Tuyên bố đồng Chủ tịch của Hội nghị ASEAN-Hoa Kỳ về hợp tác chống COVID-19
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN-Việt Nam, Chủ tịch Nhóm công tác của Hội đồng Điều phối ASEAN đại diện Việt Nam chủ trì Hội nghị. Ảnh: Baoquocte |
1.Nhóm Công tác Hội đồng Điều phối ASEAN về Ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp đã họp hội nghị trực tuyến với các quan chức cao cấp liên ngành của Hoa Kỳ ngày 01 tháng 4 năm 2020 nhằm trao đổi về hợp tác ASEAN-Hoa Kỳ trong các vấn đề y tế công cộng khẩn cấp và phòng chống đại dịch COVID-19.
2.Các nước thành viên ASEAN và Hoa Kỳ (gọi chung là Chúng tôi) bày tỏ sự chia buồn sâu sắc về những tổn thất đau thương về người do dịch COVID-19 gây ra, chia sẻ cảm thông đến những người đang bị ảnh hưởng và đe dọa bởi dịch bệnh và bày tỏ sự biết ơn và ủng hộ đối với tất cả các nhân viên y tế ở tuyến đầu trong nỗ lực tiếp tục chống lại đại dịch.
3.Chúng tôi tái khẳng định giá trị của mối Quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Hoa Kỳ nhằm tăng cường phối hợp ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, đặc biệt là thách thức chưa từng có do dịch COVID-19 gây ra, và đảm bảo sự an toàn và thịnh vượng của tổng dân số một tỷ của hai bên.
4.Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác ASEAN-Hoa Kỳ trong thúc đẩy hợp tác quốc tế và hỗ trợ năng lực các chính phủ và các cơ quan quốc gia trong ngăn chặn, phát hiện và ứng phó với các mối đe dọa dịch bệnh truyền nhiễm, bao gồm dịch COVID-19. Tất cả các bên đều coi sức khỏe cộng đồng là nền tảng cho sự ổn định và thịnh vượng của các quốc gia và cả khu vực.
5.Chúng tôi hài lòng ghi nhận những nỗ lực đang triển khai của từng quốc gia thành viên ASEAN và Hoa Kỳ và hoan nghênh vai trò chủ động và hành động kịp thời của ngành y tế các nước ASEAN và Hoa Kỳ, đồng thời ghi nhận những nỗ lực đang triển khai của từng nước thành viên ASEAN nhằm kiểm soát sự lây lan của đại dịch COVID-19 chưa từng có này, bao gồm thông qua nhiều biện pháp do chính phủ các nước này triển khai.
6.Tất cả khẳng định rằng các biện pháp khẩn cấp, nếu cần thiết được đề ra ở cấp độ quốc gia để ứng phó với dịch COVID-19, cần phải xác định rõ mục tiêu, cân đối, minh bạch, có tính tạm thời và không tạo ra các rào cản không cần thiết đối với thương mại hoặc gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Tất cả các bên nhấn mạnh cam kết chung đảm bảo sự lưu thông liên tục và nhanh chóng qua biên giới các thiết bị và vật tư y tế thiết yếu, các sản phẩm nông nghiệp then chốt và các hàng hóa và dịch vụ cần thiết nhằm hỗ trợ sức khỏe người dân. Tất cả các bên nhất trí về tầm quan trọng của sự minh bạch và cởi mở trong chia sẻ thông tin chính xác và kịp thời về tình hình dịch COVID-19, cả đối với người dân trong nước và các đối tác quốc tế.
7.Hoa Kỳ bày tỏ cảm ơn ASEAN trong hỗ trợ tạo điều kiện cho các công dân Hoa Kỳ mong muốn hồi hương trong bối cảnh khủng hoảng COVID-19. Các nước thành viên ASEAN đánh giá cao những nỗ lực của Hoa Kỳ thường xuyên cập nhật thông tin cho các cán bộ ngoại giao của các nước ASEAN về các biện pháp phòng chống COVID-19 tại Hoa Kỳ có liên quan đến công dân của nước họ, cũng như cung cấp cho họ sự hỗ trợ cần thiết đối với các vấn đề liên quan đến dịch bệnh.
8.Các nước thành viên ASEAN trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ thực tiễn về các biện pháp hợp tác với Hoa Kỳ trong phòng ngừa và kiểm soát dịch COVID-19. Các nước thành viên ASEAN đề xuất các lĩnh vực tăng cường hợp tác y tế với Hoa Kỳ, bao gồm phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu chung và thực nghiệm trong kiểm soát lây nhiễm virus COVID-19; sẵn sàng ứng phó dịch bệnh, đào tạo bác sỹ và y tá, nâng cấp hệ thống và cơ sở vật chất các phòng thí nghiệm và nghiên cứu hóa sinh, sản xuất vật tư y tế, chia sẻ thông tin cập nhật về quản lý khám chữa bệnh cũng như tìm kiếm nguồn cung cấp các bộ xét nghiệm, máy thở và thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE); nghiên cứu, phát triển và sản xuất vắc xin phòng chống COVID-19; nỗ lực lưu thông bình thường các trao đổi thương mại, dịch vụ và đầu tư, hỗ trợ thương mại hàng hóa và vật tư y tế thiết yếu, và giảm nhẹ những nguy cơ tiềm ẩn về suy thoái kinh tế toàn cầu. Các nước thành viên ASEAN cũng thông báo phía Hoa Kỳ về việc đang dự kiến cân nhắc khả năng thiết lập một quỹ đặc biệt dự phòng các tình huống y tế công cộng khẩn cấp nhằm ứng phó với dịch COVID-19 và sự bùng phát dịch bệnh trong tương lai, và tìm kiếm khả năng thúc đẩy quan hệ với các Đối tác bên ngoài trong lĩnh vực này; và tăng cường các cơ chế hợp tác y tế khu vực bao gồm diễn đàn có liên quan trong khuôn khổ Cấp cao đông Á về nâng cao năng lực sẵn sàng ứng phó với các dịch bệnh truyền nhiễm có nguy cơ trở thành đại dịch.
9.Các quốc gia thành viên ASEAN hoan nghênh sự hỗ trợ quan trọng của Hoa Kỳ dành cho các tổ chức đa phương chống lại đại dịch COVID-19. Những đóng góp tài chính của Hoa Kỳ cho WHO (hơn 400 triệu USD trong năm 2019) và UNICEF (hơn 700 triệu USD, đứng đầu trong số các nước đóng góp) đã giúp tài trợ cho các lô hàng thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) tới các nước trên thế giới kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, chính phủ Hoa Kỳ đã cam kết hỗ một khoản hỗ trợ chống COVID-19 khẩn cấp trị giá 274 triệu USD cho các đối tác trên thế giới nhằm nâng cao năng lực các phòng thí nghiệm, giám sát dịch bệnh và phản ứng nhanh. Các nước thành viên ASEAN đề nghị Hoa Kỳ tiếp tục thúc đẩy hợp tác cùng các đóng góp tương tự như đã triển khai.
10.Các nước thành viên ASEAN bày tỏ cảm ơn Hoa Kỳ đã hỗ trợ ASEAN trong phòng chống dịch COVID-19, bao gồm khoản hỗ trợ hơn 18 triệu USD cho đến nay cho các nước thành viên ASEAN. Hoa Kỳ tái khẳng định cam kết cung cấp hỗ trợ y tế công cộng quốc tế, bao gồm thông qua hơn khoản hỗ trợ hơn 3,5 tỷ USD cho các nước thành viên ASEAN trong suốt hai mươi năm qua. Hoa Kỳ cam kết tiếp tục hỗ trợ cho các chương trình trao đổi, cho đến nay đã đào tạo 2.400 chuyên gia y tế ASEAN, qua đó tạo dựng các mối quan hệ giao lưu giữa các nhà nghiên cứu và nhân viên y tế tại ASEAN và Hoa Kỳ. Hoa Kỳ đề nghị tiếp tục hỗ trợ cho các nước thành viên ASEAN nếu cần hỗ trợ bổ sung.
11.Chúng tôi đã thảo luận các bước đi tiếp theo nhằm tăng cường hợp tác ASEAN-Hoa Kỳ trong ứng phó với dịch COVID-19, bao gồm thông qua cam kết cấp cao và hợp tác y tế công cộng mở rộng; trong đó có đề xuất của Hoa Kỳ về tổ chức các hội nghị trực tuyến sắp tới giữa Ngoại trưởng Hoa Kỳ và các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, cũng như giữa Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Con người Hoa Kỳ (HHS) và các Bộ trưởng Y tế ASEAN. Ngoài ra, Hoa Kỳ bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ trong trợ giúp các nước ASEAN và Ban Thư ký ASEAN phát triển các cơ chế kiểm soát dịch bệnh trong khu vực nhằm nâng cao năng lực và khả năng tự cường của các hệ thống y tế công cộng trong khu vực ASEAN. Chúng tôi sẽ nghiên cứu khả năng tổ chức hội nghị trực tuyến cấp chuyên gia để triển khai và đẩy mạnh hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực này. Hoa Kỳ cũng lên kế hoạch mở rộng hợp tác chính thức với kênh hợp tác y tế ASEAN, bao gồm cả việc tham dự phù hợp tại các cuộc họp Quan chức cao cấp (SOM) và cấp Bộ trưởng Y tế ASEAN.
12.Chúng tôi mong muốn tiếp tục thúc đẩy gắn kết quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ thông qua các cơ chế và mạng lưới hiện có trong kênh hợp tác y tế ASEAN, cũng như Nhóm Công tác Hội đồng Điều phối ASEAN về Ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và các cơ chế Điều lệ Y tế Quốc tế, nhằm chống lại tác động của COVID-19 và bảo vệ sức khỏe và thịnh vượng của tất cả người dân của chúng tôi.
13.Hội nghị do Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam và Trợ lý Ngoại trưởng David Stilwell, Trưởng SOM ASEAN của Hoa Kỳ đồng chủ trì. Thành phần tham dự từ các nước ASEAN có các thành viên Nhóm Công tác Hội đồng Điều phối ASEAN về Ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp bao gồm các Quan chức Cao cấp ASEAN (SOM), Quan chức Kinh tế ASEAN (SEOM), Quan chức Cao cấp phụ trách hợp tác Văn hóa-Xã hội ASEAN (SOCA), Chủ tịch Ủy ban Đại diện Thường trực tại ASEAN (CPR), Quan chức Cao cấp ASEAN về Phát triển Y tế (SOMHD), Quan chức Cao cấp về Quốc phòng ASEAN (ADSOM), Quan chức Cao cấp về Giao thông ASEAN (STOM), Tổng Vụ trưởng ASEAN về Di cư và Cục trưởng Cục Lãnh sự của Bộ Ngoại giao các nước ASEAN (DGICM). Phó Tổng Thư ký ASEAN cũng tham dự Hội nghị. Thành phần tham dự từ phía Hoa Kỳ gồm các quan chức từ Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế và Dịch vụ Con người (HHS), Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh (CDC) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).