Ám ảnh các vụ cháy cả nhà tử vong: Bỏng hô hấp tử vong chỉ sau 5 phút
Khi hoả hoạn xảy ra, nạn nhân hít phải khí nóng, khí độc từ đám cháy vào hệ hô hấp, gây tổn thương đường thở từ mũi đến phổi. Các bác sĩ cho biết nạn nhân bỏng hô hấp dẫn đến tử vong chỉ trong vài phút.
Tối 4/6, tại Quảng Ngãi xảy ra vụ hoả hoạn ở cơ sở kinh doanh tư vấn, thiết kế và mua bán đồ điện Quang Dũng, đường Quang Trung, TP Quảng Ngãi khiến 4 người trong gia đình tử vong gồm: chồng là Bùi Phước T. (SN 1986), vợ là Bùi Thị Thu Th. (SN 1987, đang mang bầu) và 2 con Bùi Phước T. (6 tuổi) và cháu Bùi Phước Đ. (3 tuổi).
Theo các bác sĩ, phần lớn nạn nhân của các vụ hỏa hoạn thương tâm này tử vong là do bị bỏng hô hấp.
Vụ Hoả hoạn ở Quảng Ngãi ngày 4/6 |
TS BS Ngô Đức Hiệp - Trưởng khoa Phỏng và Phẫu thuật tạo hình, BV Chợ Rẫy cho biết khi có cháy xảy ra thì người ở hiện trường không cần tiếp xúc với lửa cũng có thể tử vong do bỏng hô hấp. Bệnh nhân bị suy hô hấp nếu không được cứu ra kịp thời sẽ tử vong sau vài phút.
TS Hiệp chia sẻ có vụ cháy tại Quận 11 TP.HCM từ cách đây nhiều năm, vụ hoả hoạn ở dưới dàn xe và các nạn nhân đều chạy thoát hết, khi họ đến bệnh viện không có ai chấn thương bên ngoài nhưng chỉ vài phút sau họ bắt đầu khó thở, phải thở oxy.
Có những trường hợp vào viện cấp cứu do hoả hoạn, không có vết thương sau bỏng nhưng chỉ sau vài phút đã suy hô hấp phải thở máy. Có tới 80% nạn nhân tử vong do hít phải khí độc như khí CO, HCN từ các sản phẩm công nghiệp cháy. Khi hít khí này bệnh nhân sẽ tử vong rất nhanh.
Gần đây có nhiều vụ hoả hoạn xảy ra dẫn tới cả gia đình tử vong, vụ hoả hoạn ở Lạc Long Quân, TP.HCM, vụ hoả hoạn tại Đống Đa, Hà Nội... TS Hiệp cho biết nguyên nhân đều do nạn nhân không có lối thoát. Ví dụ cháy trong hẻm cụt, cháy trong nhà khoá kín, cháy trong nhà ống.
Đa số các gia đình đều khoá trái cửa, khi có hoả hoạn đều không thoát ra được, người ngoài cũng không thể giải cứu.
Trường hợp nếu nhà xảy ra hoả hoạn là nhà kín không thể thoát ra được, cách tốt nhất bác sĩ Hiệp khuyên là nên vào nhà tắm dùng khăn ướt để bảo vệ cơ quan hô hấp. Bởi vì nếu bạn bị bỏng và kèm theo bỏng hô hấp thì nguy cơ tử vong lên tới 50%. Khi dùng khăn che chắn lại cũng hạn chế được tổn thương khí độc vào phế quản, phổi và giảm độ bỏng hô hấp giúp nạn nhân có cơ hội được cứu sống.
Tổn thương phổi ở nạn nhân bỏng rất nguy hiểm, nạn nhân không còn chức năng hô hấp do bụi khí, khí độc dẫn đến tử vong trước khi ngọn lửa tràn tới.
BS Nguyễn Thống, nguyên Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội cũng cho biết khi hoả hoạn xảy ra nhất là ở các cơ sở sản xuất kinh doanh thì những loại khí độc sinh ra từ đám cháy vô cùng nguy hiểm.
Trong các bệnh nhân nhập viện vì hít phải khói, các bác sĩ hay gặp trường hợp bị ngộ độc do khí CO, Cyanide. Khí này sẽ gây bít tắc đường thở, oxy máu không còn, nạn nhân tử vong trong khoảng 5 phút.
BS Thống cũng khuyến cáo khi có hoả hoạn nếu không thoát được nên tìm vào nhà vệ sinh. Khi cố gắng thoát ra khỏi đám cháy nên cúi khom người, dùng khăn ẩm bịt mũi để hạn chế khí độc tấn công cơ quan hô hấp.
K.Chi