Trường Đại học Y Dược Huế bất ngờ thu học phí bác sĩ nội trú
![]() |
Quyết định thu học phí của trường khiến nhiều bác sĩ nội trú bất ngờ. |
Tiền đâu đóng học phí?
Mấy ngày nay, nhiều bác sĩ đang học nội trú tại trường Đại học Y Dược Huế bất ngờ nhận được quyết định của nhà trường về việc thu học phí đối với bậc đào tạo sau đại học, trong đó có học viên là bác sĩ nội trú năm thứ nhất và năm thứ hai. Điều này đã dẫn đến nhiều ý kiến phản hồi của bác sĩ, cho rằng việc thu học phí này không tạo động lực để khuyến khích học viên tham gia đào tạo và nghiên cứu.Bác sĩ nội trú là một chương trình đào tạo đặc biệt dành riêng cho các bác sĩ mới ra trường. Sau 6 năm học đại học, các bác sĩ mới ra trường, trên 27 tuổi, tốt nghiệp loại khá trở lên có thể thi Cao học hoặc Bác sĩ nội trú. Thi vào Bác sĩ nội trú khó khăn hơn rất nhiều so với Cao học và Chuyên Khoa 1, chỉ có các sinh viên Y khoa chính quy mới được dự thi Bác sĩ nội trú và chỉ được thi duy nhất một lần trong đời.
Hiện nay, sau khi hoàn tất chương trình đào tạo kéo dài 3 năm (Cao học học 2 năm) thì các Bác sĩ nội trú sẽ được cấp 3 bằng: Bằng Bác sĩ chuyên khoa I, bằng Thạc sĩ y khoa, và bằng Bác sĩ nội trú. Chương trình học Bác sĩ nội trú rất vất vả, các Bác sĩ nội trú phải ở trong bệnh viện 24/24 vì mục tiêu là trở thành bác sĩ giỏi về lý thuyết lẫn thực hành lâm sàng. Các Giáo sư đầu ngành của Y học Việt Nam hầu hết xuất thân từ các bác sĩ nội trú.
Với những sinh viên y khoa, thi nội trú là kỳ thi vô cùng khó khăn. Xác định vào học bác sĩ nội trú là họ coi như hi sinh tuổi thanh xuân, gia đình của mình cho nghề nghiệp. Các bác sĩ nội trú hầu như được hỗ trợ ăn ở, phụ cấp hàng tháng và chưa có tiền lệ phải nộp tiền học phí.
Trước thông tin Đại học Y dược Huế thu tiền học phí của học viên bác sĩ nội trú năm thứ nhất và thứ hai 12.600.000 đồng/năm, trong diễn đàn bác sĩ nội trú dấy lên làn sóng phản đối.
Thạc sĩ Lương Quốc Chính – Khoa Cấp cứu Hồi sức Bệnh viện Bạch Mai tâm sự, những năm tháng học bác sĩ nội trú thực sự là những năm tháng “nhớ đời” của một bác sĩ. Nếu thu học phí thì các học viên sẽ không còn ý niệm cống hiến. Từ trước đến nay, bác sĩ nội trú được xem là cái nôi để đưa ngành y phát triển nhưng đến nay vừa nghe thông tin đóng học phí, nhiều học viên cảm thấy chán nản. Khác với các chương trình học sau đại học, bác sĩ nội trú phải ăn ở bệnh viện, ngủ ở bệnh viện và vừa học tập lý thuyết vừa học tập lâm sàng.
Một bác sĩ ngoại khoa của BV Đại học Y Hà Nội tâm sự, vào nội trú là xác định gian khổ vì từ 7h sáng đến 10h tối là ở bệnh viện tham gia vào tất cả các hoạt động của bệnh viện từ đón tiếp, vào sổ sách, khám bệnh, chịu trách nhiệm về bệnh nhân. Không những thế, bác sĩ nội trú còn chịu áp lực từ chính những người thầy bởi tâm lý bác sĩ nội trú là phải giỏi hơn cao học, chuyên khoa 1.
Lúc ấy, Bộ Y tế cho mỗi bác sĩ nội trú chỉ là 220.000đ/tháng, bệnh viện hỗ trợ thêm khoảng 200.000đ/ tháng và họ không có thêm bất cứ khoản thu nhập nào. Còn người nhà bệnh nhân thấy các bác sĩ gầy ho, xanh lét, người cớm nắng như thiếu ăn, họ có cảm ơn bằng phong bì cũng không ai dám nhận.
Điều đó khiến cho các bác sĩ nội trú xuất thân từ quê gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Nhưng vì lý tưởng nghề nghiệp ai cũng cố gắng vượt qua thời gian nội trú ấy.
Với các bác sĩ nội trú nữ cũng tương tự. Hầu như họ không biết yêu đương là gì. Ngày xưa, bác sĩ nội trú nữ còn không được mang thai, sinh con.
Với mức sống như thế nếu mỗi năm đóng thêm hơn 12 triệu đồng không ít bác sĩ nội trú sẽ phải ngửa tay xin tiền gia đình hoặc sẽ dẫn đến nhiều hệ quả không tốt khác, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Thu học phí vì không có ngân sách đào tạo
Trao đổi với chúng tôi, PGS Võ Tam – Phó hiệu trưởng trường Đại học Y dược Huế cho biết quyết định thu học phí với học viên bác sĩ nội trú năm thứ nhất, năm thứ 2 của trường là đúng. PGS Tam cho biết nhiều năm trước nhà trường đào tạo bác sĩ nội trú ít nhưng gần đây số lượng tăng lên.
Trong khi đó, trường trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, không có ngân sách cho đào tạo Bác sĩ nội trú nên việc đưa ra các quyết định thu là phù hợp với chính sách của nhà nước.