Tỷ phú Phạm Nhật Vượng nhận 0 đồng thù lao, 2000 tỷ đồng 'biến mất' ở Kinh Bắc, FLC phản hồi sau lệnh đình chỉ giao dịch
Ông Phạm Nhật Vượng - tỷ phú giàu nhất Việt Nam, không hề nhận một đồng thù lao nào trong nửa đầu năm nay. tập đoàn Kinh Bắc giải trình về 2000 tỷ đồng bị cho là 'biến mất', giá xe ô tô đột ngột tăng sau tháng cô hồn
Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng nhận thù lao 0 đồng
Báo cáo soát xét bán niên của Tập đoàn Vingroup ( HoSE: VIC ) và Vinhomes ( HoSE: VHM ) vừa công bố cho thấy trong giai đoạn nửa đầu năm, Vingroup và Vinhomes đã chi trả thù lao cho HĐQT và ban tổng giám đốc lần lượt 24,1 tỷ đồng và 24,8 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Phạm Nhật Vượng - tỷ phú giàu nhất Việt Nam, Chủ tịch Vingroup và thành viên HĐQT Vinhomes không hề nhận một đồng thù lao nào trong nửa đầu năm nay. Trước đó ông Vượng cũng không nhận thù lao trong 6 tháng đầu năm 2021.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng nhận 0 đồng thù lao, 2000 tỷ đồng 'biến mất' ở KInh Bắc, FLC phản hồi sau lệnh đình chỉ giao dịch |
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng hiện nắm giữ gần 2,16 tỷ cổ phiếu VIC (trong đó có 1,17 tỷ cổ phiếu gián tiếp sở hữu thông qua nắm 92,88% cổ phần tại Tập đoàn Đầu tư Việt Nam). Tính theo giá trị cổ phiếu VIC, tài sản của ông Vượng trị giá 6,6 tỷ USD, trong khi Forbes ghi nhận tài sản của tỷ phú Việt Nam là 4,9 tỷ USD.
HĐQT Vingroup gồm 9 thành viên, gồm 1 Chủ tịch, 4 Phó Chủ tịch và 4 thành viên HĐQT độc lập.
Thù lao trong 6 tháng đầu năm gần 5 tỷ đồng. Trong đó, ông Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch), bà Nguyễn Diệu Linh (Phó Chủ tịch) và thành viên HĐQT ông Yoo Ji Han - người vừa trở thành thành viên HĐQT độc lập không nhận thù lao.
Các cá nhân còn lại nhận thù lao từ mức 517 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng. Hai người nhận cao nhất là Phó Chủ tịch Vingroup Phạm Thu Hương - vợ ông Phạm Nhật Vượng và Phó Chủ tịch HĐQT Phạm Thúy Hằng (em gái bà Hương).
Lương cho Ban Tổng giám đốc Vingroup trong 6 tháng đầu năm là 19,6 tỷ đồng, giảm khoảng 7% so với cùng kỳ. Trong đó, lương của riêng CEO Nguyễn Việt Quang là gần 6,2 tỷ đồng, tăng 9%. Tính cả thù lao, ông Quang nhận từ Vingroup 7,1 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay.
Đình chỉ giao dịch cổ phiếu FLC từ 9/9
HoSE vừa ra quyết định chuyển cổ phiếu Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (FLC) từ diện hạn chế giao dịch sang đình chỉ giao dịch kể từ ngày 9/9.
Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM cho hay, Tập đoàn FLC đã vi phạm quy định về công bố thông tin sau khi đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch, thuộc trường hợp chứng khoán bị đình chỉ giao dịch theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 41 Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết.
Trước đó, ngày 16/8, theo thông tin từ HoSE FLC vẫn chưa tổ chức Đại hội cổ đông thường niên (quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính 31/12/2021); chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2021 và chưa chọn được đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm nay. Vì vậy, ngày 11/7, HoSE đã đưa cổ phiếu FLC vào diện cảnh báo.
Ngay sau khi có quyết định của HoSE, tối 31/8/2022, Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC đã phát đi thông báo, FLC nhận được quyết định của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) về việc chuyển cổ phiếu FLC từ diện hạn chế giao dịch sang diện đình chỉ giao dịch từ 9/9/2022. Nguyên nhân bị đình chỉ giao dịch do FLC vi phạm quy định về công bố thông tin sau khi bị đưa vào diện hạn chế giao dịch.
Theo đó, liên quan đến vấn đề này, Tập đoàn FLC đã nhiều lần gửi giải trình, kiến nghị đến các cơ quan quản lý, để làm rõ các nguyên nhân bất khả kháng nằm ngoài ý muốn của doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là những khó khăn, thách thức trong việc lựa chọn đơn vị kiểm toán mới sau khi công ty TNHH Kiểm toán – Tư vấn Đất Việt (đơn vị từng ký Hợp đồng kiểm toán BCTC năm 2021 của Tập đoàn FLC) bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đình chỉ tư cách được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán từ 30/3/2022.
Nhằm tháo gỡ những khó khăn, thách thức này, Tập đoàn FLC rất mong sớm nhận được sự can thiệp, chỉ đạo hoặc hỗ trợ cần thiết từ cơ quan quản lý để có thể thực hiện việc kiểm toán, soát xét các báo cáo tài chính 2021 của Tập đoàn trong thời gian sớm nhất, qua đó đủ điều kiện tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022.
Nhiều mẫu xe tăng giá đột ngột sau 'tháng cô hồn'
Nhiều mẫu xe của Kia tăng giá kể từ ngày 1/9 gồm New Morning, K3, K5, Sorento và Carnival. Tất cả bao gồm 13 phiên bản xe với mức tăng từ 5 - 40 triệu đồng.
Hầu hết các mẫu xe của thương hiệu Pháp Peugeot tại Việt Nam tăng giá 20 - 40 triệu đồng kể từ 1/9 tới đây. Mức tăng thấp nhất là 3008 Active với 20 triệu đồng. các phiên bản Allure và GT tăng lần 30 triệu đồng, đẩy giá bán lên mức 1,039 - 1,259 tỷ đồng.
Lý giải về việc tăng giá bán xe, một số hãng cho biết, do đứt gãy chuỗi cung ứng, chi phí nhập khẩu phụ tùng, linh kiện lắp ráp tăng cao. Chủ đại lý chăm sóc xe tại khu vực phía Nam cho hay, giá phụ tùng và các bộ phận thay thế như lốp xe, dầu động cơ... cũng tăng 10 - 20% so với năm ngoái nên việc tăng giá cũng không phải là điều quá bất ngờ.
2000 tỷ đồng biến mất ở BĐS Kinh Bắc?
Ông lớn BĐS Kinh Bắc khẳng định 2.200 tỷ đồng không bị biến mất trong báo cáo tài chính và sẽ được ghi nhận chính xác sau khi công ty kiểm toán hoàn thành việc soát xét.
Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc -CTCP (Mã: KBC) của đại gia Đặng Thành Tâm giải trình lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cổ đông, làm rõ nghĩa bản chất, việc soát xét của Công ty Kiểm toán liên quan đến giao dịch nhận chuyển nhượng cổ phần tại Công ty Cổ Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng.
Cụ thể, KBC cho rằng, thư của đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY) đã làm các cổ đông hiểu chưa đúng. DN cho hay, do giao dịch nêu trên có tính chuyên môn cao, phức tạp, cần nhiều thời gian hơn để đơn vị kiểm toán soát xét nội dung như thư KBC thông tin trước đó.
Ngân Khánh (tổng hợp)