Trường ĐH tốp đầu “mách nước” cho thí sinh dễ dàng trúng tuyển
Điều chỉnh nguyện vọng: Tránh tâm lý đám đông
Ghi nhận ở trường ĐH Ngoại thương cho thấy, phần đông thí sinh muốn tư vấn điều chỉnh nguyện vọng vào trường đều ở mức điểm 24-28. Câu hỏi phổ biến mà các em đặt ra là với mức điểm này có cơ hội trúng tuyển không?
Theo TS. Phạm Thu Hương, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Ngoại thương, hiện trường chưa có dữ liệu thí sinh đăng ký xét tuyển nên không thể có câu trả lời cụ thể cho các em ngay.
Hiện tại, trường tổ chức tư vấn liên tục qua điện thoại, trực tuyến, mạng xã hội, thậm chí livestream để thí sinh dễ cập nhật.
Nhà trường lưu ý, hiện tại nhiều thí sinh vẫn theo tâm lý “đám đông” để điều chỉnh nguyện vọng. Việc điều chỉnh vì thế phải hết sức cân nhắc, dựa trên các ngành mà các em yêu thích, đồng thời đối chiếu với mức điểm chuẩn năm ngoái để đưa ra lựa chọn phù hợp nhất.
Với ĐH Bách khoa Hà Nội, việc dự báo điểm chuẩn sẽ tăng nhẹ đã được đưa ra từ trước thời điểm điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh. Theo đó, trường vừa công bố điểm sàn ở các mã ngành khác nhau, dao động từ 20 đến 24 điểm.
Năm ngoái, ĐH Bách khoa Hà Nội lấy điểm trúng tuyển theo thang điểm 10, tính theo công thức riêng của trường.
Điểm trúng tuyển cao nhất của trường là 8,82 thuộc các ngành Kỹ thuật máy tính, Truyền thông và mạng máy tính, Khoa học máy tính, Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin và Công nghệ thông tin. Ngành Quản trị kinh doanh (liên kết với ĐH Troy - Hoa Kỳ) có điểm trúng tuyển thấp nhất là 6,5.
PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Bách khoa Hà Nội, lưu ý: “Thí sinh không nên quá lo lắng vì chính sách đăng ký nguyện vọng do Bộ GD&ĐT quy định là năm nay không hạn chế và các xét tuyển sẽ không xảy ra hiện tượng "chắt chiu" nguyện vọng như năm ngoái” - ông Điền tư vấn.
Theo đó, năm 2016 có 4 nguyện vọng thì sẽ phải tư vấn rất chuyên sâu cho thí sinh khả năng đỗ hay trượt khi mất một còn ba vì "cửa hẹp". Còn năm nay thì phụ huynh cũng như học sinh không phải lo lắng nhiều.
Về điểm chuẩn, ông Điền cho hay điểm chuẩn phụ thuộc vào nguyện vọng của thí sinh. Phải đến sát ngày 21/7 trường mới chốt chính xác về lượng hồ sơ.
“Theo tôi, các em đạt được điểm bằng như điểm chuẩn của Bách khoa năm ngoái thì yên tâm xét tuyển vào trường”- ông Điền cho hay.
Tăng 1 điểm so với mức điểm sàn năm 2016, ở mức 18 điểm, ĐH Kinh tế quốc dân dự kiến điểm chuẩn vào các ngành sẽ cao hơn năm ngoái.
Ông Bùi Đức Triệu – Trưởng phòng đào tạo ĐH Kinh tế quốc dân, khuyến nghị, tuy điểm sàn của trường là 18 điểm nhưng mức điểm đăng ký vào trường an toàn nhất là 20.
“Thí sinh phải đạt từ mức 20 điểm trở lên mới có cơ hội cao vào trường. Điểm chuẩn vào các ngành dự kiến cao hơn năm ngoái nên các em cần dựa vào dữ liệu này để cân nhắc việc điều chỉnh nguyện vọng” – ông Triệu lưu tâm.
Cũng theo ông Bùi Đức Triệu, cơ hội để có thể đỗ vào trường là từ 21 đến 22 điểm. Thí sinh nên chọn 3-4 nguyện vọng thì khả năng cao sẽ đạt được mong muốn.
Một số trường ĐH tốp đầu đều cho rằng, phần lớn mức điểm chuẩn năm nay sẽ cao hơn năm ngoái. Những ngành điểm cao thì chắc chắn sẽ tiếp tục cao bởi vì đăng ký nguyện vọng năm nay thuận lợi cho thí sinh hơn.
Thí sinh đang cân nhắc điều chỉnh nguyện vọng, hạn cuối vào ngày 23/7. Ảnh minh họa |
Điểm nhận hồ sơ chỉ để tham khảo
Một điều khác biệt so với năm ngoái là năm nay, nhiều ĐH Công lập, trong đó không loại trừ các trường tốp đầu công bố điểm xét tuyển đúng bằng điểm sàn 15,5 điểm của Bộ GD&ĐT.
Tuy nhiên, thí sinh cần lưu ý, đây chỉ là dữ liệu tham khảo, bởi điểm chuẩn bao giờ cũng cách khá xa mức điểm sàn đưa ra.
Năm nay, ĐH Ngân hàng TPHCM có 2 ngành là Luật Kinh tế và Hệ thống Thông tin Quản lý lấy mức điểm sàn xét tuyển là 15,5 điểm, các ngành còn lại lấy 17 điểm. Tuy nhiên, điểm chuẩn hai ngành này lại khá cao vào năm ngoái, ở mức 20,5 điểm.
Chính vì vậy, thí sinh có mức điểm chỉ cao hơn 1-2 điểm so với mức điểm đầu vào của trường thì nên cân nhắc tìm cơ hội ở trường khác.
Theo Bộ GD&ĐT, nếu không phân biệt khối thi, mỗi thí sinh trên điểm sàn được tính 1 lần duy nhất thì có 535.798 thí sinh có cơ hội trúng tuyển vào ĐH, CĐ. Tương ứng với chỉ tiêu tuyển sinh là 332.496 sinh viên thì cứ 1,6 em lại có 1 thí sinh trượt ĐH (hệ số dôi dư).
Bà Nguyễn Thi Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, cho biết đến ngày 18/7, tỷ lệ thí sinh thay đổi nguyện vọng là gần 30%.
“Thí sinh nào lúng túng trong việc thay đổi nguyện vọng thì nên xem những câu hỏi Bộ GD&ĐT đã trả lời trong tài liệu hỏi - đáp. Ở đây, những thắc mắc về điều chỉnh nguyện vọng đã được hướng dẫn qua tài liệu và clip rất cụ thể” - bà Phụng nhấn mạnh.
Ngoài ra, cách thức xét tuyển của từng trường đã được công khai trong các đề án tuyển sinh. Tất cả thông tin này đều có trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.
Thí sinh nên vào trang thituyensinh.vn để tham khảo các thông tin cơ bản này để thực hiện đúng. Sĩ tử cũng có thể điện thoại hoặc gửi email đến các địa chỉ tư vấn hỗ trợ thí sinh của các trường hoặc của Bộ GD&ĐT để tham khảo.