Mỹ liên tiếp 'chọc giận' Trung Quốc về vấn đề Đài Loan
Mỹ tiếp tục có hành động chọc giận Trung Quốc bằng việc điều động tàu khu trục USS Curtis Wilbur đi qua eo biển Đài Loan.
Hôm 22/6, khu trục hạm tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur của hải quân Mỹ đã di chuyển qua eo biển Đài Loan bất chấp sự phản đối của Trung Quốc. Đây là lần thứ 6, chiến hạm Mỹ đi qua eo biển Đài Loan kể từ khi ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ
Trong tuyên bố từ hải quân Mỹ, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur đã thực hiện “di chuyển thông thường” qua eo biển Đài Loan, nơi phân cách Trung Quốc đại lục với đảo Đài Loan, vào ngày 22/6 để “thể hiện cam kết của Mỹ về một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở cửa”.
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur của hải quân Mỹ. (Ảnh: CNA) |
“Quân đội Mỹ bay qua, đi qua và hoạt động ở bất cứ nơi đâu luật pháp quốc tế cho phép”, hải quân Mỹ nhấn mạnh.
Hôm nay (23/6), phát ngôn viên Chiến khu Đông Bộ của quân đội Trung Quốc là ông Zhang Chunhui tuyên bố hoạt động di chuyển của hải quân Mỹ qua eo biển Đài Loan đã bị quân đội Trung Quốc giám sát chặt chẽ.
“Mỹ đã lặp lại chiêu trò cũ nhằm gây bất ổn ở eo biển Đài Loan, chủ ý phá hoại an ninh khu vực và gây tổn hại ngiêm trọng tới nền hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan”, ông Zhang cáo buộc.
Về phần mình, Cơ quan Quốc phòng Đài Loan cho hay tàu khu trục Mỹ đã di chuyển từ hướng bắc qua eo biển Đài Loan và quân đội Đài Loan hoàn toàn kiểm soát được mọi hoạt động ở trên biển và trên không phận hòn đảo.
Trước đây, khu trục hạm tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur từng di chuyển qua eo biển Đài Loan vào giữa tháng Năm. Vào thời điểm này, Bắc Kinh đã lớn tiếng chỉ trích khi cho rằng Mỹ đang gửi đi “những tín hiệu sai” cho các lực lượng ủng hộ giành độc lập ở Đài Loan.
Sự xuất hiện liên tiếp của các tàu chiến Mỹ ở eo biển Đài Loan cho thấy, Washington muốn nhấn mạnh sự tập trung vào khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, bao gồm hoạt động tự do hàng hải ở eo biển Đài Loan và ở Biển Đông nhằm đối phó trước sự bành trướng ngày càng lớn ở trên biển từ phía Trung Quốc.
Hiện eo biển Đài Loan có thể trở thành một điểm nóng làm gia tăng thêm căng thẳng quan hệ giữa Mỹ - Trung. Cụ thể, trong bối cảnh Đài Loan phải chịu sức ép lớn cả về mặt chính trị và quân sự từ Trung Quốc, Mỹ lại gia tăng sự ủng hộ đối với Đài Loan. Điển hình, hồi tuần trước, một Thượng nghị sĩ Mỹ tới thăm Đài Bắc đã tuyên bố Mỹ sẽ cung cấp cho Đài Loan 2,5 triệu liều vắc-xin Covid-19. Thậm chí, lãnh đạo các nước G7 còn ra tuyên bố chung chỉ trích hành động của Trung Quốc, cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của nền hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan.
Lâu nay, Trung Quốc chỉ xem Đài Loan là một tỉnh ly khai và nhiều lần khẳng định Đài Loan là “vấn đề nhạy cảm và quan trọng nhất trong mối quan hệ Mỹ - Trung”.
Dù Washington và Đài Bắc không thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức, nhưng Mỹ hiện là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ nhất đối với Đài Loan trên trường quốc tế và còn là nhà cung cấp vũ khí chính cho Đài Loan.
Trong thời gian gần đây, Cơ quan Quốc phòng Đài Loan nhiều lần cho biết lực lượng không quân đã phải điều động các chiến đấu cơ đi theo dõi và đánh chặn dàn máy bay quân sự Trung Quốc xâm nhập vào vùng nhận diện phòng không (ADIZ). Theo các chuyên gia, Trung Quốc đang sử dụng chiến thuật “chiến tranh vùng xám” để đe dọa Đài Loan.
Đáng nói, hồi tuần trước, quân đội Trung Quốc đã điều động số lượng máy bay quân sự nhiều nhất từ trước tới nay vào ADIZ của Đài Loan với 28 chiếc. Sự xuất hiện của dàn máy bay quân sự Trung Quốc ở ADIZ của Đài Loan diễn ra chỉ sau 1 ngày tàu sân bay USS Ronald Reagan của hải quân Mỹ tiến hành tập trận ở Biển Đông.
Em gái ông Kim Jong-un ‘dội gáo nước lạnh’ vào niềm hy vọng của Mỹ
Khi Mỹ vừa có tuyên bố hy vọng sớm nối lại đàm phán hạt nhân với Triều Tiên, em gái ông Kim Jong-un ngay lập tức “dội gáo nước lạnh”.
Minh Thu (lược dịch)