Tự đắp thuốc nam chữa bỏng, người đàn ông phải truyền kháng sinh, điều trị toàn thân
Đang điều trị bỏng tại viện, gia đình xin về nhà tự chữa bằng thuốc nam. Kết quả là toàn bộ vùng bỏng ở chân trái bệnh nhân mưng mủ, chảy dịch phải điều trị toàn thân.
Bệnh nhân Đ.T.Q đã qua cơn nguy kịch (ảnh BVCC) |
Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng vừa tiếp nhận bệnh nhân Đ.T.Q 45 tuổi, trú tại huyện Hà Quảng, Cao Bằng, nhập viện trong tình trạng vết bỏng vùng đùi trái chảy dịch, cẳng chân trái sưng nề.
Theo lời người nhà kể, bệnh nhân bị bỏng đã lâu, đang được điều trị tại bệnh viện nhưng gia đình xin về tự điều trị ở nhà bằng thuốc nam.
Khoảng 1 tuần nay bệnh nhân xuất hiện sưng nề, tấy đỏ vùng chân trái, mặt trước đùi trái có vết loét rộng khoảng 15x20 cm, chảy dịch mủ và dính nhiều lá cây trên bề mặt vết bỏng.
Tình trạng mỗi lúc một nặng nên anh Q. được người nhà đưa đến Bệnh viện tỉnh Cao Bằng điều trị.
Qua thăm khám, các bác sĩ xác định bệnh nhân nhiễm trùng vết bỏng vùng mặt trước đùi trái và được xử trí làm sạch dịch mủ tại vị trí bỏng, đồng thời điều trị toàn thân, truyền kháng sinh, truyền dịch, dùng thuốc giảm đau, thay băng.
Hiện tại bệnh nhân được điều trị chăm sóc tại Khoa Chấn thương chỉnh hình.
Có nhiều tác nhân gây bỏng, thường gặp nhất là bỏng do nước sôi, bỏng lửa, bỏng hóa chất... Tổn thương bỏng rất đa dạng ở nhiều vị trí như mặt, chân, lưng, cánh cẳng tay, bàn tay. Tổn thương bỏng hưởng rất nhiều đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh, để lại những di chứng nặng nề nếu không được điều trị đúng cách.
Tuy nhiên, ghi nhận thực tế tại BV đa khoa tỉnh Cao Bằng, thời gian vừa qua Bệnh viện đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp nhập viện điều trị trong tình trạng nhiễm trùng vết bỏng do đắp thuốc nam không rõ nguồn gốc.
Theo đó, có những bệnh nhân tại vùng bỏng đã hoại tử sâu, phải ghép da rất phức tạp, thời gian điều trị kéo dài và tốn rất nhiều chi phí.
Các Bác sĩ cho biết, mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo về việc người dân bị bỏng nhưng không đến cơ sở y tế mà tự chữa theo phương pháp dân gian, truyền miệng hệ quả là gây ra những biến chứng nặng nề.
BS Nguyễn Thống, nguyên trưởng Khoa Bỏng, BV Xanh Pôn cho biết, có rất nhiều những sai lầm khi bị bỏng mà rất nhiều người mắc phải. Đặc biệt là những trường hợp bệnh nhân nhập viện điều trị trong tình trạng nhiễm trùng nặng vết bỏng do đắp lá thuốc điều trị.
Có những bệnh nhân vùng bỏng đã hoại tử sâu, phải ghép da rất phức tạp, để lại nhiều di chứng cho bệnh nhân cũng như thời gian điều trị kéo dài.
Do đó, để hạn chế những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra các bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân bị bỏng cần đến bệnh viện xử lý vết thương ngay, có thể tránh các biến chứng nguy hiểm. Những trường hợp không được điều trị đúng cách, bệnh nhân sẽ bị nhiễm trùng tại vị trí bỏng, dễ nhiễm trùng huyết, nguy hiểm đến tính mạng.
Khi bệnh nhân bị bỏng, việc đầu tiên là cần cách ly bệnh nhân tránh xa tác nhân gây bỏng, ngâm vết bỏng trong nước mát ít nhất 15 phút (tuyệt đối không dùng đá, tránh gây bỏng lạnh), việc hạ nhiệt vùng bỏng sẽ giảm sưng, giảm độ sâu của vết thương, giảm nguy cơ gây sốc cho nạn nhân.
Nếu có bọng nước, kết vảy thì không nên bóc vì vỡ ra dễ bị nhiễm trùng, tổn thương nặng hơn. Tuyệt đối không xoa dầu, bôi kem đánh răng, trứng gà, mỡ trăn, dầu cá, đắp lá chữa bỏng… lên vùng bỏng vì dễ bị nhiễm trùng. Sau khi sơ cứu, cần đưa ngay người bệnh đến bệnh viện để được khám bệnh và điều trị.
N. Huyền