Trung – Triều đẩy mạnh hợp tác, tăng khả năng đối phó với Mỹ
Trung Quốc và Triều Tiên có những động thái tăng cường mối quan hệ song phương trong bối cảnh cùng đối đầu với Mỹ.
Các chuyên gia nhận định, việc Triều Tiên có những động thái tăng cường các mối quan hệ với Trung Quốc cho thấy Bình Nhưỡng muốn tăng vị thế mặc cả trước khi tiến hành đối thoại hoặc đối đầu với Mỹ như trong tuyên bố mà Chủ tịch Kim Jong-un nhắc tới mới đây.
Theo thông tin được hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) công bố hôm 23/6, Ban Liên lạc Quốc tế (ILD) thuộc Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc đã tiến hành cuộc họp chung với các quan chức thuộc Đại sứ quán Triều Tiên ở thủ đô Bắc Kinh vào ngày 21/6. Sự kiện nhằm kỷ niệm lần thứ 3 chuyến thăm của ông Kim tới Trung Quốc và kỷ niệm lần thứ 2 chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Triều Tiên.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un gặp gỡ ở Bình Nhưỡng vào năm 2019. (Ảnh: Yonhap) |
Trong cuộc gặp, ông Song Tao, Giám đốc ILD, nhấn mạnh mối quan hệ hữu nghị giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng sẽ trường tồn mãi mãi và các chuyến thăm song phương sẽ mang lại sinh khí mới cho mối quan hệ giữa hai nước.
Trước đó, vào ngày 21/6, KCNA đưa tin Đại sứ quán Trung Quốc ở Bình Những đã tổ chức buổi triển lãm kỷ niệm chuyến thăm của ông Tập tới Bình Nhưỡng. Sự kiện thể hiện mối quan hệ mật thiết giữa hai nước khi có sự tham gia của các quan chức Triều Tiên.
Cùng ngày, đại sứ Trung Quốc tại Triều Tiên là ông Li Jinjun đã trả lời phỏng vấn tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên. Còn ông Ri Ryong-nam, đại sứ Triều Tiên tại Trung Quốc, cũng đã có bài phỏng vấn với tờ People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Những sự kiện thể hiện mối quan hệ thân thiết giữa Trung – Triều được tiến hành sau khi trong phiên họp của đảng Lao động Triều Tiên vào ngày 17/6, ông Kim tuyên bố Bình Nhưỡng cần phải chuẩn bị cả “đối thoại lẫn đối đầu” với Mỹ.
Ban đầu tuyên bố của ông Kim được hiểu là Triều Tiên hiện có ý định đối thoại với Mỹ, sau khi chính quyền của Tổng thống Joe Biden có nhiều nỗ lực đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán. Hồi đầu tuần này trong chuyến thăm tới Seoul, ông Sung Kim, đặc phái viên Mỹ phụ trách các vấn đề Triều Tiên, cũng khẳng định Washington sẽ đối thoại với Bình Nhưỡng “ở bất cứ đâu, bất cứ thời điểm nào và không kèm điều kiện trước”.
Nhưng sau đó, em gái của Chủ tịch Triều Tiên là bà bà Kim Yo-jong lên tiếng cho rằng, Mỹ dường như đã hiểu sai những tín hiệu từ Bình Nhưỡng và chuyện này chỉ dẫn tới sự thất vọng lớn hơn.
“Dường như Mỹ đã diễn giải tình huống theo cách tự làm hài lòng mình. Sự kỳ vọng chỉ đẩy họ vào nỗi thất vọng lớn hơn”, KCNA dẫn lời bà Kim Yo-jong hôm 22/3.
Đây là phản ứng của bà Kim Yo-jong sau khi Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan chia sẻ hôm 20/6, ông đã thấy “tín hiệu tích cực” trong bài phát biểu gần đây của Chủ tịch Kim Jong-un liên quan tới công tác chuẩn bị cả ngoại giao và đối đầu với Mỹ.
Sau đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price vẫn khẳng định lời bình luận của bà Kim Yo-jong “không làm thay đổi quan điểm của Mỹ về con đường ngoại giao”.
Giới chuyên gia nhận định, rất khó để cuộc đối thoại giữa Mỹ - Triều sớm được nối lại. Do dó, những động thái gần đây của Bình Nhưỡng nhằm thắt chặt quan hệ với Bắc Kinh cho thấy, Triều Tiên đang nỗ lực tăng vị thế mặc cả trước khi tham gia đối thoại bằng cách tận dụng sự cạnh tranh giữa Mỹ - Trung.
“Khi Mỹ không ngừng có những nỗ lực để kiềm chế Trung Quốc, giá trị địa chính trị của Triều Tiên càng gia tăng. Mỹ đang xử lý vấn đề Triều Tiên theo khuôn khổ đối thoại, còn Trung Quốc lại đang xem Triều Tiên là đòn bẩy để đối phó với chiến lược của Mỹ. Theo quan điểm của Triều Tiên, việc tăng cường quan hệ với Trung Quốc là công cụ hiệu quả để thi hành những điều kiện Bình Nhưỡng đưa ra trước khi nối lại đàm phán với Mỹ”, ông Hong Min, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viên Thống nhất Hàn Quốc nói.
Cũng theo ông Hong, tuyên bố của ông Kim Jong-un trong cuộc họp của đảng Lao động Triều Tiên cho thấy, chiến thuật mà chính quyền Bình Nhưỡng sẽ áp dụng trong thời gian tới. Cụ thể, ông Kim nói rằng Triều Tiên sẽ thi hành đường lối ngoại giao dựa trên bối cảnh chính trị của khu vực và quốc tế. Nói cách khác, Triều Tiên sẽ tận dụng giá trị địa chính trị của nước này trong lúc Mỹ - Trung cạnh tranh gay gắt.
Ông Park Won-gon, Giáo sư nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Nữ Ewha, cũng cho rằng những động thái gần đây của Triều Tiên là chiến lược giành thêm tầm ảnh hưởng trước khi tiến hành đối thoại với Mỹ.
“Trong cuộc họp thượng đỉnh của nhóm G7 hồi đầu tháng Sáu, các nước thành viên đã kêu gọi gia tăng sức ép với cả Trung Quốc và Triều Tiên. Chuyện này khiến Bắc Kinh và Bình Nhưỡng phải hợp lực để chống lại sức ép”, ông Park nói.
Ông Park nói thêm, “Tuyên bố gần đây của bà Kim Yo-jong ám chỉ Triều Tiên muốn có một cuộc đối thoại phục vụ lợi ích của nước này. Bằng cách tăng cường các mối quan hệ với Trung Quốc, Triều Tiên sẽ tăng cường vị thế ngoại giao và tăng sức chống đỡ trước sức ép ngày càng lớn từ phía Mỹ”.
Còn hiện tại, nhiều nguồn tin cho rằng khả năng ông Kim Jong-un sẽ tới thăm Trung Quốc vào ngày 11/7 tới, thời điểm Bắc Kinh và Bình Nhưỡng kỷ niệm 60 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Hỗ trợ lẫn nhau. Nhưng chuyện này chưa chắc chắn, bởi Triều Tiên vẫn đang vô cùng thận trọng trong công tác phòng chống dịch Covid-19 và tiếp tục cho phong tỏa các đường biên giới giáp Trung Quốc.
Mỹ liên tiếp 'chọc giận' Trung Quốc về vấn đề Đài Loan
Mỹ tiếp tục có hành động chọc giận Trung Quốc bằng việc điều động tàu khu trục USS Curtis Wilbur đi qua eo biển Đài Loan.
Minh Thu (lược dịch)