Tuyển sinh 2014: Sửa đổi chính sách ưu tiên
Điều chỉnh đối tượng ưu tiên
Mùa tuyển sinh 2014, Bộ GDĐT bổ sung thêm đối tượng tuyển thẳng vào ĐH, CĐ, điều chỉnh khu vực ưu tiên và bổ sung đối tượng ưu tiên. Bộ GDĐT nhấn mạnh việc ưu tiên chỉ áp dụng đối với những khu vực đặc biệt khó khăn và những đối tượng khó khăn xác định.
Cụ thể, bổ sung vào khu vực ưu tiên số 1, trước đây được quy định là những địa phương thuộc miền núi, vùng cao, vùng sâu, hải đảo, trong đó có các xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ. Hiện nay khu vực 1 được quy định là các thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực 3 (xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) theo quy định hiện hành.
Ngoài ra, trong 5 đối tượng ưu tiên được sửa đổi bổ sung, đối tượng 1 trước đây được xác định là “công dân Việt Nam có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số thì thuộc đối tượng 1 và trong nhóm ưu tiên 1”. Tuy nhiên, quy định mới yêu cầu đối tượng này phải “ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì mới thuộc đối tượng ưu tiên”.
Đối với chính sách ưu tiên, dự thảo bổ sung thêm: “Những đối tượng ưu tiên thuộc diện chính sách như: Người khuyết tật, con của người bị nhiễm chất độc hóa học; con của người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; con của người có công giúp đỡ cách mạng…”.
Đặc biệt, để khuyến khích phong trào nghiên cứu khoa học trong trường THPT, năm 2014, Bộ bổ sung vào quy chế những thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong hội thi khoa học kỹ thuật do Bộ GDĐT tổ chức đã tốt nghiệp trung học phổ thông được tuyển thẳng vào ĐH theo đúng ngành hoặc ngành gần của môn mà thí sinh đã đoạt giải; những thí sinh đoạt giải khuyến khích được tuyển thẳng vào CĐ theo đúng ngành hoặc ngành gần của môn mà thí sinh đã đoạt giải.
Chưa vội tuyển sinh riêng
Tuyển sinh riêng là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận trong mùa tuyển sinh 2014. Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga cho biết, đến thời điểm hiện tại mới chỉ có 17 trường trình lên Bộ phương án tuyển sinh riêng. Đặc biệt, 100% số đó là ĐH, CĐ ngoài công lập, trong khi, trường ĐH, CĐ công lập (chiếm 80% tổng số trường) vẫn hài lòng với kỳ thi “3 chung” của Bộ GDĐT.
ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP.HCM mặc dù đã có đề án tuyển sinh riêng nhưng lãnh đạo 2 trường đại học vẫn cho bết họ chưa thay đổi phương thức tuyển sinh trong năm tới.
Ông Nguyễn Kim Sơn – Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội đề xuất: “Trong thời kỳ “quá độ” vẫn nên dùng “3 chung” nhưng cần mềm dẻo, tiên tiến hơn. Hiện trường đã xây dựng được bộ công cụ đánh giá học sinh theo các tiêu chuẩn về năng lực phù hợp với từng ngành. Trong năm 2014 sẽ đưa vào thí điểm bộ công cụ đánh giá này đối với thí sinh”.
Tương tự, ĐH Quốc gia TP.HCM cũng chỉ đưa “ngân hàng câu hỏi” vào việc bổ sung đánh giá kỹ năng sinh viên theo ngành trong mùa tuyển sinh 2014, còn việc thi tuyển vẫn áp dụng 3 chung.
Trước những băn khoăn của các trường, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: “Nguyên tắc là tự chủ theo đúng Luật Giáo dục ĐH, nhưng vì nhiều trường đại học điều kiện khác nhau, có trường có thể triển khai ngay, có trường cần phải chuẩn bị và học sinh cần thích nghi, nên “3 chung” tồn tại trong giai đoạn quá độ chuyển tiếp để giúp các nhà trường trong giai đoạn quá độ triển khai. Giao quyền tự chủ cho các trường, trong đó có quyền các trường chưa đủ điều kiện có thể nhờ Bộ. Bộ GDĐT tôn trọng quyền tự chủ và “quyền nhờ” đó”.
Nguồn Dân Việt