Tử vong sau khi kéo co, Giám đốc BV Thể thao Việt Nam chỉ ra sai lầm chết người ở những giải thể thao phong trào
Người dân nên kiểm tra sức khoẻ trước khi thi đấu các giải thể thao dù cho đó là giải quần chúng. Điều này rất quan trọng đối với những bộ môn gắng sức như: kéo co, chạy marathon, đá bóng, cử tạ, giật tay…
Ngày 31/8, thông tin từ UBND xã Điền Lư, huyện Bá Thước (tỉnh Thanh Hoá) cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra sự việc, một người đàn ông tử vong sau khi tham gia thi kéo co.
Sự việc diễn ra vào khoảng khoảng 9h ngày 31/8, anh Lê Văn D. (33 tuổi) sau khi tham gia 2 lần thi kéo co tại sân vận động xã Điền Lư (huyện Bá Thước) và giành chiến thắng, tuy nhiên, chỉ vài giây sau khi ăn mừng cùng cả đội, anh D. bất ngờ ngã gục xuống đất. Nguyên nhân ban đầu được xác định là anh D. bị đột quỵ dẫn đến tử vong.
Người đàn ông bất ngờ đổ gục sau trận kéo co khi đồng đội đang ăn mừng chiến thắng |
Chia sẻ với phóng viên Infonet về tình huống này, PGS. TS. BS Võ Tường Kha, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam, cho biết trường hợp này có nhiều khả năng dẫn đến đột tử, để chẩn đoán chính xác nguyên nhân đột tử cần giải phẫu tử thi. Dựa vào thông tin cung cấp thì có ba tình huống có thể gây ra cái chết cho nạn nhân.
Thứ nhất, có thể nạn nhân bị đột quỵ do nhồi máu cơ tim trên nền bệnh tim tiềm ẩn. Nhưng nếu như thế nạn nhân phải có tiền triệu chứng như: xuất hiện cơn đau tức ngực, đau nhói ngực, khó thở, hụt hơi...
“Như thế chắc chắn nạn nhân sẽ phải kêu la, sau đó mới ngã vật ra được. Theo thông tin báo chí phản ánh, trận kéo co đã kết thúc rồi trong lúc mọi người đang ăn mừng chiến thắng thì nạn nhân mới ngã ra. Điều đó, có thể nạn nhân không phải bị đột quỵ tim. Nguyên nhân này có thể được loại trừ”, PGs. TS. BS Võ Tường Kha cho hay.
Tình huống thứ hai, nạn nhân bị đột quỵ do tai biến mạch máu não, có thể bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp nhưng chủ quan không dùng thuốc hoặc dùng thuốc không thường xuyên. Lúc vào cuộc kéo co lại dùng sức quá mạnh, đột ngột dẫn đến nhịp tim và huyết áp tăng lên đột ngột gây vỡ mạch máu não. Hoặc cũng có thể gây tắc mạch máu nếu như trong mạch máu có những mảng xơ vữa bong ra và di chuyển gây tắc mạch máu não.
Một khả năng thứ ba có thể dẫn đến đột quỵ, là kiệt sức, tụt đường huyết , thiếu năng lượng, thiếu oxy tim hoặc ngã, do thi đấu cường độ cao, kéo dài, nạn nhân không ăn uống đủ trước đó. Khả năng này ít xảy ra vì thường quá trình diễn biến dần dần, nạn nhân biểu hiện quá tải, mệt mỏi, giảm vận động dần, rồi dẫn đến rối loạn ý thức, cuối cùng là đột tử.
“Nếu vỡ mạch máu trong não một cách đột ngột sẽ gây ra tiền triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, yếu chân tay, nói khó… sau đó ngã lăn quay luôn. Khả năng vỡ mạch máu não có thể xảy ra nhưng ít”, PGS. TS Võ Tường Kha nhấn mạnh.
Do đó, PGS. TS Võ Tường Kha phán đoán, khả năng nạn nhân bị thiếu máu não do cục máu đông hoặc mảng xơ vữa gây tắc mạch hoặc do co thắt mạch máu não dẫn đến thiếu máu não cục bộ dần dần. Lúc đó chưa có triệu chứng ngay nhưng khi kết thúc giải thì mức độ thiếu máu não tăng lên, triệu chứng càng nặng, gây thiếu oxy não… dần dần bị đột quỵ.
Sau một loạt những trường hợp đột quỵ khi tham gia các giải thể thao quần chúng (cùng ngày một nam sinh cũng đột tử khi tham gia giải chạy 1.000 mét tại địa phương), PGS. TS . BS. Võ Tường Kha lưu ý, người dân nên kiểm tra sức khoẻ trước khi thi đấu các giải thể thao dù cho đó là giải quần chúng.
Điều này rất quan trọng đối với những bộ môn gắng sức, lượng vận động lớn, kéo dài như kéo co, chạy marathon, việt dã, đá bóng, …. Theo đó, những môn gắng sức đột ngột hoặc kéo dài thời gian vận động gây ra tăng huyết áp đồng thời kiệt sức và từ đó gây thiếu máu não, nhồi máu cơ tim gây đột quỵ…
Những người có bệnh về tim mạch mãn tính, huyết áp, mỡ máu, người có tiền sử bệnh phổi mãn tính, hen phế quản, người béo phì hoặc đối với người sau 40 tuổi phải lưu ý… Cần kiểm tra tình trạng sức khoẻ, đặc biệt là bệnh lý tim mạch, huyết áp, hô hấp trước khi tham gia các giải thi đấu thể thao phong trào.
Ngoài ra các chuyên gia cũng khuyến cáo, khi tập luyện thể chất, người dân cần phải “lắng nghe cơ thể”, chú ý đến các dấu hiệu đột qụy sớm có thể biểu hiện qua các trạng thái: đột nhiên đau đầu, đi lại khó khăn; loạng choạng, hoa mắt, chóng mặt; hơi thở ngắn; người ớn lạnh; đột ngột tê bì hoặc yếu nửa người, nửa mặt, méo miệng.
Ngay lập tức, hãy kiểm tra người nghi ngờ bệnh theo quy tắc FAST: Face (mặt), Arms (tay), Speech (lời nói) và Time (thời gian).
Bên cạnh đó, trước khi tập, người tập cần chế độ dinh dưỡng hợp lý, phù hợp thể chất và đánh giá tình trạng thể lực có bảo đảm để tập, thời gian - lượng vận động bao nhiêu, cần lưu ý khởi động trước khi tập, tập xong phải thả lỏng, hồi phục.
Trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu đột quỵ, người xung quanh phải đỡ người bệnh để không bị té ngã, chấn thương; cho người bệnh nằm xuống chỗ thoáng mát, nghiêng qua một bên nếu nôn ói, móc hết đàm nhớt cho người bệnh dễ thở và tìm cách đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.
N. Huyền
Từ vụ nam sinh tử vong sau giải chạy, bác sĩ nói gì?
Theo các bác sĩ, đột tử trên đường chạy rất hiếm và đa số người có bệnh lý từ trước. Một số trường hợp có thể do sốc nhiệt, sốc vận động.