Trượt lớp 6 trường chuyên, phụ huynh vét cạn ví tìm trường công cho con
Nhiều phụ huynh nháo nhào tìm lớp chọn, tìm trường công cho con sau khi "dự án" vào các trường danh tiếng bị tan vỡ (ảnh minh họa) |
Coi như bị... mất cắp
Chị Nguyễn Ngọc Lan (Cầu Giấy) thở phào nhẹ nhõm khi cô con gái đầu chính thức được nhận vào trường THPT Nguyễn Tất Thành dù trong diện “đỗ vớt”. Chị cho biết, gia đình chị vốn định cho con thi vào trường Hà Nội Amsterdam. Để được học ở ngôi trường danh tiếng này không đơn giản, ngoài học bạ đẹp còn phải cạnh tranh với rất nhiều học sinh ưu tú khác trong kỳ thi tuyển đầu vào.
Thế nên mấy năm nay, chị đã rất đầu tư cho con. Ngoài các buổi học ở trường, chị còn cho con đi học thêm 2 môn Toán, Tiếng Việt. Khi có thông tin là năm nay không tổ chức thi vào lớp 6, trường Amsterdam có thể sẽ kiểm tra đầu vào bằng các bài test, chị cuống cuồng chưa biết tính sao thì mới đây lại tiếp tục ngồi trên đống lửa vì biết là tất cả các trường đều chỉ xét tuyển.
Chẳng còn cách nào chị đành phải nộp hồ sơ xét tuyển cho con nhiều hơn: từ Ams, Cầu Giấy sang Lương Thế Vinh và Nguyễn Tất Thành. “Mua được hồ sơ đã khốn khổ, nộp hồ sơ xong còn khốn khổ hơn vì thấp thỏm chờ đợi. Khoảng thời gian này, chúng tôi cũng nghĩ đến việc cho con học trường công đúng tuyến. Bạn bè đều khuyên, chọn trường không quan trọng bằng chọn lớp, vì thế tôi cũng loay hoay tìm mối cho con vào lớp chọn của trường đúng tuyến. Thế nhưng tôi cũng không thể tin được rằng muốn vào lớp đó cũng phải … có quan hệ”- chị Lan ấm ức cho biết.
Dẫu khá bức xúc nhưng chị đành phải chấp nhận phương án này. Chị phải bỏ tiền để mua suất ngoại giao nhưng rất may, con chị lại đủ điểm vào Nguyễn Tất Thành. “Coi như bị móc túi, nhưng chí ít con còn có nơi học tử tế” – chị Lan vui vẻ chấp nhận.
Tương tự, chị Tú Hà (Ngô Thì Nhậm, Hà Nội) cũng dồn bao nhiêu công sức để cho con học thêm Toán, Tiếng Việt nhằm thi vào lớp 6 trường Hà Nội Amsterdam. Nhưng khi thay đổi từ thi sang xét tuyển, thấy con mình không có thêm giải phụ nào, chị đành ngậm ngùi thay đổi chiến lược. Chỉ trong vòng 1 tháng, chị cùng con đi tất cả các trường dân lập có tiếng trên địa bàn Hà Nội để tìm hiểu. Là người kỹ tính nên chị thấy thất vọng với các trường tư thục kia, và cho rằng dịch vụ đó không xứng đáng với số tiền gần chục triệu mỗi tháng phải bỏ ra.
Chị cũng không yên tâm với những trường tư thục có hệ tiểu học nổi tiếng nhưng lại mới bắt đầu tổ chức giảng dạy bậc THCS. Cuối cùng chị tìm về hệ công lập. Trường công đúng tuyến vốn trước đây chị không hài lòng vì chất lượng chưa có trên bản đồ tìm kiếm. Chị tìm đến các trường công có tiếng của quận, nhưng lúc này đây, chi phí để chạy suất trái tuyến đã ở mức chị phải vét ví vì quá muộn! Nhưng chị vẫn phải cố để vì tương lai con em.
Và sau khi hoàn thành việc chọn trường lớp cho con, chị bã cả người. Chị Hà thú nhận: Vì là đứa con đầu tiên, tôi không lường trước được áp lực lại lớn đến thế. Chọn cho con trường tốt để mình không ân hận, hóa ra lại tốn kém quá sức!
Nhập học rồi vẫn chưa biết con có được học đúng nguyện vọng
Cũng có con năm nay vào lớp 6, chị Trần Thùy Anh (khu Tập thể Vật giá, Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội) than thở, xác định cho con học chuyên nên ngay từ hồi lớp 3 chị đã cho con vào lò luyện thi.
“Ban đầu vợ chồng tôi cũng đưa ra 3 phương án: Một là cứ cho cháu thử sức thi vào Hà Nội – Amsterdam, Cầu Giấy; hai là xin vào Giảng Võ dù không đúng tuyến. Nhưng kỳ thực trong thâm tâm tôi luôn tin cháu đỗ vào một trong hai trường chuyên. Lý do là bởi, cháu luôn đứng đầu lớp. Năm lớp 5 cháu đạt giải nhì cuộc thi Violypic toán quận, chưa kể cháu cũng đứng đầu ở lớp A.0 của một trung tâm luyện thi có tiếng ở Hà Nội. Phương án cuối cùng khi hai phương án trên bất thành thì đành cho về học đúng tuyến ở trường THCS Thăng Long gần nhà”- chị Thùy Anh nói.
Đùng một cái, cuối năm Bộ GD & ĐT đưa ra thông báo không thi tuyển vào lớp 6 mà chỉ xét tuyển, chị Thùy Anh như ngồi trên đống lửa. Chị nghe ngóng mọi diễn biến xung quanh thông tin này, thậm chí mới chỉ nghe phong phanh một số trường trong đó có Hà Nội – Amsterdam sẽ tổ chức kiểm tra dưới dạng IQ. Thế là chị lại hối hả tìm lò luyện.
“Nhưng cuối cùng thì Sở GD & ĐT Hà Nội quyết: Trường Cầu Giấy tuyển học sinh trên địa bàn quận, trường Ams tuyển sinh trên toàn thành phố nhưng cả hai trường đều xét hồ sơ học bạ, nghiêm cấm thi dưới mọi hình thức. Vậy là bao nhiêu công lao cho con luyện thi thành công cốc” – chị Thùy Anh nhớ lại.
Theo chị Thùy Anh, khi đó chị mới nghĩ đến phương án hai. “Vậy là tôi hối hả gọi điện thoại cho mối quan hệ đã đặt chỗ từ năm trước thì nhận được câu trả lời: quá muộn, những suất ngoại giao trái tuyến đã có địa chỉ. Tôi tiếp tục huy động thêm một vài mối quan hệ khác nhưng đều nhận được cái lắc đầu. Có người cũng vẽ ra cho tôi hướng cố chờ xem có ai bỏ suất thì mua lại, giá không dưới 2.000 USD. Lại phấp phỏng đợi.
Tôi biết cánh cửa vào trường chuyên của con ngày càng hẹp lại nhưng vẫn cố nộp đơn cho con vào Ams. Kết quả là trượt. Chờ hồi âm từ trường Giảng Võ cũng không xuôi, dù lúc bấy giờ vợ chồng xác định có phải bỏ ra 50 triệu để con được học ở trường ưng ý cũng chấp nhận” – chị Thùy Anh nói.
Nhưng may mắn không mỉm cười với gia đình chị. Cuối cùng chị Thùy Anh đành quay về trường gần nhà. Nhưng theo lời chị Thùy Anh thì do trường phân ra nhiều lớp (bán trú, không bán trú), thậm chí có một hai lớp cuối cùng vốn không chất lượng, chỉ dành cho một làng gần trường.
Chị Thùy Anh than thở: Nếu chẳng may con vào lớp ấy thì không có cơ hội vào được lớp 10 trường công lập. Thế là lại phải nhờ vả… Mang tiếng là thi xếp lớp đầu vào nhưng thực chất là mẹ phải “đi thi”. Ấy vậy mà đến giờ dù con đã đi học hè nhưng vẫn chưa biết sẽ được xếp vào lớp nào".