Ukraine - Vùng đất bị chia rẽ "từ trong trứng"
Trong suốt thế kỉ 19 bị chia rẽ bởi ngôn ngữ và tôn giáo, Ukraine mà chúng ta biết ngày nay là “sản phẩm” bắt nguồn từ Chiến tranh thế giới I.
Người biểu tình Ukraine ở thủ đô Kiev. |
Trước Chiến tranh thế giới I đã xuất hiện một phong trào dân tộc ở Ukraine. Tuy nhiên, phong trào này chỉ bó hẹp ở các tầng lớp trí thức với mục tiêu thúc đẩy ngôn ngữ Ukraine trong các trường học và công chúng thông qua báo chí và sách viết bằng ngôn ngữ này.
Cuối cùng các nhà dân tộc chủ nghĩa đã đưa phong trào lên mức cao hơn với lời kêu gọi cải cách đất đai bênh cạnh những yêu cầu sử dụng ngôn ngữ dân tộc và nhân quyền, giúp người Ukraine có thể tiếp cận đầy đủ các trường học, tòa án và quyền lợi chính trị. Tuy nhiên, phong trào dân tộc nở rộ vào năm 1917 này đã không thể duy trì trước sự "mở rộng" của Nga.
Sau đó phong trào này nhanh chóng lệ thuộc vào sự trợ giúp của các đế quốc bên ngoài gồm Đức và Áo. Hai quốc gia Tây Âu này giúp phong trào dân tộc Ukraine duy trì nền độc lập với mục tiêu kiểm soát quốc gia non trẻ, yếu ớt và lợi dụng Ukraine cho cuộc chiến chống lại Nga.
Ukraine giành được độc lập từ Nga nhờ Hòa ước Brest-Litovsk năm 1918, tuy nhiên đó là một nền độc lập “đói ăn” do Ukraine lại lệ thuộc nặng nề vào sự bảo hộ về an ninh của Đức đồng thời trở thành “con rối” của nước này.
Sau khi quân Đức rút khỏi Ukraine vào cuối Chiến tranh thế giới I, Ukraine trở thành quốc gia bị “xâu xé” bởi các lực lượng Ba Lan, các lực lượng Bạch vệ do phương Tây hậu thuẫn, các nhóm nông dân vô chính phủ và Hồng quân Liên Xô. So với các lực lượng trên, phong trào dân tộc của Ukraine yếu thế hơn cả.
Năm 1921, Ukraine bị buộc phải "quay trở về" với nước Nga. Sau Hiệp ước Riga giữa Liên Xô và Ba Lan, Ukraine mất hoàn toàn nền độc lập và bị “giành giật” giữa Liên Xô và Ba Lan.
Nhìn chung, Ukraine là quốc gia bị chia rẽ giữa hai lực lượng. Ở một bên là những người yêu thích các giá trị và lí tưởng của châu Âu – chủ yếu là tầng lớp thanh niên nói tiếng Ukraine ở các vùng miền tây và miền trung. Bên kia là những người già hơn nói tiếng Nga ở các vùng phía đông mong muốn duy trì mối quan hệ cũ với nước Nga.
Tháng 11/2013, Viện Xã hội học quốc tế Kiev tiến hành một cuộc điều tra ý kiến người dân về sự lựa chọn giữa liên minh Ukraine - Nga hay liên minh Ukraine - EU. Kết quả là về liên minh Ukraine - Nga, các vùng phía đông có tỉ lệ ủng hộ cao nhất (với 64%), tiếp đến là miền trung (29%) và thấp nhất là tây Ukraine (16%). Ngược lại, khi được hỏi về việc Ukraine có nên gia nhập EU hay không, tỉ lệ ủng hộ ở tây Ukraine là 66%, miền trung là 43% và 18% ở phía đông.
Tuy nhiên, ước mơ gia nhập EU cũng không hề đơn giản đối với Ukraine. Để trở thành một thành viên của EU, trước hết, Ukraine phải tiến hành các cải cách về chính trị. Bấy lâu nay, Ukraine được lãnh đạo bởi các chính trị gia tham nhũng. Nhưng cải cách chính trị cũng chưa đủ, EU sẽ không cấp chế độ đi lại tự do cho người Ukraine, chưa nói tới chiếc “vé” là thành viên EU cho quốc gia này. Ukraine quá lớn và quá nghèo nên khó để được EU tiếp nhận.
Những người Ukraine phải đối liên minh với EU cũng có cơ sở khi cho rằng châu Âu chỉ nghĩ tới lợi ích riêng của mình khi ủng hộ những người biểu tình ở Kiev.
Theo tác giả Figes, dù Ukraine có bị chia rẽ ra sao về vấn đề liên minh với Nga hay EU, quốc gia này cũng nên đi theo tiền lệ đã được Đông Âu thực hiện: quyết định vận mệnh đất nước bằng con đường trưng cầu dân ý.