Truyền thông y tế tốt: Hãy trả lời báo chí khi được hỏi!
PGS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng |
Hãy trả lời báo chí
Marion Crawford - Chủ tịch Công ty Truyền thông Crawford Strategy cho biết có quá nhiều thay đổi trong ngành y thời gian gần đây, do vậy hơn bao giờ hết các giám đốc bệnh viện cần làm truyền thông một cách rõ ràng và hữu hiệu.
Cũng liên quan đến mối quan hệ giữa truyền thông và báo chí, PGS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết "hãy trả lời khi báo chí hỏi bởi vì nếu chúng ta không trả lời báo chí sẽ đi hỏi người khác. Người khác không nắm được đầy đủ thông tin nên khả năng sai lệch thông tin là rất cao, không được phép bỏ trống trận địa truyền thông".
Chính vì thế, PGS Phu tâm sự ở bất cứ thời gian nào nếu báo chí gọi điện thoại ông đều nghe và đều trả lời thông tin mình nắm được thế nào. Thậm chí, có những phóng viên nửa đêm gọi ông cũng bắt máy và giải thích rõ ràng thông tin thế nào thì trả lời thế đó để báo chí hiểu và đưa tin chính xác. Để các thông tin chuyên môn chuẩn chỉ, PGS Phu không ngần ngại sửa chữa. Với ông truyền thông quan trọng nhưng phải truyền thông thật đúng.
Các chuyên gia truyền thông đã đưa ra 5 lời khuyên đối với truyền thông y tế, đó là truyền thông quan điểm và tầm nhìn của bạn cho đội ngũ nhân viên, biến nhân viên của mình thành đại sứ truyền thông, đầu tư để có đội truyền thông mạnh, lắng nghe, lắng nghe và lắng nghe, sử dụng mọi công cụ truyền thông.
Cần chủ động truyền thông
Theo thạc sĩ Vũ Mạnh Cường- Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông thi đua và khen thưởng, Bộ Y tế cho biết, truyền thông y tế hiện nay chịu nhiều thách thức như sự bùng nổ các phương tiện truyền thông, báo điện tử, mạng xã hội và truyền thông mới có nguy cơ lấn át báo in và truyền thông chính thống.
Trong khi đó, bác sĩ lại không có thói quen nói tốt về mình, không có kỹ năng truyền thông, không có nhân sự làm truyền thông. Hơn nữa, báo chí và dư luận lại thiếu thiện cảm với ngành y.
Trong khi đó, bản chất của ngành y là tốt, các việc làm của ngành y mang lợi ích tốt đẹp đến cộng đồng và xã hội. Nhiều cán bộ ngành y có trình độ, uy tín, có tiếng nói được xã hội lắng nghe và tôn trọng, nhiều cán bộ y tế là ngôi sao trên mạng xã hội.
Để truyền thông được tốt, thạc sĩ Cường cho rằng cần xây dựng và duy trì mối quan hệ hợp tác tương hỗ với các cơ quan báo chí địa phương, đại diện các cơ quan báo chí trung ương tại địa phương. Các bệnh viện, đơn vị cơ sở y tế thường xuyên gặp gỡ thông tin cho báo chí về hoạt động của mình. Chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch khi xảy ra các sự cố, không né tránh, lấp liếm. Xử lý các vi phạm và cung cấp thông tin cho báo chí. Tạo sự kiện mời báo chí đến đưa tin, chủ động thông tin thành tựu của mình cho các cơ quan báo chí, những tấm gương cán bộ, thầy thuốc, những ca bệnh nặng được cứu sống, những cải tiến trong công tác quản lý, công tác khám chữa bệnh.
Ngoài ra, bệnh viện, cơ sở y tế cũng không quên chủ động xây dựng những tác phẩm truyền thông về những thành tự đã đạt được.
Các cơ sở y tế cần tuyển dụng cử nhân báo chí, cử nhân quan hệ công chúng hoặc các cựu nhà báo. Các đơn vị tự tổ chức các khóa đào tạo về kiến thức, kỹ năng kinh nghiệm truyền thông, mạnh dạn giao tiếp với công chúng trên mạng xã hội.
Trong thời gian tới, ông Vũ Mạnh Cường cho rằng ngành y cần coi tuyên truyền là nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động của ngành. Các bệnh viện, đơn vị phải có quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, thành lập bộ phận truyền thông, duy trì quan hệ tương hỗ với báo chí, xây dựng các phương tiện truyền thông riêng như website, facebook, fanpage, kênh Youtube…Bảng thông tin, hệ thống biến báo hướng dẫn trong bệnh viện.