Trường Giang: Ngọn gió xứ Quảng thổi về phố thị

Trường Giang không có lợi thế về chiều cao. Anh mặc bà ba như Hoài Linh thì không toát ra vẻ giản dị mà anh mặc áo vest như Trấn Thành cũng không thể sang lên.

1. Lần đầu tiên gặp Trường Giang trong tiểu phẩm hài “Khó”, nhiều người ngỡ ngàng, kinh ngạc. Hắn là ai mà có dáng người ngộ ngộ mà giọng nói cũng ngồ ngộ (giọng Quảng)? Hắn là ai mà có bản lĩnh đứng cạnh những “sao bự” cỡ Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Cẩm Ly? Hắn mặc cái quần tây đáy rộng kéo cao đến ngực, đôi dép tổ ong quê mùa, cái nốt ruồi dính lên mép miệng to tướng. Tay chân hắn di di, mặt mũi hắn ngượng ngịu, bẽn lẽn. Hắn nhập vai ông già xứ Quảng cực đoan, nghiêm khắc, vô lý nhưng dễ thương, đáng yêu vô cùng. Rất nhanh chóng sau đó, người ta mới “điều tra” ra hắn là Trường Giang - một người con của đất Quảng, quê Tam Kỳ.  

Trường Giang: Ngọn gió xứ Quảng thổi về phố thị - ảnh 1

Sau Hoài Linh, Trường Giang là người thứ hai khiến khán giả vỡ lẽ ra rằng: xem một diễn viên hài nói giọng chuẩn cũng bình thường thôi! Phải xem diễn viên hài nói giọng địa phương mới hấp dẫn và mê ly. Một câu chuyện về gia đình, về sự phân biệt giọng nói, xuất xứ ngay trên đất Quảng, khán giả tâm đắc vì cuộc sống họ đúng là như thế. Nếu không chính tay viết kịch bản và là người đất Quảng, chưa chắc gì Trường Giang đã làm thật đến thế. Từ chỗ thật đến chỗ duyên. Nghe đồn sau đó không lâu, nhà nào ở Quảng Nam không có đĩa hài này trên kệ hoặc chưa xem vở này đều bị chê là “lạc hậu”. Hễ ông già nào khó khăn là bị gán ngay biệt danh “Mười Khó”! Trường Giang nổi tiếng, khán giả ngỡ ngàng một, anh ngỡ ngàng đến mười. Anh từng tiết lộ với tôi: “Nghe anh Đàm Vĩnh Hưng nhờ viết kịch bản một vở kịch về người miền Trung, tôi chợt nhớ câu chuyện của những gia đình ở quê nên viết thôi. Khi… bỗng dưng nổi tiếng, tôi mất ngủ mấy đêm liền”.

Nói về lý do đặt tên liveshow đầu tiên mới đây là “Chàng hề xứ Quảng” Trường Giang cho biết: để luôn tự nhắc, dù là ai đi nữa thì mình không bao giờ được quên gốc gác, quê hương, nguồn cội của mình là xứ Quảng, không bao giờ quên những tháng ngày cơ cực để luôn biết chia sẻ và quan tâm đến mọi người.

2. Vai Mười Khó đã thay đổi cuộc đời của Trường Giang ngay sau đó. Từ một diễn viên “cùi bắp”, lạ huơ lạ hoắc, chỉ chạy lướt ngang qua sân khấu như một cái bóng trở thành một tên tuổi nóng trên mặt báo. Từ một diễn viên nằm dài chờ show trở thành cái tên đắt khách tại các sân khấu, phòng trà, truyền hình ở Sài Gòn. Từ một diễn viên chỉ dám liếc nhìn các danh hài nổi tiếng như Hoài Linh, Trấn Thành, Việt Hương, Chí Tài giờ lại trở thành đồng nghiệp với họ. Trường Giang ngoài mô-típ diễn khá giống với Hoài Linh: bình dân, gần gũi, nhẹ nhàng, từ tốn và sử dụng tiếng Quảng thì còn có thêm lợi thế ở ngoại hình và gương mặt rất trẻ nhưng lại đóng vai già.

Không ít người... ngã ngửa, không tin khi biết Trường Giang nhận 30 triệu đồng/tập khi làm MC một chương trình, 60 triệu đồng/ tiết mục biểu diễn trong chương trình truyền hình. Đó là chưa kể các phim anh tham gia đều cháy vé ngoài rạp, thu về một số tiền không nhỏ. Tôi đùa Trường Giang: “Anh đang…gặp thời đấy!”, anh cười bảo: “Nếu sống đàng hoàng, làm việc chăm chỉ, có niềm đam mê, tôi tin rồi ai cũng sẽ “gặp thời” thôi”. Tôi hiểu rằng, để có được một Trường Giang hôm nay là cả một chặng đường gian nan trước đó. Để có thể tạo ra bấy nhiêu tiếng cười, thì cũng có khi là từng ấy nước mắt đã rơi. Trong nghề này, càng trải đời khó nhọc bao nhiêu thì vai diễn càng hay, càng thật bấy nhiêu. Ngoài vai Mười Khó, các vai diễn khác của Trường Giang trong các vở Ôsin là ông nội, Thần đèn, Dễ gì lừa Hai Lúa, Thói đời mà, Chuyện lề đường… đều khiến khán giả mê ngay.

3. Trường Giang sinh năm 1983 trong gia đình có 6 anh em, sống tại Tam Kỳ. Năm anh lên 3 thì mẹ anh qua đời vì tai nạn giao thông. Mất mát, đau đớn, nghèo khó, ba anh bám những chuyến tàu dắt díu đàn con ngược xuôi Trung - Nam. Cuối cùng gia đình quyết định ở hẳn Đồng Nai tìm kế sinh nhai. Trường Giang đi mót mủ cao su, nhặt củi khô bán kiếm tiền ăn qua ngày. Anh cười lấp lánh khi nhắc về “tuổi thơ dữ dội” nhưng lại không kìm được nước mắt khi nhớ về những ngày anh lên Sài Gòn ăn học. Thi rớt trường Sư phạm nhưng khi đậu vào trường Sân khấu điện ảnh thì bị đuổi vì không có tiền đóng học phí. Đã thế lại còn bị chê “xấu, lùn, giọng dở, không có tài năng nghệ thuật”. Có những bữa không có tiền để mua gói mì tôm, Trường Giang ngồi trong góc nhà trọ, nhìn ra đường, không dám về thăm ba và các em. Thời gian sau, anh may mắn được nghệ sĩ Hữu Lộc giao cho vai diễn và sau đó gặp được nghệ sĩ Hoài Linh, cuộc đời anh như được “sang trang”.

Trường Giang: Ngọn gió xứ Quảng thổi về phố thị - ảnh 2
Diễn viên Trường Giang và nghệ sĩ Hoài Linh.

Ngày xưa anh gầy, đen, xấu còn hôm nay anh thư sinh theo kiểu da trắng, mặt non choẹt. Trường Giang bảo bây giờ về thăm nhà, thấy quê hương lại nhớ ba má, các em; nhìn bộ quần áo lao động lại nhớ những ngày đi mót mủ cao su, lượm củi. Chợt thấy tuổi thơ nhọc nhằn nhưng đẹp đẽ vô cùng. Anh bảo nếu có khóc có lẽ chỉ còn là những giọt nước mắt hạnh phúc mà thôi! Lần về thăm quê ở Tam Kỳ, Trường Giang đã bật khóc khi ôm mộ mẹ. Bởi giá như mẹ còn sống để chứng kiến thằng Tý ngày nào đã trở thành một nghệ sĩ, đã kiếm ra tiền, có thể mua cho mẹ vài ba cái áo ấm mùa đông, một bữa cơm ngon, một chuyến du lịch mà cả đời ngắn ngủi mẹ chưa bao giờ chạm tới được.

4. Trường Giang diễn hài ở các sân khấu đến chương trình hài trên truyền hình, viết kịch bản, đóng phim, làm MC… Trường Giang thừa nhận mình tham vọng nhưng đó là điều không xấu vì: “Tôi tham vọng nhưng không đạp đổ hy vọng của người khác. Tôi kiếm tiền bằng sức lao động, mồ hôi nước mắt của mình chứ không làm hại người khác”. Nổi danh nhờ tài năng thật sự chứ không dựa vào chiêu trò đánh bóng, Trường Giang xác định rất rõ ràng con đường mình đi. “Trước khi ra sân khấu, tôi là số 0. Chính những tràng vỗ tay của khán giả quyết định vị trí của tôi. Tôi luôn ghi nhớ lời dạy của anh Hoài Linh: Là nghệ sĩ, nếu khán giả không thương thì chỉ có nước ăn mì gói cả tháng” - Trường Giang nói. Anh cũng hiểu, đời nghệ sĩ truân chuyên luôn rình rập và chuyện thị phi có thể bủa vây bất kỳ lúc nào. Tên tuổi của nghệ sĩ gầy dựng thì lâu nhưng sụp đổ thì mau. Con đường nghệ thuật của Trường Giang chỉ mới bắt đầu, phía trước là một dòng sông dài.

Tất cả cuộc vui có Trường Giang tham dự đều trở nên tưng bừng, náo nhiệt, sôi nổi. Anh bá cổ người này, choàng vai người kia, nói cười không ngớt. Thì Trường Giang đã bảo mình sợ nhất là sự “nghiêm túc, trịnh trọng” mà! Với anh, cuộc đời này đáng sống, cuộc sống này đáng vui và cuộc vui nào cũng nên hết mình. Anh màu sắc nhưng cũng cực kỳ bình dân đúng kiểu người nhà quê, “có sao nói vậy người ơi”, không câu nệ, không khuôn khổ. Tôi thích Trường Giang ở điểm đó: gạt bỏ hết niềm riêng, hòa mình vào đám đông bằng nụ cười và giọng nói đặc chất Quảng. “Nhảy múa” thị thành gần chục năm trời nhưng cái chất quê ở Trường Giang vẫn giữ gìn cẩn thận. Từ lời ăn tiếng nói đến sinh hoạt, cách cư xử đều khiến đồng nghiệp trong giới thương mến và khán giả tin yêu. Nếu không, dễ gì một nghệ sĩ hài trẻ mới nổi như anh mà tổ chức liveshow “Chàng hề xứ Quảng” (liveshow đầu tiên trong sự nghiệp diễn ra hồi tháng 10) đã cháy vé từ trong nước đến hải ngoại như vậy. Anh như một ngọn gió xứ Quảng thổi về phố thị, vẫn đang “chuyên cần và chịu khó”, đang phơi phới trước mùa xuân dù từng ể oải lướt qua bao gian nan, khó nhọc chốn thị thành.

Theo PHƯƠNG NGUYÊN/Báo Quảng Nam

"Phố Sách cuối tuần" góp phần nâng cao văn hóa đọc

“Phố Sách cuối tuần” là một sáng kiến, chương trình mới nhằm phát huy hiệu quả không gian văn hóa đọc tại Phố sách, góp phần nâng cao văn hóa đọc của Hà Nội.

Giới trẻ nên đọc sách như thế nào?

Nhiều gợi ý hay về việc đọc sách, văn hóa đọc của giới trẻ đã được chia sẻ tại chương trình giao lưu trong khuôn khổ “Phiên chợ Khuyến đọc” tại Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh.

Cuốn sách làm rõ vai trò của Thái sư Lưu Cơ trong lịch sử

Cuốn sách do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật biên soạn và phát hành giúp công chúng hiểu rõ hơn vai trò lịch sử của Thái sư Lưu Cơ, những đóng góp của ông với các triều đại Đinh, Tiền Lê và giai đoạn đầu thời Lý.

Thị trường sách nói còn nhiều khó khăn

Thị trường sách nói ở Việt Nam đã từng bước phát triển, song vẫn còn không ít khó khăn, cần sớm được khắc phục để có thêm kênh lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.

Trưng bày sách góp phần phát triển văn hóa đọc và tình đoàn kết Việt - Lào

Chương trình Trưng bày, giới thiệu sách nhân kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ hữu nghị Việt Nam - Lào (1962 - 2022) được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức ngày 24/12 tại TP.HCM.

Xây dựng nhiều đầu sách khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường

Định hướng đến năm 2025 sẽ xây dựng nhiều đầu sách, bộ sách giá trị khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần cho Việt Nam bứt phá, vươn lên trở thành nước phát triển.

Đưa thư viện 1.000 cuốn sách và không gian sách 4.0 đến điểm trường vùng cao

Công trình “Thư viện 1000 cuốn sách và không gian sách 4.0” là dự án được xây dựng để duy trì, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, thúc đẩy việc tiếp cận tri thức cho trẻ em vùng sâu, vùng xa, có hoàn cảnh khó khăn.

Những cuốn sách truyền cảm hứng sống tích cực cho giới trẻ

Bộ ấn phẩm Chào mừng Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII gồm những cuốn sách lan tỏa và truyền cảm hứng sống tích cực cho cộng đồng, đặc biệt là cho các Đoàn viên, thanh niên, học sinh.

“Cẩm nang” về công tác xây dựng Đảng trong Công an nhân dân

Lễ giới thiệu cuốn sách “Tăng cường công tác xây dựng Đảng trong Công an nhân dân theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” vừa diễn ra sáng 8/12 tại Hà Nội.

Lan tỏa văn hóa đọc qua cuộc thi giới thiệu sách trực tuyến

165 giải thưởng đã được vinh danh tại Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi Giới thiệu sách trực tuyến năm 2022 có chủ đề "Sách và Khát vọng cống hiến" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 1/12 ở Hà Nội.

Đang cập nhật dữ liệu !