện… hoặc có thể theo dõi diễn biến các cuộc bạo loạn, các vụ tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông từ trên cao…
|
Thông số kỹ thuật của thiết bị bay không người lái MICRODRONE MD4-1000. |
Thân vỏ của thiết bị bay loại nhỏ này được thiết kế bằng sợi các-bon có độ bền cao. Thiết bị bay bao gồm: Bộ điều khiển bay, điều khiển dẫn đường, điều khiển vào ra IO, bộ GPS/IMU, từ kế 3D. Thiết bị bay hoạt động trên không được nhờ 4 mô tơ cánh quạt, mỗi mô tơ có công suất 250W.
Hệ thống bay chụp ảnh không người lái MD4-1000 được thiết kế hoàn toàn tự động bằng thiết bị dẫn đường vệ tinh GPS và có gắn máy ảnh phổ thông Olympus EP với chế độ chụp tự động. Trong quá trình bay chụp ảnh theo tuyến, MD4-1000 có thể tự động hiệu chỉnh vị trí cân bằng nhờ thiết bị con quay hồi chuyển để thu nhận những tấm ảnh luôn ở vị trí nằm ngang (góc an-pha < 30).
Như vậy, hệ thống thiết bị bay không người lái MD4-1000 đã mở ra cơ hội lớn cho ngành địa hình quân sự trong việc ứng dụng thu thập hình ảnh chất lượng cao phục vụ tốt hơn cho công tác bảo đảm yếu tố địa hình và thông tin địa lý trong chỉ huy, tác chiến và huấn luyện. Với khả năng bay khá ổn định ở độ cao thấp, dưới các đám mây, cho phép chụp ảnh màu với độ phân giải siêu cao (cỡ vài cm), trên phạm vi diện tích trung bình khoảng 10ha.
Theo Thượng tá, TS Lê Đại Ngọc, ngoài ưu điểm chính trên, hệ thống thiết bị bay MD4-1000 còn có các ưu điểm là an toàn khi bay, dễ dàng điều kiển, thời gian huấn luyện ngắn; tháo lắp, bảo trì, bảo dưỡng đơn giản; tiện lợi khi di chuyển; tiếng ồn động cơ nhỏ (dưới 63dB ở cự ly 3m); chụp ảnh đúng tiêu chuẩn thành lập bản đồ và tương thích với các phần mềm đo vẽ chuyên dùng như Intergraph, Strabo… trong thành lập bản đồ 3D độ chính xác cao. Tuy nhiên, cũng theo TS Lê Đại Ngọc, thời gian bay chụp thông thường của thiết bị này rất ngắn, không quá 30 phút đã phải thay pin; đồng thời trong quá trình chụp ảnh, cần phải bố trí nhiều điểm khống chế ảnh do thiết bị GPS/IMU gắn trên MD4-1000 xác định tọa độ tâm ảnh có độ chính xác thấp. Đây chính là những hạn chế lớn nhất của thiết bị.
Theo các nhà khoa học Cục Bản đồ (Bộ Tổng tham mưu), thành công của nghiên cứu trên sẽ mở ra triển vọng lớn cho việc theo dõi, kiểm tra chính xác các hoạt động quân sự diễn ra ngoài trời, nơi có không gian rộng, khó cơ động đến tận nơi để quan sát, đăc biệt là các hoạt động có khả năng mất an toàn cao như huấn luyện, diễn tập...
Bài và ảnh: MẠNH THẮNG